Doanh nghiệp Việt liên minh bán hàng thời COVID
Theo báo cáo về Triển vọng phát triển kinh tế thế giới của IMF, GDP toàn cầu có thể sụt giảm tới gần 5% trong năm nay, Mỹ và EU thậm chí còn giảm tới 8-10%. Trong bối cảnh này, thúc đẩy và tăng cường hoạt động bán hàng là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp để bù đắp doanh thu, phục hồi vốn lưu động và bắt đà tăng trưởng.
Tại diễn đàn “ Từ sống sót đến thịnh vượng” số thứ 2, với chủ đề “Bán hàng thời Covid” do FPT tổ chức, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT khẳng định: “Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra áp lực kép cho nền kinh tế cũng như mỗi doanh nghiệp”. Ông Trương Gia Bình đã đưa ra 5 nhóm vấn đề cùng hành động.
Đó là nhà quản trị doanh nghiệp phải biến thành người chỉ huy trong thời chiến, để bắt kịp các cơ hội, phản ứng nhanh với thay đổi, có tầm nhìn mới về kinh doanh. Doanh nghiệp cũng cần thay đổi cách thức bán hàng, sẵn sàng cho thương mại điện tử và xây dựng những trải nghiệm số ưu việt hơn cho khách hàng. Chính sách giá cả phải linh hoạt, tinh gọn, nhấn mạnh vào những giá trị mới. Cần đặt trọng tâm vào con người, chiêu mộ, tái đào tạo, biến toàn bộ đội ngũ thành lực lượng bán hàng. Và đây cũng là thời điểm quan trọng nhất để thúc đẩy công cụ số, chuyển đổi số với trọng tâm là tăng trưởng, làm hài lòng khách hàng, tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả vận hành và quản trị.
Ông Arnaud Ginolin Tổng Giám đốc BCG tại Việt Nam thì dự báo, Covid-19 sẽ còn kéo dài ảnh hưởng đến ít nhất 12 – 16 tháng nữa. Chỉ 14% các công ty nhanh nhạy và linh hoạt nhất trở thành “người thắng cuộc”. BCG đã đưa ra một số khuyến nghị chính yếu, trong đó tập trung nhất vào chiến lược phân bổ vốn cũng như thúc đẩy chuyển đổi số. Theo ông Arnaud Ginolin, đây là hai hành động cấp bách và phù hợp nhất mà doanh nghiệp Việt có thể áp dụng ngay.
Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp gia tăng cơ hội, phục hồi, phát triển nhanh hơn trong và sau khủng hoảng nhờ công nghệ số. Têu biểu như Viet Capital Bank, nhờ ứng dụng giải pháp định danh khách hàng điện tử eKYC, đã có tỷ lệ đăng ký tài khoản mới tới tháng 8/2020 gấp 3 lần so với tháng 1/2020. Hay Tân Hiệp Phát, Kangaroo, CEN Group, FE Credit… cũng có những bài học kinh nghiệm.
Theo ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CEN Group, Covid-19 đã thúc đẩy doanh nghiệp phát hiện ra xu hướng mua sắm mới, tìm được thị trường ngách và ngay lập tức triển khai tiếp cận thị trường. Trong bối cảnh cả thị trường bất động sản tê liệt, CEN Group vẫn duy trì được đội ngũ gần 3.000 nhân sự, chốt hàng ngàn giao dịch mỗi tháng, doanh số 2020 dự kiến đạt, thậm chí vượt xa năm ngoái.
Kangaroo cũng có cách ứng phó tương tự, khi sáng tạo cách thức đưa hàng điện tử, điện gia dụng vào kênh hiệu thuốc, thay đổi chính sách giá để hướng tới phân khúc khách hàng phổ thông. Theo ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kangaroo, việc quản lý tài chính dưới góc độ sinh tồn, cắt giảm chi phí thừa và loại bỏ các khâu trung gian cũng giúp họ dành ngân sách cho việc thúc đẩy bán hàng. Nhờ đó, Kangaroo đã tận dụng được cơ hội “tìm cơ trong nguy” để tăng trưởng tới 210% so với năm 2019.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát lại chú trọng tới yếu tố con người, thông qua việc truyền thông kêu gọi cắt giảm chi tiêu, đưa ra những đề xuất hiệu quả, tối ưu chi phí cho công ty. Trong khi đó, SmartPay (FE Credit) tập trung vào chiến lược phát triển ứng dụng di động để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, nhờ đó họ đã có hơn 200 ngàn lượt tải ứng dụng mỗi tháng, doanh số giao dịch qua kênh này tăng gấp đôi sau mỗi tháng kể từ tháng 6 đến nay.