Đạo diễn Lan Nguyên (trái) cùng nhạc sĩ Trần Tiến.
Những cuộc chơi của tuổi trẻ
Trẻ trung, lăn xả, thích thử thách và dành cho điện ảnh tình yêu thuần khiết nhất, những gương mặt trẻ này đều cố gắng hết mình và trọn vẹn nhất cho bộ phim đầu tay.
Có người chật vật suốt 7, 8 năm trời, có người đối mặt nhiều thử thách tréo ngoe, có người đơn giản chọn một đề tài xuất phát từ tình yêu để khi dấn thân mới thấy sự thiếu thốn cả về kỹ năng đến kiến thức...Nhưng không sao cả! Một tuổi trẻ dám thử nghiệm, dám bắt đầu lại để soi rọi và tìm ra bản thể là tuổi trẻ đáng tự hào và có nhiều điều để kể. Hồi ức đẹp nhất bắt nguồn từ những ước mơ, những ý định điên rồ nhất.
Ròm: Tuổi trẻ của Huy và những người anh em
Thành công của Ròm, bộ phim đầu tay theo con đường độc lập ngốn mất 8 năm trời của Trần Thanh Huy đã có cái kết đẹp sau nhiều chật vật. Hoặc ít nhất là như vậy so với nhiều bộ phim độc lập hứng chịu không ít gian truân. Tôi muốn kể một câu chuyện khác trong dịp này, thay vì điểm lại những thành tựu Ròm đã gặt hái được.
Phim ngắn 16:30 là nền tảng cho Ròm sau này tại sân chơi dành cho những người yêu điện ảnh YxineFF 2012 do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khởi xướng. Một cuốn phim phải thừa nhận là hoàn hảo từ khung hình, diễn viên cho đến cách quay, dựng, màu sắc, âm thanh. Không ngạc nhiên khi phim giành được sự quan tâm, hỗ trợ của giới làm phim trong nước cũng như chinh phục được hàng loạt giải thưởng quốc tế để đạo diễn trẻ phát triển thành phim dài.
“Năm 15 tuổi, tôi đã có suy nghĩ mình sẽ trở thành đạo diễn và phim của mình sẽ được công chiếu tại Liên hoan phim. Tôi thậm chí còn tưởng tượng ra cảnh mình được ngồi trong rạp chiếu lớn, có nhiều khán giả Việt và quốc tế, xem phản ứng của họ với bộ phim của mình như thế nào”, Huy nhớ về giấc mơ thời niên thiếu.
Thành công của Ròm, bộ phim đầu tay theo con đường độc lập ngốn mất 8 năm trời của Trần Thanh Huy đã có cái kết đẹp sau nhiều chật vật. Ảnh: Congluan. |
Thời điểm đó, Huy vừa tốt nghiệp ra trường và là cậu trai trẻ ngơ ngác trước truyền thông. Duy chỉ nói về phim thì mắt sáng rực lên. Em trai Huy, Trần Minh Khoa - cậu bé diễn viên chính trong cả 2 phim còn là một cậu nhóc, chẳng biết gì về điện ảnh nhưng lăn xả với anh đến cùng vì niềm tin tuyệt đối dành cho anh mình. Quay phim Nguyễn Khắc Nhật, Nguyễn Vinh Phúc mới ra trường, ủng hộ bạn vô điều kiện.
Phía sau Huy có sự ủng hộ rất lớn của giới làm phim Việt Nam, từ những người nổi danh như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Charlie Nguyễn, diễn viên Hồng Ánh, cho đến những nhà sản xuất đứng sau thành công của các bộ phim như Nguyễn Trinh Hoan. Danh sách này khi Ròm hình thành tiếp tục nối dài với nhiều cái tên đáng ngưỡng mộ mà bất kỳ đạo diễn trẻ nào cũng mơ ước: đạo diễn Trần Anh Hùng, nhạc sĩ Tôn Thất An, rapper Wowy, dàn diễn viên thực lực như Thiên Kim, Mai Trần, Cát Phượng... cùng nhiều cái tên đình đám khác ngoài nước trong quá trình dựng phim, chỉnh màu.
Tuy nhiên, cũng chính niềm tin lớn lao đó vô hình trung tạo áp lực cho Huy, đôi khi khiến Huy lạc lối trong chính bộ phim của anh. 2 năm, 3 năm rồi 5 năm trôi qua, Ròm vẫn chưa rõ hình dạng. Không ít hoài nghi, phải chăng Huy không làm được phim? Ròm mất 80 ngày quay để có những thước phim thô. Đó cũng là cách để Huy và cộng sự khắc phục thiếu thốn về vật chất và kỹ thuật.
Nếu nhìn cảnh trên phim có lẽ không ai tin được toàn bộ đều là đồ cũ được đội bối cảnh vừa mua vừa xin ở hàng ve chai suốt mấy tuần liền, mang về sửa sang, sơn phết! Nếm trải tất cả những điều đó, Huy càng muốn có một cuốn phim hoàn hảo nhất trong góc nhìn của anh. Bởi đó không chỉ là tuổi trẻ của anh mà còn là thanh xuân của bạn hữu, của những người đã dành cho anh niềm tin gần như tuyệt đối và vô tư nhất.
Sau 7 năm và 27 lần dựng thì Ròm thành hình hoàn chỉnh. Bản chiếu rạp tại Việt Nam là bản thứ 28 qua hành trình kiểm duyệt chông gai. Niềm vui và mong mỏi lớn nhất của Huy được thỏa nguyện khi bộ phim được chiếu cho khán giả Việt và những người cộng sự, những người đã luôn âm thầm ủng hộ Ròm và Huy bằng cách này hay cách khác. Trong một lần trò chuyện với cộng đồng làm phim trẻ, Huy, Tiên (đồng sản xuất), Phúc... khoác vai nhau cười giòn giã. “Cũng không biết bằng cách nào chúng tôi có thể gắn kết và tin tưởng Huy đến như vậy”, Nguyễn Vinh Phúc kể. Khi hỏi họ có chấp nhận mất 7, 8 năm để làm bộ phim tiếp theo, cả bọn nhìn nhau lè lưỡi: “Chắc không đâu!”.
Không phải vì hiện tại, những cái tên chân ướt chân ráo ngày nào đã tạo dựng được tiếng tăm trong giới mà vì họ đã đủ trưởng thành để dự liệu những điều cần thiết phải làm. Dù vậy, một niềm tin đã được thiết lập, nếu Huy có một ý tưởng hay và rủ rê... họ sẽ lại lên đường ngay thôi!
Lan Nguyên: Chuyến du ca mê mải
Hành trình 5 năm ròng rã của Lan Nguyên để tạo nên Màu Cỏ Úa, bộ phim về nhạc sĩ Trần Tiến có đủ cung bậc cảm xúc: sự bướng bĩnh, liều lĩnh, kiên trì và nhiệt tâm của tuổi trẻ.
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, theo nghiệp truyền hình rồi thình lình rẽ lối sang điện ảnh nhưng thay vì chọn con đường ít gai góc, Lan Nguyên (Nguyễn Thúy Lan) đã chọn thể loại tài liệu hiện thực. Hành trình này với cô không hề dự định trước. Nó bắt đầu từ tình yêu và cũng đã đi đến cái kết bằng tình yêu của rất nhiều người.
Trong đó, có quay phim Trần Doãn Nam, người đã đồng hành và động viên cô từ những ngày đầu cũng chỉ vì yêu nhạc Trần Tiến. Đó còn là nhạc sĩ Dương Thụ, diễn viên Hồng Ánh, là Thuần Lê, là Bùi Công Anh, là Nguyễn Quang, là Hằng Trịnh... và nhiều bạn bè khác đã giúp Lan Nguyên ở nhiều khâu hoặc thắp cho Lan Nguyên một chút ánh sáng ở cuối con đường. Bởi nếu không yêu, thậm chí yêu một cách liều mạng, cô đã không thể hoàn thành bộ phim về người nhạc sĩ mà cô đã luôn dành cho ông sự ngưỡng vọng. Bởi rất nhiều lần, trên hành trình 5 năm, Lan Nguyên không ít lần muốn từ bỏ.
Lan Nguyên bắt đầu giấc mơ truyền hình bằng sự háo hức dù ba của cô không ủng hộ. Tiếc là niềm vui ấy không lâu khi gameshow bùng nổ, truyền hình chuyển hướng. “Phóng sự tài liệu trở thành thứ gì đó xa xỉ, không ai coi và bị cắt dần đi, nhường đất cho gameshow. Cá nhân tôi, càng làm gameshow, càng chứng kiến nhiều, tôi càng thấy cảm xúc tiêu cực dấy lên. Một ngày, tôi tự hỏi những điều mình làm có ý nghĩa gì ngoài kiếm tiền?”, Lan Nguyên tâm sự.
Cô bắt đầu thực hiện cuốn phim về nhạc sĩ Trần Tiến trong giai đoạn đó. “Có những ngày tôi chẳng làm gì, chỉ ngồi nghe lại những điều bác Tiến chia sẻ, tôi khóc như chưa từng được khóc. Tôi đã làm gì với cuộc đời mình thế này? Tại sao tôi lại để mình mắc kẹt?”, cô bộc bạch. Động lực lớn nhất để cô hoàn thành Màu Cỏ Úa ngoài tình yêu dành cho âm nhạc Trần Tiến, còn là để cứu bản thân, đưa bản thân vượt qua giới hạn và đặt chân vào hành trình mới.
Cuốn phim của một kẻ chập chững vào điện ảnh và chọn lối đi khó nhằn tất nhiên còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, Lan Nguyên và Màu Cỏ Úa đã làm được điều quan trọng nhất: chạm đến trái tim của rất nhiều người bằng cuộc “đối thoại” chân thành, không màu mè, kỹ xảo. Một Trần Tiến say mê âm nhạc, yêu đời sống nhưng cũng có những khoảng cô đơn không ai chạm đến được. Một Trần Tiến gần gũi, có thể ngồi vỉa hè uống bia hơi ca hát sảng khoái, luôn dành nhiều sự quan tâm đến thế hệ trẻ.
Nói về cái tên Màu Cỏ Úa, Lan Nguyên bảo đó có thể là “sắc xanh chấm thêm vàng vàng” trong ca khúc Sắc Màu, có thể là màu áo lính ám ảnh Trần Tiến trong cả những giấc mơ. Đó còn là sắc màu của sự tàn phai khi thế hệ nhạc sĩ một thời dần lùi vào quá vãng. Với Lan Nguyên, hành trình mới đang mở ra. Cô dùng cái tên Du Côn Ca (chơi chữ từ “du ca”) được nhạc sĩ Trần Tiến đặt cho nhóm nhạc nghiệp dư của cô đặt thành mộng ước của chuỗi cuốn phim âm nhạc về những nhạc sĩ đã cống hiến cho Việt Nam. Bởi Lan Nguyên yêu âm nhạc và bởi cô ý thức được, thời gian không đợi chờ ai.
“30 là tuổi chúng ta mới có đủ trải nghiệm những dư vị khác nhau của cuộc sống. Nó không chỉ cho mình độ lùi cần thiết mà còn mang đến độ sâu, sự điềm tĩnh. Tôi nghĩ rằng, ở bộ phim đầu, khán giả có thể vì yêu mến mình mà tha thứ, mà bỏ qua những sai sót thậm chí đến mình khi xem lại còn khó chịu. Tuy nhiên, ở bộ phim thứ 2, bạn buộc phải tiến bộ. Tôi thực sự nghiêm túc với điện ảnh nên sẽ bắt đầu với phim ngắn và quan sát, rút tỉa từ từ, ở nhiều vị trí khác nhau nữa trên phim trường. Tôi tin, một bộ phim đáng xem sẽ kéo được khán giả đến rạp”, Lan Nguyên chia sẻ.
Lê Mỹ Cường: Rong ruổi theo gánh cải lương tuồng cổ
100 giờ quay, 18 tháng rong ruổi cùng các nhân vật trong một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây, cuốn phim tài liệu hiện thực Đoạn Trường Vinh Hoa ra đời. Những thước phim vừa đẹp vừa phảng phất dư vị buồn thương như chính cuộc đời của những “ông hoàng bà chúa” khi tấm màn nhung khép lại.
Ê-kíp làm phim cùng đoàn tuồng cổ Phương Ánh. Bên trái là đồng tác giả Thanh Nguyễn, bên phải là đạo diễn Lê Mỹ Cường. |
Đạo diễn Lê Mỹ Cường và phần lớn ê-kíp đều sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cải lương tuồng cổ hay cúng lễ Kỳ Yên với họ là nét văn hóa hoàn toàn chẳng thân thuộc, cũng chẳng nằm trong ký ức ấu thơ. Nhưng cũng chính sự mới lạ đó đã khơi lên trong lòng Cường sự tò mò, thôi thúc anh tìm hiểu vẻ đẹp đằng sau sắc độ tương phản giữa một bên sân khấu xiêm y lộng lẫy và một bên gương mặt còn trang điểm kỹ càng đã mặc vội chiếc áo phông có chữ New York rách một miếng ở vai và nách.
Sự chân thành đã giúp Cường và ê-kíp vượt qua định kiến của bản thân và lật mở phần nào thế giới kín đáo ấy một cách tự nhiên nhất. Rất nhiều lần, trên bàn dựng, hoặc khi xem lại những thước phim, Cường không kìm được xúc động. Và cũng rất nhiều lần, Cường thao thức trước sự mai một của loại hình nghệ thuật quá đẹp, trước cuộc đời gạo chợ nước sông của những nghệ sĩ ngày ngày ươm tơ dệt mộng và ngày ngày đối mặt với gánh nặng áo cơm, với biến cố thình lình ập xuống.
Đạo diễn Lê Mỹ Cường. Ảnh: TL |
“Họ - những con thiêu thân nguyện lao vào ánh sáng một lần rồi tan biến mà chẳng băn khoăn ngày mai. Nhưng sẽ có bao nhiêu con thiêu thân như thế còn lại, sẽ có bao nhiêu kẻ thản nhiên, thậm chí cười cợt nhìn đồng loại của mình bị thiêu? Khó mà không “mai một” khi những ngọn lửa đam mê như thế cứ nguội tắt dần”, Cường trăn trở.
Cường đã chắt lọc 100 giờ quay thành 50 phút phim với cách kể ý nhị, duyên dáng mà vẫn lột tả hết được nỗi cơ cực và nỗi đau của mất mát. Cường không chỉ bày tỏ nỗi tiếc nuối, suy tư qua phim mà còn muốn giới thiệu đến nhiều người loại hình nghệ thuật độc đáo này, đánh thức tình yêu văn hóa truyền thống trong họ. Khi bộ phim chuẩn bị lên sóng truyền hình thì Cường, cộng sự và những người yêu điện ảnh đã tìm cách đưa bộ phim tiếp cận khán giả tại rạp từ Hà Nội vào Sài Gòn xuống đến Cần Thơ, để Đoạn Trường Vinh Hoa sống trọn vẹn cuộc đời của nó.
Đây không phải là phim tài liệu đầu tay của Lê Mỹ Cường nhưng có lẽ là hành trình đáng nhớ nhất của anh bởi “nó có nhiều sự liều lĩnh và quyết liệt”. Ở góc nhìn này, Đoạn Trường Vinh Hoa không còn là câu chuyện về một gánh cải lương tuồng cổ, mà là câu chuyện về tình yêu, cách theo đuổi nó và về cách con người sống, đối mặt với những biến cố trong đời để có thể trọn vẹn với hành trình ấy. Như con đường mà Lê Mỹ Cường, Lan Nguyên, Trần Thanh Huy hay nhiều người trẻ khác đã can đảm dấn bước. Giấc mơ không bao giờ có hạn định, trở ngại là trang sức điểm tô. Cốt lõi nhất chính là, ta có đủ dũng khí để bắt đầu.