_71153452.png)
Don’t Cry, Butterfly (Mưa Trên Cánh Bướm) của đạo diễn Dương Diệu Linh đã giành giải Grand Prize tại Tuần lễ Phê bình Quốc tế Venice.
Những người kể chuyện thầm lặng
Không có bối cảnh hoành tráng, không mời gọi thị hiếu đại chúng, không chạy theo dòng tiền, nhưng những bộ phim độc lập của Việt Nam thời gian gần đây vẫn đang dần tạo nên một bản đồ điện ảnh riêng. Một dòng chảy chậm rãi nhưng đầy sức nặng, nơi đạo diễn kể chuyện không phải để gây tiếng vang, mà để lưu lại điều gì đó đang mất dần trong xã hội, trong ký ức, trong con người.
Tháng 2/2024 phim Cu Li Never Cries (Cu Li Không Bao Giờ Khóc) của đạo diễn Phạm Ngọc Lân được xướng tên tại Liên hoan phim Berlin với giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất. Bộ phim không có tuyến truyện rõ ràng, không kịch tính đẩy lên cao trào, chỉ là hành trình của một phụ nữ trung niên người Đài Loan quay lại Hà Nội sau cái chết của người chồng cũ, mang theo một con cu li làm “di vật sống”. Một phim đen trắng, khép kín, trầm mặc, thậm chí có phần lạc lõng nếu so với chuẩn mực thị trường. Vậy mà tác phẩm lại được các nhà phê bình quốc tế gọi là “một câu chuyện kỳ lạ nhưng hấp dẫn về bản sắc và nỗi đau”.
“Điều tôi muốn khắc họa là trạng thái lửng lơ cảm xúc nảy sinh giữa một cuộc khủng hoảng đang lớn dần”, Phạm Ngọc Lân chia sẻ trong bài phỏng vấn với Filmmaker Magazine.
Một năm sau, đạo diễn trẻ Lê Ngọc Duy với Before The Sea Forgets cũng góp mặt ở hạng mục Directors’ Fortnight tại Liên hoan phim Cannes 2025. Phim chỉ dài hơn 20 phút, nhưng mang theo chiều sâu về ký ức, bản sắc và nỗi hoài nghi về sự tan rã của bản ngã, nơi con người ly tán khỏi gốc rễ văn hóa.
Những phim như vậy không xuất hiện để giải trí, ít nhất không theo nghĩa thông thường. Thay vì kịch bản tuyến tính, các đạo diễn trẻ ngày càng tin vào nhịp điệu cảm xúc, vào bề sâu của trạng thái, vào quyền được “không hấp dẫn”. Trương Minh Quý từng đi sâu vào chủ đề trí nhớ và bản sắc trong The Tree House (Nhà Cây, 2019), một phim tài liệu pha viễn tưởng về một người dân tộc thiểu số nhớ lại quê hương từ một tiền đồn trên… mặt trăng. Năm 2024 anh trở lại với Viet And Nam (Trong Lòng Đất), kể về 2 thợ mỏ đồng tính ở miền Bắc Việt Nam trong bối cảnh mơ hồ giữa hiện thực và giả tưởng, tiếp tục giễu nhại logic tuyến tính và mở rộng biên giới giữa lịch sử và cá nhân.
Trong các bộ phim của Trương Minh Quý, không có ranh giới giữa người mơ và người thật. Nhân vật có thể vừa tồn tại, vừa tự hoài nghi chính sự tồn tại của mình, như cách ký ức vận hành trong một đất nước chưa bao giờ ngừng thay đổi.
![]() |
“Khi kể lại ký ức của mình qua giọng đọc, tôi cũng trở thành một dạng nhân vật trong phim”, Trương Minh Quý chia sẻ với Film Comment khi được hỏi về quyết định sử dụng voiceover. Việc lựa chọn hình thức tự sự này khiến chính đạo diễn trở thành một phần của câu chuyện, mở rộng ranh giới giữa người làm phim, người quan sát và người được kể.
Trong khi đó, Dương Diệu Linh lại chọn một hướng đi hoàn toàn khác - vừa gần gũi, vừa thách thức. Don’t Cry, Butterfly (Mưa Trên Cánh Bướm, 2024) là một phim hài giả tưởng, kể về một người phụ nữ phát hiện chồng ngoại tình và tìm đến bùa ngải để giữ cuộc hôn nhân. Nhẹ nhàng, sắc sảo, thậm chí có phần giễu nhại xã hội hiện đại với đủ các khát khao bảo toàn hình ảnh gia đình, bộ phim đã giành giải Grand Prize tại Tuần lễ Phê bình Quốc tế Venice.
“Tôi muốn cả phụ nữ lẫn đàn ông nhìn lại động lực trong các mối quan hệ và phụ nữ đừng chỉ xem mình là nạn nhân, mà hãy tự hỏi liệu mình đang tìm kiếm hạnh phúc ở đúng nơi chưa”, Dương Diệu Linh chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Film Fest Report.
Điểm chung giữa các đạo diễn trẻ kể trên không nằm ở phong cách - vốn rất khác biệt - mà ở cách họ tiếp cận Việt Nam như một không gian sống động, phức tạp và không cần tô vẽ. Không ai cố gắng “giải nghĩa” đất nước cho khán giả nước ngoài. Không ai dàn dựng cảnh nghèo để làm “thẻ nhận diện” bản sắc. Những bộ phim độc lập này không đóng vai trò phát ngôn thay cho quốc gia, mà chỉ đơn giản làm công việc của người kể chuyện: chậm rãi quan sát, lắng nghe và nhặt nhạnh những thứ đang dần trôi tuột khỏi đời sống hiện đại - ký ức, niềm tin, sự yên lặng.
Dĩ nhiên, làm phim như vậy không dễ tồn tại. Không hiếm dự án phải quay trong thời gian kéo dài, thiếu kinh phí, không thể ra rạp. Có những đạo diễn gửi phim đi nước ngoài, chiếu vài suất ở các gallery độc lập, rồi lại trở về với công việc dạy học, viết kịch bản cho các nhãn hàng, làm phim tài liệu thương mại để xoay xở nuôi đam mê... Nhưng không ai chọn dừng lại. Như lời Trương Minh Quý từng chia sẻ, việc làm phim như một cách để kết nối với quê hương và khám phá những câu chuyện đa dạng của đất nước - hiện thực, ký ức và trí tưởng tượng thần thoại.
Ở Việt Nam, chưa có một nền công nghiệp điện ảnh độc lập đúng nghĩa. Không có hệ thống phát hành riêng cho dòng phim này. Không có cơ chế gọi vốn từ cộng đồng một cách bền vững. Nhưng chính trong những khoảng thiếu hụt ấy, các bộ phim Cu Li Never Cries, Viet And Nam, Don’t Cry, Butterfly hay Before The Sea Forgets như lời nhắn nhủ rằng điện ảnh không chỉ để giải trí hay trang trí đời sống, mà còn là công cụ để nghĩ lại, để gạn lọc cảm xúc, để giữ lấy một bản thể trước khi bị cuốn trôi.
Không phải ai cũng “cảm” được những bộ phim này. Và có lẽ, cũng không cần phải có số đông để chúng trở thành kinh điển, chỉ cần có người còn quan tâm tới việc lắng nghe - không phải những âm thanh lớn, mà là tiếng thì thầm từ những ngõ sâu của xã hội và tâm trí. Một thế hệ làm phim thầm lặng đang có mặt - không để đại diện, không để khẳng định, mà chỉ để tồn tại - như một cách giữ lại điều gì đó đang dần bị lãng quên trong thời đại mọi thứ đều trôi đi quá nhanh.