Tiến sĩ Đinh Trường Hinh: "Cơ hội vàng để giảm ảnh hưởng từ Trung Quốc"
Theo đó, nhóm người dễ bị tổn thương nhất từ dịch bệnh là người lao động trong khu vực phi chính thức hoặc lao động bán thời gian, những thanh niên không có kỹ năng. Ưu tiên trong thời gian bị dich là cung cấp thực phẩm, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm cho nhóm này. Chính phủ có thể thiết lập các chương trình làm việc tạm thời cho họ, xóa nợ cho các doanh nghiệp và cá nhân...
-Điểm thứ 2 là phân biệt các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng của COVID-19. Có ba loại doanh nghiệp. Một là các doanh nghiệp mà người tiêu dùng có nhu cầu liên tục như cửa hàng tạp hóa và các sản phẩm y tế. Hai là các doanh nghiệp phải đối mặt với nhu cầu người tiêu dùng bị mất bao gồm nhà hàng, du lịch, giải trí, giao thông và du lịch). Ba là các doanh nghiệp phải đối mặt với nhu cầu người tuêu dùng chậm trễ.
-Thứ 3 là đáp ứng nhu cầu mới về các sản phẩm y tế liên quan đến COVID-19. Đại dịch làm khiến nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm y tế kéo dài, tạo ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất Việt Nam. Thiết bị y tế đơn giản như khẩu trang, găng tay, áo choàng và các thiết bị bảo vệ cá nhân để tránh truyền nhiễm (Personal Protection Equipment, gọi tắt là PPE), Việt Nam đều làm được.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã điều chỉnh dây chuyền, đào tạo lại lực lượng lao động để làm các hợp đồng này. Các thiết bị y tế phức tạp hơn, bao gồm giường bệnh viện, dụng cụ y tế bao gồm máy thở và phương tiện vận chuyển y tế như xe lăn, xe tải và xe cứu thương, có thể được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong các ngành kim loại, máy móc, điện tử, ô tô và các bộ phận máy bay. Có công ty đã làm máy thở.
Doanh nghiệp có thể mua lại các công nghệ có sẵn để sản xuất. Việc trang bị lại nhà máy (retooling) có thể được chính phủ khuyến khích thông qua 3 điểm sau: 1 là tín dụng của chính phủ để trả lương công nhân khi trang bị lại; 2 là truy cập thông tin và các tài liệu về công nghệ, về nơi mua nguyên liệu thô và các đầu vào trung gian khác; và 3 là kết nối giữa các bên (doanh nghiệp cung cấp, cơ sở y tế và những người mua). Ở điểm 2 và 3 doanh nghiệp cần chính phủ giúp đỡ.
-Thứ 4 là nhu cầu cho các địa điểm sản xuất mới ở ngoài Trung Quốc. Thế giới ngày càng nhận thức rõ về sự nguy hiểm do phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với tất cả sản phẩm được sản xuất theo chuổi giá trị toàn cầu từ vật tư y tế và máy thở đến iPhone và đó là cơ hội của Việt Nam. Vấn đề của các doanh nghiệp này là họ thường không muốn tốn kém cho đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động, cho nên, chính phủ phải cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo cho người lao động trong thời kỳ suy thoái.
-Thứ 5 là vấn đề FDI trong thời gian đại dịch. Vừa qua Ấn Độ rất lo các doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh, tung tiền mua doanh nghiệp Ấn và đem các máy móc lạc hậu, nguy hại đến môi trường đến nên Ấn Độ đã ra một đạo luật là tất cả các đầu tư từ các nước láng giềng phải được chính phủ Ấn Độ chấp nhận. Tương tự, mới đây Úc và Đức đều tuyên bố như thế.
Nhân khi COVID diễn ra, Chính phủ, thông qua các kinh tế gia Việt Nam cần tận dụng cơ hội đại dịch để phân tích cụ thể hơn ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam. Số người lao động tay nghề cao và thấp của Trung Quốc đang làm việc ở Việt Nam hiện là bao nhiêu, ngành nghề nào, có thể thay thế được ngay hay không, cũng như ảnh hưởng Trung Quốc về giao thông, du lịch, vận tải, đầu tư, thương mại và tác động đến các đầu vào của các chuổi cung ứng liên quốc gia.
Cơ hội bằng vàng là lúc này, Chính phủ phải lập ra một chương trình rõ ràng, thiết thực, và có thể giám sát để giành việc làm cho người lao động Việt Nam, giảm thiểu các ảnh hưởng từ Trung Quốc nhất là các đầu vào về chất xám cũng như về vật liệu để thay vào bằng nguồn từ trong nước hoặc từ các nước khác.
Vấn đề Việt Nam đang gặp không phải là thiếu vốn đầu tư mà là yếu kém về chất lượng đầu tư và thiếu định hướng chính xác vào những lĩnh vực Việt Nam đang tối cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Cụ thể, những lĩnh vực này là những ngành công kỹ nghệ cao, đem lại giá trị sản xuất cao hơn và tận dụng trí tuệ của người Việt Nam. Cần rà soát đầu tư nước ngoài. Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn của những lãnh vực này để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng; khuyến khích FDI liên kết với các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc; nâng tỷ lệ nội địa hóa, và ngăn chận đầu tư (hoặc đem các máy móc cũ) có hại cho môi trường.
Để làm được như vậy cần mạnh tay cải tổ theo chiều sâu như giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đối xử bình đẳng các nhà xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp; khuyến khích phát triển các cụm sản xuất; đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ (plug-and-play) và các khu công nghệ; khuyến khích và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua hợp đồng thầu phụ.
Quan trọng nhất vẫn là chất xám của người Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần cải tổ đột phá về giáo dục và về đào tạo trường dạy nghề. Nói mãi, chúng ta vẫn chưa quan tâm về số lượng và chất lượng công nhân có tay nghề. Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực bằng cách cải tổ để tăng cường phối hợp giữa các bộ chịu trách nhiệm về giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường tự chủ cho đại học, tăng cường liên kết nhà trường với doanh nghiệp...
→ Bài viết lược từ bài phân tích 3 của Tiến sĩ Đinh Trường Hinh. Bên cạnh vị trí Chủ tịch Công ty EGAT tại Mỹ, ông là nguyên là chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014). Ông có nhiều công trình nghiên cứu và thường về nước dạy các đại học về tài chính công, tài chính quốc tế, công nghiệp hóa, và phát triển kinh tế.