Bãi biển Vũng Tàu. Nguồn ảnh: NT
Hãy quên cảnh văn phòng đông người đi!
Ông Dwight Perkins, Giáo sư Đại học Harvard, nhận xét, do đại dịch COVID-19, nhiều người phải ở nhà, tránh tiếp xúc với người khác. Đối với nhiều người, ở nhà thì cũng phải làm việc, qua đó thúc đẩy xu hướng làm việc từ xa.
Cô Nguyen Thi Anh, ở New York, ngay trung tâm của đại dịch COVID-19 của Mỹ, đang làm việc từ phòng khách nhà mình. Cô cho biết, 2 tuần mới đi ra ngoài một lần để mua thức ăn về bỏ tủ lạnh hoặc chạn bếp. Văn phòng công ty thì chỉ còn 2, 3 sếp thay phiên nhau trực chỉ huy công việc. Công ty của cô chuyên về công nghệ cao, là một đối tác của Google.
Doanh nghiệp kỹ thuật số đi đầu
Google cùng Facebook, Amazon Capital One, và nhiều doanh kỹ thuật số khác của Mỹ - trong đó có công ty mà Nguyen Thi Anh là nhân viên - đang “mở rộng chính sách làm việc từ nhà tới tháng 7 năm nay; trong một số trường hợp, còn kéo dài hơn thế nữa”, tờ New York Times cho biết.
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (TP.HCM), nơi sử dụng khoảng 50 chuyên viên, nhận xét: “Rõ là những doanh nghiệp loại này đang dẫn đầu việc cho phép nhân viên làm việc từ xa qua máy tính. Xu hướng đó đang và sẽ lan rộng ra khắp thế giới”.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, từ Mỹ về Việt Nam làm việc từ nhiều năm nay, cũng nhận xét gần giống như thế. Ông nói: “Xu hướng làm việc từ xa, chúng ta gọi là online, là xu hướng toàn cầu. Ông thêm: “Nó bao gồm cả việc thanh toán điện tử, mua hàng điện tử và nhiều giao dịch điện tử khác nữa”.
Ông Ngô Đức Hoàng nhận xét tiếp: “Xu hướng đó bắt chủ lao động phải nghiêm túc đánh giá việc đầu tư, ưu và nhược điểm của xu hướng này. Nó cũng buộc người lao động thay đổi thói quen, tác phong làm việc, để thích ứng với môi trường làm việc mới”.
Cảnh một đường phố vắng hoe của New York, thành phố trước đây rất sôi động, không hề biết đến giấc ngủ. Ảnh: Nguyen Thi Anh |
Trên thực tế, Google và Facebook đều phát thông báo tới nhân viên hôm thứ Năm (7.5), nói rằng họ có thể ở nhà mà làm việc đến đầu năm 2021. Trước đó, Capital One, một doanh nghiệp tài chính, đã cho 40.000 nhân viên biết họ được phép làm việc từ xa, và việc này có thể sẽ còn kéo dài.
Đối với Amazon, nếu nhân viên có quay lại văn phòng, cũng phải là từ tháng 10 năm nay. Trong khi đó, công ty bảo hiểm Mỹ Nationwide Insurance lại chuyển đổi mạnh mẽ hơn so với những doanh nghiệp khác: đóng cửa 5 văn phòng khu vực, tạo điều kiện ngay cho 4.000 nhân viên làm việc từ xa toàn thời gian.
Động thái này dường như cũng phản ánh một thực tế: không ai chắc được đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều nước sẽ đi theo hướng nào. Trong khi số người qua đời do virus ở những điểm nóng như thành phố New York đã giảm xuống, đại dịch lại bùng phát ở những thành phố khác của Mỹ.
Hồi đầu tháng 5, hầu như mỗi ngày, ở Mỹ, đều có thêm ít nhất 20.000 trường hợp nhiễm bệnh do Corona chủng mới, nâng tổng số bị nhiễm, tính đến cuối tuần đầu tháng 5, lên tới hơn 1,2 triệu người.
Hẳn, ngay cả sau khi con Corona chủng mới không còn “phá phách” nữa, làm việc từ nhà có khả năng vẫn sẽ được nhiều công ty thực hiện. Rồi, chắc chắn, chuyện này sẽ ảnh hưởng đến “chiều cao” của các thành phố và cả ngành bất động sản thương mại.
Đương nhiên, nó còn khiến cho văn hóa doanh nghiệp phải thay đổi.
“Làm việc tại nhà quả là một điều tuyệt vời cho công ty và cả nhân viên, những người không muốn trở lại văn phòng với xe hơi, và phải chạy xe trong 2 giờ liền. Điều đó làm mất năng suất lao động của họ”, ông Joan Burke, Giám đốc Nhân sự của DocuSign, một công ty công nghệ ở San Francisco, nhận xét với tờ New York Times. “Tôi cũng đang hình dung chuyện này sẽ trở nên thường xuyên hơn trong tương lai”.
Một nhà tư vấn doanh nghiệp ở TP.HCM nhận xét: “Phương Tây tập trung vào hiệu quả công việc, tinh thần tự giác và tính kỷ luật được đào tạo ngay từ trong trường học. Vì vậy thích nghi nhanh hơn. Phương Đông thì chưa được như vậy”. Ông nói thêm: “Nhưng cần xem đây là một cơ hội để thay đổi văn hóa doanh nghiệp, thay đổi thói quen làm việc, để nâng cao hiệu quả công việc”.
Không phải ngẫu nhiên, các công ty công nghệ lại đi tiên phong trong xu hướng làm việc từ nhà. Chắc ai cũng biết họ dùng phần mềm và mạng internet khá nhiều rồi, tức đã có điều kiện để mở rộng chuyện làm việc từ xa. Khác với những tiệm xăm hình, uốn tóc hoặc quán bar, chẳng hạn, phải cần đến sự tương tác trực tiếp với khách hàng.
Ông Ngô Đức Hoàng cho biết: “Làm việc từ nhà tương đối dễ thực hiện với những doanh nghiệp phần mềm, tư vấn, giảng dạy... Trung tâm tôi chủ yếu làm về nghiên cứu nên đã tổ chức làm việc từ nhà lâu rồi, nhưng có dựa trên điều kiện, hoàn cảnh mỗi người. Đó chưa phải là một quy trình bắt buộc”.
Có lợi về mặt chi phí
Trên thực tế, trước khi có đại dịch do Corona chủng mới gây ra, 8% của số người làm công ăn lương ở Mỹ cũng đã làm việc tại nhà ít nhất mỗi tuần một ngày, theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ. Khoảng 2% trong số đó được phép làm việc toàn thời gian tại nhà.
Nhưng, chỉ sau một vài ngày, khi nổ ra đại dịch COVID-19, làm việc từ xa đã được mở rộng, từ chỗ chưa được áp dụng đại trà sang chỗ bắt buộc ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Chẳng hạn như thành phố New York.
“Xét trên bình diện lợi ích chi phí, rõ là chuyện này có lợi, nhất là khi doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn mà chi phí rất quan trọng”. Đó là nhận xét của ông Brian Kropp, Phó Chủ tịch của Gartner, một doanh nghiệp chuyên về nghiên cứu, tư vấn, huấn luyện doanh nhân và tổ chức hội thảo, với hơn 15.000 nhân viên và hơn 100 văn phòng trên khắp thế giới.
Ông nói thêm: “Ngay cả khi năng suất của nhân viên làm việc từ xa có thấp hơn 5% đi chăng nữa, doanh nghiệp vẫn có thể tiết kiệm đến 20% vì không phải thuê văn phòng. Như thế cuối cùng sẽ đạt được lợi nhuận cao hơn”.
Nhưng đối với ông Ngô Đức Hoàng, “hiệu suất của làm việc từ nhà ở Việt Nam sẽ giảm khoảng 20% lúc ban đầu. Và rồi sẽ không suy giảm mà còn tăng lên nếu công ty có những quy trình kiểm soát và bản mô tả công việc nhân viên thích hợp.
Trên thực tế, tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp cũng đã chuyển sang mô hình làm việc từ xa, từ những ngày đầu đại dịch, và có thể trước đó nữa rồi.
Ông Nguyễn Bảo Tri, Giám đốc Công nghệ Thông tin của Công ty Unilever Việt Nam, cho hay, việc Công ty đóng cửa văn phòng chính, để nhân viên làm việc từ xa, đã diễn ra một cách nhẹ nhàng. Bởi từ lâu nay, Công ty đã số hóa nhiều công việc, trong đó có việc xuất hóa đơn, ký văn bản điện tử, lưu trữ dữ liệu trong kho điện tử...
Ông Kim Thiên Quang, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam, cũng cho biết, đã nhiều năm nay, gần 90% khách của Công ty đã thực hiện giao dịch trực tuyến; hàng năm Công ty đều diễn tập các tình huống bất khả kháng buộc phải kích hoạt báo động mức cao nhất, nên làm việc từ nhà không phải là chuyện quá khó.
Ông Nguyễn Quang Trung, chủ một công ty phần mềm ở Hà Nội, cho biết, do đặc thù công việc - chỉ xem xét kết quả cuối cùng, nhân viên có làm việc trực tuyến cũng không sao. Theo ông, trong thời đại dịch phải hạn chế tiếp xúc, “làm việc từ xa còn giúp đảm bảo sức khỏe của nhân viên lẫn cộng đồng”.
Ông Kim Thiên Quang nhận xét thêm: “Trong thời giãn cách xã hội vừa qua, làm việc tại nhà thực sự là khoảng thời gian giúp cho nhân viên công ty trở nên sáng tạo hơn trong công việc, trong cả cách tiếp cận khách hàng”.
Một số ngân hàng cùng doanh nghiệp khác cũng chỉ để một ít người trực văn phòng, có thể chừng phân nửa, hoặc ít hơn. Và họ phải sáng tạo hơn. Chi nhánh ngân hàng Eximbank ở quận 4, TP.HCM, chẳng hạn, giờ chỉ còn một nửa số nhân viên làm việc trực tiếp tại các quầy. Mỗi lần đến giao dịch, quả có chút bất tiện: Phải chờ đợi hơi lâu so với những ngày trước đại dịch.
Đương nhiên, làm việc tại nhà còn tạo ra một số chuyện bất tiện khác như thường xuyên bị gián đoạn bởi “việc nhà”. Cô Nguyen Thi Anh cho biết thêm: “Cũng phải rất tự giác và có tính kỷ luật cao. Chắc chắn là ăn uống phải rất cẩn thận, chứ không thì lên cân ngay!”
Có thể làm việc từ nơi rất xa Những nhân viên không phải gặp gỡ khách hàng hoặc không làm công việc quản lý sẽ có thể làm việc từ xa, thậm chí từ những nơi rất xa. Theo New York Times, Chiang Mai đang hưởng lợi từ chuyện nhiều người phương Tây làm việc từ xa. Tại thành phố du lịch Tây Bắc Thái Lan này, chi phí sinh hoạt khá rẻ; hơn nữa, ở đây, trời tương đối không nóng lắm tuy thuộc vùng nhiệt đới. Hiện giờ, nó đang thu hút những người làm việc từ xa - không cần đến văn phòng - từ khắp nơi trên thế giới. Đối với một số người Mỹ làm việc từ xa có thể tạo ra đôi chút khó khăn do lệch múi giờ. Nhưng rồi cũng sẽ quen thôi, và rốt cuộc lại tốt cho công ty Mỹ sử dụng họ. Vì khi họ đang làm việc thì là ban đêm ở Mỹ, vậy nên sáng ra là công ty ở Mỹ nhận được “sản phẩm” của họ, đỡ phải chờ đợi. Thật ra, không nhất thiết phải đến Chiang Mai, theo New York Times. Vẫn có những nơi khác, phù hợp cho những người được phép làm việc từ xa... Chẳng hạn như Quito, Ecuador, nơi, nếu thuê nhà qua Airbnb, chỉ phải trả 500-700 USD mỗi tháng. Một gợi ý tốt cho những thành phố du lịch của Việt Nam như Nha Trang, Đà Lạt hoặc Vũng Tàu. |