Bộ Công Thương đề nghị ưu tiên vaccine cho phân phối, bán lẻ
Đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số siêu thị/hệ thống phân phối trong vùng dịch đã xuất hiện ca F0 đến mua sắm dẫn đến phải đóng cửa, ảnh hưởng tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu.
Thực tế, nhiều hệ thống bán lẻ lớn phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi ngày tạo ra rủi ro rất lớn về đóng cửa hệ thống nếu xảy ra các ca nhiễm COVID, đồng thời gây ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng rất cao.
Thực tế, mới đây, UBND phường Linh Tây, TP Thủ Đức, đã phải có thông báo khẩn, tìm người từng đến cửa hàng Bách Hóa Xanh để lấy mẫu xét nghiệm.
Lường trước nguy cơ này, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và các hệ thống phân phối lớn, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vào danh sách nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.
Việc bổ sung đối tượng này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hằng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.
Trong đề xuất của AVR, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce (Vincommerce - Tập đoàn Masan) kiêm Tổng Thư ký AVR nêu rõ, hiện nay AVR có hơn 100 doanh nghiệp thành viên gồm các đơn vị sản xuất và bán lẻ với hàng chục ngàn cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống bán lẻ.
Riêng Công ty Vincommerce với hệ thống 122 Siêu thị VinMart, 2.500 cửa hàng VinMart+ tại 59 tỉnh thành trên cả nước với 22.206 cán bộ nhân viên, mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, mặc dù tuân thủ tuyệt đối phương án 5K để bảo vệ người tiêu dùng góp phần đẩy lùi đại dịch... nhưng có nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm với dịch Covid-19 rất cao.
Các siêu thị thực hiện 5K phòng chống dịch bệnh. |
Trong khi đó, mặc dù khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, nhưng lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP.HCM vẫn tăng, trở thành bệ đỡ cho cả khu vực dịch vụ. Vì vậy, nếu có sự ảnh hưởng tới khu vực này sẽ thêm gánh nặng cho nền kinh tế.
Covid-19 tác động tiêu cực đến ngành bán lẻ, theo Công ty Chứng khoán SSI, được thể hiện qua các yếu tố: (1) chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu giảm, (2) lượt khách tới cửa hàng giảm, (3) các cửa hàng không thiết yếu bị buộc phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa, và (4) gián đoạn chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp muốn tự mua vaccine
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận, hiện nay, với 1.085 siêu thị cùng 150 Trung tâm thương mại trên cả nước, hệ thống bán lẻ đang giữ vai trò vô cùng trọng yếu trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. “Cần phải đảm bảo nguồn lực cho các siêu thị hoạt động vì còn liên quan đến đầu ra của khu vực sản xuất, nếu để xảy ra ách tắc hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ tạo thêm sự khó khăn chung”, ông Phú nhấn mạnh.
Nhà nước đang có chiến lược mua vaccine và huy động mọi nguồn lực trong xã hội để người dân có thể tiếp cận vaccine phòng Covid-19 nhanh nhất, nhằm kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép để phát triển đất nước.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19, tính đến thời điểm 11 giờ ngày 8.6, Quỹ đã nhận được từ 231.471 tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp với tổng giá trị 4.168 tỉ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi). Ngoài ra, còn có 3.252,88 tỉ đồng nhà tài trợ đã cam kết nhưng chưa chuyển tiền. Như vậy, tổng số tiền mà Quỹ vaccine phòng COVID-19 sẽ nhận được (cả đã chuyển và chưa chuyển tiền) tính tới nay là 7.420,88 tỉ đồng.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ vừa ủng hộ Quỹ Vaccine, vừa đề xuất và tự nguyện đóng góp kinh phí mua vaccine chống dịch. Nhiều chuyên gia cũng đề nghị Bộ Tài chính nên cho hạch toán số kinh phí này vào phí lưu thông.
Tại cuộc họp với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến và ủng hộ cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19 ngày 4.6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thời gian qua vaccine về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hoá mà bởi vì nguồn cung khan hiếm.
Với tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó có những nguồn vaccine từ AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, COVAX Facility đã ký kết từ tháng 9 và tháng 10/2020. Mới đây đã thỏa thuận tiếp với Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều) và 20 triệu liều vaccine Sputnik V.