Những phát minh xanh
Đến hẹn lại lên, Tạp chí Time mỗi năm lại điểm mặt những phát minh xuất sắc nhất giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, thông minh hơn và hạnh phúc hơn. Top 100 phát minh năm 2019 được bình chọn dựa trên những yếu tố chính, trong đó có tính độc đáo, sáng tạo, sức ảnh hưởng, tham vọng và tính hiệu quả. Trong phạm vi bài viết này, NCĐT giới thiệu những phát minh xanh góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường của thế giới.
Sống xanh là xu hướng hiện nay và doanh nghiệp nào phát triển các sản phẩm bền vững luôn nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Theo một nghiên cứu gần đây của Nielsen, 81% người tiêu dùng cho biết việc các công ty triển khai những chương trình cải thiện môi trường là rất quan trọng; 73% trả lời sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm tác động lên môi trường, trong khi 90% người tiêu dùng thuộc thế hệ millennial cho biết sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. (Theo Time).
Mực làm từ không khí ô nhiễm
Chẳng ai thích sống trong một bầu không khí ô nhiễm bởi nó là thủ phạm gây ra cái chết của khoảng 7 triệu người mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Nhưng Graviky Labs, bộ phận chia tách từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), lại đang thu gom bồ hóng được thải ra từ các động cơ chạy dầu diesel để tái chế thành mực. “Ô nhiễm là điều rất tồi tệ, nhưng ô nhiễm tình cờ lại là một vật liệu rất tốt để sản xuất mực”, Anirudh Sharma, đồng sáng lập Graviky Labs, cho biết.
Hầu hết mực đen mà chúng ta sử dụng trong bút máy và máy in đến từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Vì thế, để giảm đốt nhiên liệu hóa thạch và hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, Sharma và nhóm của ông đã phát triển công nghệ KAALINK mà có thể xử lý loại bụi mịn gây hại cho sức khỏe con người gọi là PM 2.5. Sau khi gom carbon từ không khí ô nhiễm, Công ty sẽ chuyển đổi thành một loại mực mang tên AIR-INK được chứng nhận an toàn, có thể sử dụng trong bút máy, dệt, bao bì đóng gói và cả trong lĩnh vực nghệ thuật.
Máy tạo nước từ không khí
Nước được ví như vàng trong những thời điểm khủng hoảng như thảm họa thiên tai, hoặc tại những vùng khô hạn. Watergen, một doanh nghiệp đến từ Israel, cho rằng máy tạo nước từ không khí Genny do Công ty sản xuất có thể giải quyết vấn đề cấp bách này. Genny trông giống như máy nước uống nóng lạnh thường thấy trong các văn phòng làm việc, nhưng điểm khác biệt là Genny hút hơi ẩm từ không khí xung quanh để tạo ra nước uống thông qua một quy trình lọc được cấp bằng sáng chế.
Chiếc máy Genny có thể tạo ra tới 32 lít nước mỗi ngày và tất cả những gì nó cần là điện năng hoặc điện mặt trời, không cần hệ thống ống nước nào cả. Hệ thống lọc qua nhiều công đoạn của Genny có thể giúp tạo ra nước sạch thậm chí tại những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao. Hiện những chiếc máy Genny có kích cỡ lớn hơn đã và đang được sử dụng tại những vùng xảy ra thiên tai. Nhưng Genny không phải chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, với giá ước tính 1.500 USD/máy, người tiêu dùng có thể giảm nhu cầu sử dụng nước uống đóng chai và lượng nước sử dụng tại nhà.
Vải từ cây chuối
Cách đây 4 năm, nhãn hàng túi xách Thụy Sĩ QWSTION đã bắt đầu thử nghiệm với loại sợi từ cây chuối sợi Abacá. Kết quả của nghiên cứu này là sự ra đời của một dòng sản phẩm túi xách được làm từ Bananatex, loại vải có thể phân hủy sinh học, chống nước và rất bền đầu tiên của thế giới, hoàn toàn được làm từ cây chuối. Hiện tại QWSTION trình làng 3 loại Bananatex gồm Hip Pouch (80USD), Zip Pack (310USD) và Roll Pack (340USD).
Giày tái chế 100%
Thoạt nhìn, đôi giày sneaker rất phong cách này không khác gì những đôi giày chạy bộ cao cấp đang có mặt trên thị trường. Cái khác nằm ở công nghệ bên trong nó. Thay vì quăng đi khi không còn sử dụng, bạn có thể trả chúng về cho Adidas vì 100% chiếc giày sẽ được tái sử dụng để tạo ra các thế hệ tương lai của loại giày mang tên FUTURECRAFT.LOOP. Công ty đã mất hơn 7 năm nghiên cứu, trong đó có cả phát triển công nghệ mới để có thể sản xuất chiếc giày từ một loại vật liệu duy nhất mà không hề dùng bất kỳ chất keo kết dính hay dung môi nào.
James Carnes, Phó Chủ tịch chiến lược thương hiệu toàn cầu tại Adidas, cho biết: “FUTURECRAFT.LOOP là bước đi đầu tiên trong việc hạn chế phần nào tác động môi trường mà chúng ta tạo ra qua việc sản xuất một lượng sản phẩm khổng lồ mỗi năm”. Hiện đôi giày còn trong giai đoạn thử nghiệm beta và dự kiến có mặt trên kệ vào năm 2021.
Bao bì tái sử dụng
Loop ra đời nhằm giúp các nhãn hàng tiêu dùng lớn trở nên bền vững hơn. Được ra mắt vào tháng 5.2019 bởi công ty tái chế TerraCycle, dịch vụ này bán các sản phẩm có thương hiệu như khăn Clorox, kem Häagen-Dazs hay nước xịt thơm phòng Febreze trong những bao bì có độ bền cao và có thể tái sử dụng. Các sản phẩm có giá từ 4-60 USD và khách hàng phải ký gửi một khoản đặt cọc có hoàn lại đối với túi đựng sản phẩm. Khi dùng xong sản phẩm, khách hàng trả lại bao bì cho Loop. Loop sẽ vệ sinh sạch sẽ bao bì, cho sản phẩm mới vào và bán ra thị trường. Hơn 80.000 người ở Mỹ và Pháp đã đăng ký sử dụng dịch vụ của Loop và dự kiến mở rộng sang các nước khác. Nỗ lực của Loop nhằm giảm lượng bao bì thải ra và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng.