Detox đang gây ra những lầm tưởng cho người dùng - Ảnh: Shutterstock

 
Hoàng Kim Thứ Sáu | 25/06/2021 08:00

Những lầm tưởng tai hại về trào lưu Detox – Thải độc

Ý tưởng chúng ta có thể tự tẩy sạch chất độc trong cơ thể là một khái niệm hoàn hảo cho cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực của con người.

Nhưng ít ai biết rằng tạo hóa đã bố trí sẵn một hệ thống làm sạch ngay bên trong cơ thể chúng ta, và các sản phẩm detox được “tiếp thị” quá mức đang dẫn đến những lầm tưởng tai hại cho người dùng.

Hiểu đúng về thuật ngữ “Detox”

Theo Harvard Medical School, trước khi trở nên phổ biến như hiện nay, thuật ngữ “detox” là một phương pháp y học nhằm loại bỏ những tác nhân gây nguy hiểm cho cơ thể, thường là liều lượng chất độc, rượu và thuốc làm nguy hại đến tính mạng. Bệnh nhân trong quá trình thải độc phải được điều trị trong bệnh viện hoặc các phòng khám. Việc điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc và những liệu pháp kết hợp khác tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của độc tính. 

Nhưng các dịch vụ detox đang được quảng bá cho công chúng lại mang ý nghĩa khác. Đây chủ yếu là quá trình tự can thiệp để loại bỏ các độc tố được cho là nguyên nhân gây ra nhiều triệu chứng bao gồm đau đầu, đầy hơi, đau khớp, mệt mỏi và trầm cảm. Sản phẩm detox không bán theo đơn, mà bán trong các cửa hàng bán lẻ, các spa làm đẹp hay trực tiếp qua Internet. Nhiều loại được quảng cáo là có tác dụng thải độc cho các cơ quan hoặc hệ thống nội tạng, một số được quảng bá là “chất tẩy rửa toàn thân” cho người sử dụng.

Giới chuyên môn dậy sóng

Hiện tại, vẫn chưa có cuộc nghiên cứu lâm sàng nghiêm ngặt nào để thẩm định tính hiệu quả của chế độ ăn kiêng giải độc. Một vài các nghiên cứu được xuất bản đều có phương pháp luận hạn chế bao gồm kích thước mẫu nhỏ, thiếu nhóm kiểm soát, phụ thuộc vào các phép đo định tính hơn là định lượng.

Giới chuyên môn cho rằng phương pháp điều trị giải độc y tế chính thống đã bị đánh cắp và tô vẽ thành những phương pháp điều trị không có thật.

Giáo sư Alan Boobis OBE, nhà nghiên cứu hàng đầu về độc chất tại Imperial College London nói, “cơ thể con người trong tự nhiên đã có khả năng duy trì chính nó với một số cơ quan chuyên dụng để làm sạch máu và ruột. Hệ thống giải độc của cơ thể khá phức tạp, tinh vi và linh hoạt. Nhiều người đang mạo hiểm, sẵn sàng phá vỡ hệ thống này và chế độ ăn thải độc có thể làm hại cho cơ thể”.

Giáo sư danh dự về Y học Bổ sung, Edzard Ernst, Đại học Exeter đưa nhận định, “Hãy nói rõ ràng, có hai hình thức thải độc: một bên có giá trị, một bên thì không. Bên có giá trị là việc điều trị y tế cho những người đang bị đe dọa đến tính mạng. Loại còn lại là từ các doanh nhân, lang băm đang đánh tráo khái niệm để bán một phương pháp điều trị không có thật”. 

Ông nói thêm, “nếu chất độc tích tụ mà cơ thể bạn không thể đào thải ra ngoài, thì bạn có thể đã chết hoặc cần can thiệp y tế nghiêm trọng”.

Không chỉ các cá nhân có chuyên môn, nhiều hiệp hội, tổ chức về sức khỏe cũng lên án phương pháp detox theo xu thế thị trường. Tổ chức Sense About Science (Anh) mô tả một số chế độ ăn kiêng và các sản phẩm detox thương mại là “lãng phí thời gian và tiền bạc”; trong khi Hiệp hội Dinh dưỡng Anh gọi ý tưởng này là “vô nghĩa và hoang đường tiếp thị”. Gần đây, Hiệp hội các chuyên gia dinh dưỡng của Úc đã chỉ trích mạnh mẽ chế độ ăn kiêng giải độc dựa trên chất lỏng vì có thể làm mất các vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và chất điện giải.

Nói đến chế độ ăn kiêng thải độc, rủi ro sức khỏe của phương pháp này liên quan đến thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và không đủ chất dinh dưỡng. Nhịn ăn cực độ có thể dẫn đến thiếu hụt protein và vitamin, mất cân bằng điện giải, nhiễm axit lactic và thậm chí tử vong. Những người ăn kiêng thải độc cũng có nguy cơ dùng quá liều các chất bổ sung, thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu.

Detox bị xem là một khái niệm đánh tráo trong y khoa - Ảnh: Shutterstock
Detox bị xem là một khái niệm đánh tráo trong y khoa - Ảnh: Shutterstock

Đừng thải độc mà hãy ngừng đầu độc cơ thể

Cơ thể con người là một cỗ máy thải độc tự nhiên kỳ diệu. Mỗi ngày, gan và thận đều lọc và thải các chất độc ra ngoài. Vì thế, thay vì cố gắng thải những chất độc trong “tưởng tượng”, thì cái chúng ta cần là đừng đầu độc cơ thể như uống rượu (làm xơ gan), uống nhiều thuốc không có chỉ dẫn bác sĩ (làm hư thận), dẫn đến suy yếu hai cơ quan quan trọng này.

Bên cạnh đó, chế độ ăn không cân bằng cũng là nguyên nhân gây độc tố. Ví dụ ăn quá nhiều đồ bổ dẫn đến tích tụ độc tố gout, làm viêm khớp; hoặc khi ăn quá nhiều thức ăn, dù là rau củ cũng có thể trở thành độc do cơ thể không thể đào thải hết. Chưa kể đến những thói quen như hút thuốc, uống bia, sử dụng chất kích thích… cũng là tự mang độc tố vào cơ thể.

Vì thế, theo Bác sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh, bác sĩ nội tiết có chuyên môn về dinh dưỡng đồng thời là chuyên gia tư vấn di truyền tại Genetica, “một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và duy trì lâu dài mới chính là giải pháp đúng đắn, giúp cơ thể khỏe mạnh. Dù bạn đang theo bất kỳ phương pháp ăn nào, thì hãy luôn nhớ rằng: tránh các nguồn kim loại nặng trong thức ăn, ăn thực phẩm toàn phần với đa dạng chất dinh dưỡng, tránh thực phẩm chế biến, uống đủ nước, hạn chế căng thẳng và duy trì giấc ngủ đủ; bên cạnh đó là tập thể dục thường xuyên.

Đáng nói, nhiều khách hàng của chúng tôi trước khi giải mã gen để hiểu đúng khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng, đã từng thử qua nhiều chế độ ăn và “giải độc” với mong muốn khỏe đẹp nhanh chóng. Nếu bạn chuyển hóa đạm kém, một chế độ ăn thời thượng “keto-low carb” sẽ có khả năng gây hại hơn là giúp bạn khỏe mạnh. Hãy lắng nghe cơ thể mình và duy trì chế độ ăn đa dạng, cân bằng”, bác sĩ Hạnh nói thêm.

Khám phá hệ thống thải độc tự nhiên của cơ thể

Các bộ phận trên cơ thể người như da, phổi, đường tiêu hóa, hệ vi sinh vật, gan và thận đều có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi các chất độc hại. Cụ thể:

Làn da. Một hàng rào của cơ thể chống lại các chất độc hại, từ vi khuẩn, vi-rút đến kim loại nặng và chất độc hóa học. Da là một hệ thống phòng thủ một chiều, chất độc không đào thải theo đường mồ hôi.

Hệ thống hô hấp. Những sợi lông mịn trong mũi giúp giữ lại bụi bẩn và các hạt lớn nếu hít phải. Các hạt nhỏ nếu đến phổi sẽ bị thải ra khỏi đường thở dưới dạng chất nhầy.

Hệ miễn dịch. Một mạng lưới tế bào và phân tử được tổ chức tinh vi nhằm nhận biết các chất lạ và loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Các thành phần của hệ thống miễn dịch hoạt động trong huyết tương, bạch huyết và thậm chí trong các không gian nhỏ giữa các tế bào.

Ruột. Mảng Peyer – tập hợp của các hạt bạch huyết trong ruột non, giúp sàng lọc ký sinh trùng và các chất lạ khác trước khi chất dinh dưỡng được hấp thu vào máu từ ruột kết.

Gan – Nhà máy thải độc quan trọng nhất của cơ thể. Gan sản xuất một họ protein gọi là metallothionein. Protein này không chỉ chuyển hóa các chất dinh dưỡng có trong thức ăn mà còn trung hòa các kim loại có hại như chì, cadmium, thủy ngân để đào thải ra khỏi cơ thể. Các tế bào gan cũng sản xuất các nhóm enzym điều chỉnh quá trình chuyển hóa thuốc và là một phần quan trọng trong cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại các hóa chất có hại và các chất độc khác.

Thận, đường tiểu và hệ tiết niệu là nơi cuối cùng tống thải tất cả các chất độc hòa tan trong nước ra ngoài.

Suy cho cùng, cơ thể chúng ta ẩn chứa một thế giới kỳ diệu ở bên trong và xứng đáng được nâng niu, trân trọng. Mỗi chúng ta là một cá thể duy nhất mang những nét riêng biệt trong hệ gen và môi trường sống. Ví dụ, hệ gen của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoặc cải thiện mức cân nặng lý tưởng, khả năng cơ thể đáp ứng với một phương pháp thải độc, cũng như các nguy cơ tiềm ẩn về bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa khi thực hiện một chế độ ăn nhất định.

“Một điều quan trọng là khi đang trải qua căng thẳng hay gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng ta hãy hỗ trợ mình và những người xung quanh tìm hiểu, tôn trọng và lắng nghe những nhu cầu của bản thân, thay vì gồng mình lên cố thuận theo những đòi hỏi trong xã hội hay những phong trào thịnh hành đương thời.

Thực tế, có rất nhiều người trẻ ở lứa tuổi 18-30 trải qua trầm cảm vì không tự tin ở ngoại hình của bản thân, ép mình theo chế độ giảm cân và detox không phù hợp với thể trạng cơ thể, dẫn đến những hậu quả lâu dài về sức khoẻ và rồi càng cảm thấy hoang mang, đau buồn và bế tắc hơn.

Hiểu biết về mối tương quan của sức khỏe thể chất, khuynh hướng cảm xúc, kỹ năng xử lý vấn đề cũng như sức khỏe tinh thần chính mình- là nền tảng xây dựng một cuộc sống an lạc, hạnh phúc", Lora Nguyễn, Thạc sĩ Công tác Xã hội Lâm sàng, chuyên gia tư vấn di truyền tại Genetica chia sẻ.

https://genetica.asia/

Nguồn Tổng hợp