Việt Nam được ghi nhận thành công bước đầu trong phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Quý Hòa
Tôi ở Việt Nam
Những ngày đầu
Tôi may mắn được đến thăm Việt Nam trong một số dịp kể từ năm 1995 và trong suốt 5 năm vừa rồi, tôi đã có 4 chuyến công tác đồng thời cố gắng có ít nhất một kỳ nghỉ mỗi năm ở nơi đây. Những trải nghiệm với Việt Nam trong các chuyến đi luôn thú vị khi tôi luôn tận hưởng năng lượng và nhiệt huyết của con người Việt Nam.
Tôi luôn háo hức được gặp gỡ các khách hàng của HSBC Việt Nam, rất thích các cuộc nói chuyện với họ về cơ hội kinh doanh và tiềm năng của Việt Nam, và cách mà những doanh nghiệp này có thể mở rộng sang thị trường nước ngoài. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã liên tục đạt mức tăng trưởng trên 6% mỗi năm và tiếp tục vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu khi chuyển đổi từ xuất khẩu nông sản sang dệt may và lên ngành điện tử. Việt Nam chắc chắn là một thị trường có nhiều cơ hội lớn trong tương lai, một thị trường với dân số lên tới 96 triệu người, trẻ trung, năng động và siêng năng.
Tất cả điều này đã được chứng thực khi tôi nhận chức Tổng Giám đốc của HSBC tại Việt Nam vào cuối năm 2019. Nhiệt huyết của các nhân viên trong ngân hàng thậm chí còn “cháy bỏng” hơn hình dung của tôi và tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy và nắm bắt các cơ hội đang có.
Và dịch COVID-19 xuất hiện
Khi lần đầu tiên nghe về dịch bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng Một, tôi đã nghĩ rằng nó chỉ là mối lo không đáng kể đối với Việt Nam và HSBC tại đây. Dần dần, tình hình dịch bệnh gia tăng nhanh chóng và rõ ràng là con virus này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta mà còn tác động rất xấu tới các hoạt động kinh tế, tài chính và xã hội. Không có giải pháp nào có thể tham khảo trên Google và dù cho ở một tổ chức có cơ cấu hoàn thiện như HSBC, chúng tôi luôn thiết lập và cập nhật Bản Kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục (BCP) mọi lúc.
Không có gì giống như đại dịch COVID-19 lần này. Chúng tôi phải học hỏi và thích nghi từng ngày, và có đôi lúc, tôi tự hỏi liệu mình có đang đưa ra quyết định đúng đắn vào đúng thời điểm hay không. Chúng tôi đã thảo luận và quyết định cho các nhân viên chuyển qua chế độ làm việc tại nhà từ ngày 19.3, 2 tuần trước khi Chính phủ công bố lệnh giãn cách xã hội toàn quốc.
Tôi nhớ mình đã cực kỳ lo lắng khi nhận được cuộc gọi từ Bộ Y tế thông báo rằng có một hành khách khác trong chuyến bay của chúng tôi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid. Rất may mắn, gia đình tôi đã đi qua thử thách này, cùng với nhau, như tinh thần của toàn thể ngân hàng.
Tôi thấy mình thật may mắn khi ở Việt Nam trong lúc khủng hoảng này. Chính quyền đã hành động nhanh chóng và dứt khoát giúp ngăn chặn sự lây lan của virus. Đối với tôi, đội ngũ HSBC Việt Nam đã cho thấy sự bền bỉ đến khó tin khi phải đối mặt với nghịch cảnh và trước kia, tôi từng chưa bao giờ hình dung có lúc nào đó ngân hàng được vận hành hiệu quả với 91% nhân viên làm việc tại nhà.
Như trong mọi thông điệp gửi đến các nhân viên, chúng ta sẽ nhớ mãi ta đã ở đâu và ai đã cùng ta đi qua dịch bệnh COVID-19. Vì vậy đối với tôi, dù cho gặp phải những áp lực và thách thức, tôi sẽ giữ lại những kỷ niệm đẹp về cách chúng ta sát cánh và hỗ trợ lẫn nhau tại Việt Nam trong thời điểm cuộc khủng hoảng toàn cầu này diễn ra.
Tương lai
Việc Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đầu tiên khôi phục lại hoạt động xã hội và kinh doanh là một bước phát triển tích cực. Cách xử lý dịch bệnh của Việt Nam chắc chắn đã giúp nâng cao vị thế của quốc gia trên toàn cầu và theo đó, đất nước sẽ có được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong tương lai. Mặc dù sự lây lan của virus trên toàn cầu vẫn chưa kết thúc và trong khi chính quyền tiếp tục theo dõi một cách cẩn trọng những diễn biến của dịch bệnh, thách thức của Việt Nam sẽ là làm thế nào để mở cửa cho du lịch quốc tế một cách an toàn và có chọn lọc.
Vốn là một người lạc quan, tôi thấy “thương hiệu” Việt Nam đã liên tục gia tăng trong cuộc khủng hoảng này, và vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến cho đầu tư FDI. Tôi cũng thấy chính phủ đang nỗ lực tái khởi động nền kinh tế bằng cách cung cấp các gói kích thích kinh tế và những thúc đẩy cho triển khai đầu tư công sẽ giúp nhanh chóng giải phóng những chi tiêu cần thiết cho cơ sở hạ tầng. Trong bối cảnh đó, là một ngân hàng chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng với sự tận tâm và chuyên nghiệp. Do đó, tôi có niềm tin là chúng ta đã sẵn sàng đón nhận và tận dụng bất kỳ làn sóng phục hồi nào diễn ra trong năm 2021.
Lý do tôi lạc quan đến từ thực tế rằng Việt Nam là một trong số ít các thị trường trên thế giới vẫn sẽ có tăng trưởng GDP trong năm nay. Hầu hết các nước đều nhận thấy tăng trưởng kinh tế đang đi xuống. Mặc dù Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như châu Âu và Bắc Mỹ bị sụt giảm vì dịch bệnh Covid, nhưng về lâu dài tương lai vẫn rất tươi sáng.
Dù điều chỉnh dự báo GDP trong năm nay xuống còn 1,6%, HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vượt mức 9% vào năm 2021. Tác động của các gói kích thích kinh tế từ Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả tích cực và tất cả các dấu hiệu cho thấy lĩnh vực điện tử sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu khi nhu cầu kết nối kỹ thuật số tăng lên vì dịch bệnh do sự cần thiết có thể giao dịch từ xa với các bên khác, chẳng hạn như với ngân hàng.
Tôi không nghĩ thế giới sẽ quay trở lại với cách vận hành như trước đây. Các đồng nghiệp của tôi ở HSBC trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục làm việc tại nhà nhiều hơn. Thương mại điện tử đang tiếp tục bùng nổ. Hơn thế nữa, mọi người sẽ sắp xếp lại thứ tự ưu tiên đối với những gì quan trọng với họ, đó có thể là gia đình, bạn bè và thời gian rảnh rỗi thay vì là cố gắng phát triển kinh tế bằng mọi giá đi kèm với tác động tiêu cực lên môi trường và cộng đồng quanh ta.
Trong vai trò trước đây của mình, mỗi khi ở phi trường chuẩn bị rời Việt Nam, tôi đã luôn nghĩ về tương lai dành cho đất nước đáng mến này. Đó luôn là những suy nghĩ tích cực về tương lai và tôi luôn cảm thấy ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay. Ngày hôm nay, suy nghĩ này của tôi vẫn như vậy, không thay đổi.
(*): Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam