Nguồn ảnh: Reuters

 
Phùng Mỹ Thứ Tư | 22/07/2020 15:54

Việt Nam dự kiến có vaccine COVID-19 vào tháng 10.2021

Việt Nam tự tin vào khả năng sản xuất vaccine COVID-19 trong nước.

Với những thay đổi chưa từng có tiền lệ trong quá trình nghiên cứu và thẩm định vaccine, Việt Nam dự kiến tự sản xuất và đưa vào sử dụng vaccine COVID-19 vào cuối năm sau.

Sáng hôm nay 22.7 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo Triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine COVID-19 tại Việt Nam.

Không có vaccine COVID-19, khó quay lại cuộc sống bình thường

Quyền Bộ trưởng Y tế - GS.TS. Nguyễn Thanh Long khẳng định khi chưa nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine COVID-19, việc chống dịch sẽ còn nhiều nan giải.

Theo GS. Nguyễn Thanh Long, thế giới đang căng mình chống dịch, liên tục có ca mắc mới và tử vong. Đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Đó là câu hỏi, bài toán lớn đối với toàn nhân loại.

Sản xuất vaccine là ưu tiên của các quốc gia trên thế giới với hy vọng ngăn chặn được dịch bệnh, đưa nhân loại quay trở lại cuộc sống bình thường.

Quyền Bộ trưởng Y tế - GS. TS. Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Nếu không có vaccine COVID-19, thì việc giao lưu thương mại, đi lại và bình thường hóa cuộc sống sẽ không được như mong muốn”. Nguồn ảnh: Bộ Y tế.
Quyền Bộ trưởng Y tế - GS. TS. Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Nếu không có vaccine COVID-19, thì việc giao lưu thương mại, đi lại và bình thường hóa cuộc sống sẽ không được như mong muốn”. Nguồn ảnh: Bộ Y tế.

Tiến độ nghiên cứu vaccine COVID-19

Theo ông Nguyễn Ngô Quang – Phó Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, trước đây các giai đoạn thử nghiệm vaccine là phải hoàn thiện giai đoạn 1, sau đó mới chuyển sang giai đoạn 2, sau đó hoàn thiện giai đoạn 2 thì mới chuyển sang giai đoạn 3. Dự kiến trung bình khoảng từ 3-5 năm cho một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàn vaccine.

Tuy nhiên, ông Quang cũng chia sẻ: với cách tiếp cận của Hội đồng quản lý và cơ quan đạo đức dự kiến theo tiến độ hiện tại thì tháng 10.2021 Việt Nam sẽ có vaccine phòng chống COVID-19 đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.

TS. Vũ Hương, Cố vấn kỹ thuật Khu vực, Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận vaccine cho biết: tính tới ngày 15.7, toàn cầu có 163 ứng viên vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển ở các giai đoạn khác nhau. Trong đó, 23 vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người, còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng.

Theo TS. Vũ Hương, “những nỗ lực toàn cầu trong phát triển vaccine COVID-19 như hiện nay là chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô, công nghệ và tốc độ”. Tại hội thảo, 4 nhà sản xuất của Việt Nam cũng báo cáo về tiến độ nghiên cứu vaccine COVID-19.

Kỳ vọng vào việc tự chủ vaccine

Việt Nam hiện có 401 ca mắc COVID-19, chủ yếu là người nhập cảnh. 97 ngày cả nước không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên, khi nhân loại chưa nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine COVID-19, việc chống dịch sẽ còn nhiều nan giải.

Vì thế, thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sớm đưa vaccine COVID-19 vào sản xuất. Các quy trình cũng như thủ tục đều được thảo luận, rút ngắn để đảm bảo về mặt chất lượng nhưng vẫn đảm bảo về mặt thời gian đối với vaccine.

GS. Long cho biết, Việt Nam là một trong 38 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là cơ quan quản lý vaccine theo chuẩn của WHO. Chúng ta đã có hệ thống quản lý chất lượng vaccine (NRA) theo tiêu chuẩn của WHO. Điều này đã mở ra cơ hội hợp tác cũng như xuất khẩu vaccine của Việt Nam với các nước.

Hiện tại, Việt Nam có 4 nhà sản xuất trong nước đang nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 và bước đầu cho kết quả khả quan.

VABIOTECH đã thử nghiệm thành công vaccine COVID-19 trên chuột. Nguồn ảnh: BSCC.
VABIOTECH đã thử nghiệm thành công vaccine COVID-19 trên chuột. Nguồn ảnh: BSCC.

Quyền Bộ trưởng Y tế - GS. Long chia sẻ: “Tôi kỳ vọng Việt Nam có thể làm chủ vaccine COVID-19, đảm bảo tính chủ động trong cung ứng cho người dân, đồng thời, có cơ chế để tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới một cách nhanh nhất”.

Tuy nhiên, quyền Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc sản xuất vaccine COVID-19 khó thành hiện thực nếu không có sự chung tay của chính phủ, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất vaccine, các nhà nghiên cứu, các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, các nhà tài trợ và các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật. 

Bộ Y tế đang chuẩn bị thành lập quỹ vaccine để tiếp cận vaccine nhanh nhất, tiếp cận đúng hướng, bảo đảm sớm đưa vaccine do Việt Nam sản xuất vào thử nghiệm lâm sàng, bảo đảm cho người dân được bảo vệ tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm:

► Cuộc tấn công đáng khinh vào những nỗ lực sống còn cho sức khỏe cộng đồng