Một số tranh tại triển lãm. Ảnh: Lotus Gallery.
Nơi đất lửa hồi sinh
Hội họa thời chiến khắc họa điều gì? Qua tranh cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm (1933 - 2019), không phải là đạn bom, là những gì dữ dội mà là cuộc sống, là thiên nhiên tươi đẹp dưới lớp màn mây của mùi thuốc súng, của máy bay càn quét. Còn ở tranh của Đinh Quang Hải (Hải Tre) - một họa sĩ đương thời, qua những nơi đạn bom từng cày xới là cuộc sống thường nhật yên bình, là ao nước, bụi chuối, đàn vịt thong thả rỉa cánh…
Hành trình của 2 hoạ sĩ ở 2 mốc thời gian khác nhau nhưng tựu trung là những trang nhật ký nối dài của những vùng đất, câu chuyện thời sự và con người mà họ đã tiếp xúc. Cả hai đều tập trung vào tính chất “tài liệu” và “nghiên cứu” của tác phẩm nhưng đồng thời vẫn giữ được sự hài hoà và tính thẩm mỹ.
Không gian của triển lãm |
Tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm, người "kể chuyện chiến tranh bằng hội họa”, là tranh vẽ nhanh bằng chì than và màu từ lọ mực giắt trong túi áo, là tranh vẽ trong tiếng gầm rú của máy bay chiến đấu, trong tiếng nổ của đạn bom. Từ 1954 đến những năm 1960-1970, ông miệt mài ký họa ngay trên trận địa, trong các hầm hào, dưới các địa đạo và ghi lại cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ Điện Biên Phủ, của bà con các vùng đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Hơn 20 năm sau, khi Việt Nam vừa trải qua 2 năm Covid, Hải Tre cũng xách ba lô lên đường vẽ phong cảnh đất nước và nếp sống, sinh hoạt của người dân. Anh chọn những tỉnh thành cố hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm đã đi qua để bắt đầu dự án Vẽ-Đi-Tre, ghi lại những cảm nhận về các vùng từng là đất lửa ấy qua con mắt đương thời.
Họa sĩ Hải Tre (trái), bà Hoàng Khuyên (giữa) tại buổi triển lãm |
Triển lãm, vì thế mang đến cho người thưởng lãm một hướng tiếp cận khác về chiến tranh và hòa bình. Ở đó, họ như bước lên chuyến tàu chạy ngang dọc 2 điểm thời gian của Việt Nam để cùng nhau chiêm nghiệm những đổi thay của một vùng đất.
Được thành lập từ năm 1991, Lotus Gallery là một trong những phòng tranh nghệ thuật tư nhân đầu tiên của TP.HCM với mục tiêu nuôi dưỡng, phát triển và mang hội họa Việt Nam ra tầm thế giới. Trong hơn 30 năm qua, dưới sự dẫn dắt của người sáng lập - bà Xuân Phượng, Lotus Gallery từng bước chuyển mình từ một cửa hàng tranh địa phương trở thành đơn vị tổ chức triển lãm cho họa sĩ Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Bà Ngô Trần Hoàng Khuyên - Giám đốc điều hành Lotus Gallery chia sẻ: “Bà Xuân Phượng đã có một hành trình hơn 30 năm không ngừng nghỉ tìm kiếm, phát hiện các tài năng hội họa trẻ, giúp đỡ họ phát triển, góp phần tạo nên nhiều họa sĩ có tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật. Đây cũng chính là hệ giá trị mà Lotus Gallery phiên bản mới đã và đang đeo đuổi. Hoạ sĩ Hải Tre chính là nhân tố đầu tiên cho hành trình này của chúng tôi”.
Bà Xuân Phượng (giữa) chia sẻ về triển lãm của Lotus Gallery tại "nhà mới" |
Triển lãm cũng mở ra một giai đoạn mới của Lotus Gallery. Với khát vọng trở thành cái nôi nâng đỡ các tài năng trẻ, Quỹ Lotus Foundation đã được thành lập và do Lotus Gallery bảo trợ với sự cam kết đồng hành của nhóm nhà sưu tập, các đối tác và cộng sự.
Triển lãm mở cửa tham quan tự do đến hết ngày 25/12 tại Lotus Gallery, tầng 1, C-space, Khu thương mại Nam, Q.7.