“Dệt nên triều đại” tái hiện nghi lễ và tranh.

 
Phan Lê Thứ Tư | 21/02/2018 09:00

Nối hiện tại và quá khứ

Dấn thân tìm hiểu và trải nghiệm là một lựa chọn khác của những người trẻ 9x trong hành trình tìm lại và kế thừa những giá trị truyền thống.

Khoảng cách giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại mỗi ngày một dày lên. Im lặng là một chọn lựa. Dấn thân tìm hiểu và trải nghiệm là một lựa chọn khác của những người trẻ.

1. Chưa bao giờ xuất hiện nhiều nhóm trẻ như vậy, từ Cirle Reading, 3D, CUCA, CCA, Đại Việt Cổ Phong đến Zó Project, Vietnam Centre, Vẽ về Hát Bội, Blue Print, Sài Gòn lưu chữ... Những người trẻ này hội tụ với nhau bằng tình yêu đối với những di sản của quá khứ. Phạm vi hoạt động của các nhóm trải đều trên phạm vi lịch sử văn hóa Việt Nam, từ trong ra ngoài nước.

Họ tự vận động và tổ chức các buổi tìm kiếm tư liệu, phỏng vấn và giới thiệu nhân vật trong các buổi trò chuyện truyền cảm hứng, nghiên cứu thực địa, xây dựng cơ sở dữ liệu hiện vật... Tất cả đều được thôi thúc bởi sự tò mò, tình yêu văn hóa Việt, nỗi xót xa khi thấy những giá trị văn hóa bản địa bị mai một và mong muốn lưu giữ bằng những hành động thiết thực.

Noi hien tai va qua khu
 

Lê Ngọc Linh (sinh năm 1987), đồng sáng lập tổ chức Vietnam Centre, chia sẻ: “Khi còn ở Việt Nam, tôi không ý thức được rằng văn hóa bản địa rất quan trọng. Khi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rất rõ khát khao hướng về cội nguồn. Chứng kiến cộng đồng người Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... có những lễ hội, sự kiện văn hóa ý nghĩa, chúng tôi nảy ra ý tưởng truyền cảm hứng rộng hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Ban đầu ý tưởng của chúng tôi rất đơn giản là dựng buổi trình diễn trang phục và lễ nghi để mọi người xem ngày xưa ông cha mình ăn mặc thế nào, lễ nghi ra sao.

Noi hien tai va qua khu
 

Nhưng bắt tay vào làm, chúng tôi thấy cần có mục tiêu lâu dài. Các trung tâm văn hóa Pháp, Hàn Quốc, Nhật... hoạt động rất hiệu quả. Tôi tự hỏi tại sao không có ước mơ lớn hơn là xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở Úc và các nước khác trên thế giới?”.

Tháng 3.2017 Vietnam Centre ra đời tại Úc. Cuối tháng 12.2017, “Dệt nên triều đại”, dự án đầu tiên của nhóm, tái hiện nghi lễ và trang phục cung đình thời hậu Lê (1437-1471) được giới thiệu tại Hà Nội, gây tiếng vang và thu hút nhiều sự chú ý. Phần họa tiết, hoa văn của trang phục phỏng dựng trên những nghiên cứu có uy tín như “Ngàn năm áo mũ” của học giả Trần Quang Đức, các hiện vật như áo giao lĩnh của đại tư đồ Nguyễn Bá Khánh lưu trữ ở bảo tàng Hưng Yên; tranh tượng tại các di tích đình chùa, bảo tàng và so sánh đối chiếu với các nước cùng văn hóa.

Noi hien tai va qua khu
Nguyệt cô hóa cáo.

Phần nghi lễ được tái hiện dựa trên ghi chép về lễ Sắc phong Hoàng Thái Hậu trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú. Điều đặc biệt là Vietnam Centre đã nhận được những kiến giải, chứng cứ củng cố chắc chắn từ Đại Việt Cổ Phong - nhóm các bạn trẻ do Cù Minh Khôi khởi dựng, hiện có hơn 17.000 thành viên với sự hỗ trợ của nhiều nhà nghiên cứu trẻ tuổi, uy tín như Trần Trọng Dương, Trần Quang Đức, Nguyễn Sử, Nguyễn Mạnh Đức... và xuất bản cuốn Hoa Văn Đại Việt ra thị trường vào năm 2016 với khoảng 250 mẫu, đi kèm là thông tin chi tiết về ý nghĩa của hoa văn, tính biểu tượng, niên đại của hiện vật.

“Khi nhìn vào một bộ trang phục, ta thấy đấy là một bộ trang phục. Nhưng đối với người có đam mê nghiên cứu, hay yêu thích lịch sử văn hóa dân tộc, họ thấy nhiều hơn: họ nhìn thấy giai đoạn lịch sử, nhìn thấy thói quen sinh hoạt của ông cha, thấy khí hậu thời tiết của giai đoạn đó như thế nào, thấy phong tục tập quán...”, Linh cho biết.

Không dừng lại ở đó, Vietnam Centre sẽ tiếp tục hành trình của nhóm tại Úc, cũng như phục dựng trang phục của nhiều triều đại khác như Nguyễn, Trần, hậu Lê... Sự trải nghiệm văn hóa giờ đây không còn vô hình, tưởng tượng mà là được chiêm ngắm bằng những hình ảnh, màu sắc thực tế. “Các bạn chỉ tái hiện nên không thể đúng tuyệt đối như lịch sử. Cần có cái nhìn bao dung với những ý nghĩa như thế, cũng như với phim ảnh về đề tài lịch sử, văn hóa, trang phục, lễ nghi xưa”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức bày tỏ.

2. Tham dự buổi trò chuyện của CCA và Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Bằng Phi, một trong vài nhân chứng sống của Hát Bội thời hoàng kim, Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên - hai họa sĩ trẻ từng giành giải thưởng Scholastic Picture Book Award 2015 tại Singapore với quyển sách tranh “Hành trình đầu tiên”, vừa xúc động vừa cảm thấy tiếc nuối khi loại hình nghệ thuật này gần như biến mất khỏi thế giới hiện đại. Quang và Liên dự định vẽ vài chục bức tranh để lưu giữ khoảnh khắc và thần thái của các nghệ sĩ. Ý tưởng này nhanh chóng được nhóm hưởng ứng và lan tỏa. Từ ý định ban đầu, nhóm hiện có gần 40 thành viên ở khắp nơi.

Noi hien tai va qua khu
 

“Nhiều người bảo cái gì không biết thì tra Google nhưng về Hát Bội thì Google cũng không có. Kể cả sách vở về loại hình này cũng rất hiếm. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu. Chỉ riêng việc phân biệt các chi tiết giữa Hát Bội, Hồ Quảng và Kinh Kịch cũng đủ khiến những người không chuyên như chúng tôi cảm thấy nản lòng.

Noi hien tai va qua khu
 

Nhưng càng khó, nhóm càng quyết tâm, bởi nếu không làm thì có lẽ thêm một thế hệ nữa sẽ chẳng còn gì để xem mất”, Liên tâm sự. Nhờ sự giúp đỡ từ nhiều nguồn và cả những nhân chứng sống, dù chỉ mới bắt đầu từ tháng 10.2017 nhưng đến nay, “Vẽ về Hát Bội” đã có được khoảng 40 bức tranh về loại hình nghệ thuật độc đáo này và nhận được rất nhiều lời khen từ người trong nghề.

Tháng 2.2017, “Vẽ về Hát Bội” sẽ có triển lãm đầu tay gồm chân dung nhân vật biểu trưng được vẽ bằng nhiều chất liệu khác nhau trong các tuồng Hát Bội nổi tiếng như Quan Công, Sơn Hậu, Hồ Nguyện Cô Hóa Cáo... tại The Garden Mall.

3. Song song với những dự án phi lợi nhuận cũng có những dự án dựa vào thị trường, đưa sản phẩm mang cảm hứng văn hóa xưa vào thị trường như Zó Project, Đại Việt Cổ Phong... Tất cả đều dựa trên những cứ liệu lịch sử, tài liệu nghiên cứu đáng tin cậy thay vì phỏng đoán. Văn hóa, suy cho cùng là sự trải nghiệm của người trẻ.

Như Cù Minh Khôi từng chia sẻ: “Tôi cảm thấy những người trẻ như mình nếu suốt ngày chỉ gióng chuông cảnh báo, kêu gọi mọi người đừng quay lưng lại với văn hóa truyền thống thì chưa đủ. Phải bắt tay làm một cái gì đó thiết thực hơn, hữu dụng hơn để mọi người thấy được chúng chuyển động trong đời sống đương đại như thế nào”. Và một khi người trẻ còn chủ tâm dành tình yêu cho văn hóa xưa, mối liên kết giữa quá khứ và hiện đại ngày càng được nối gần.