Đến nay, hơn 1,16 triệu công nhân và người lão động đã nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 (gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng) với tổng số tiền trên 1,68 nghìn tỉ đồng. Ảnh: TL.

 
Hải Bằng Thứ Sáu | 17/09/2021 14:07

Đề xuất dùng 89.000 tỉ đồng kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động

Tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên có thể sẽ được hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn.

Tỉ lệ người thất nghiệp vẫn tăng

Theo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với VnExpress tiến hành, đời sống của công nhân, người lao động đã mất việc đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Khảo sát trên hơn 70.000 người lao động cho thấy, có tới 62% người lao động đang mất việc, số người lao động đang có việc chỉ chiếm là 38%. Về tỉ lệ nhóm tuổi của người lao động mất việc phần lớn là từ 31- 45, chiếm nhiều nhất với khoảng 69,4%. Nhóm người mất việc từ 16-30 tuổi chiếm 16,3%. Nhóm mất việc từ 46 - 60 tuổi chiếm khoảng 13,2% và nhóm người mất việc trên 60 tuổi chiếm khoảng 1,2%. 

Nhóm người lao động từ 31-45 tuổi tiếp tục là nhóm đứng đầu trong tỷ lệ người lao động có việc trong đại dịch COVID-19 với khoảng 68%. Nhóm người từ 16 đến 30 tuổi có việc chiếm khoảng 20%, nhóm người từ 46-60 tuổi có việc chiếm khoảng 11% và cuối cùng nhóm người trên 60 tuổi có việc chiếm khoảng 1%.

 

Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, tỉ lệ mất việc làm tăng dần theo nhóm tuổi. Nhóm tuổi từ 16 -30 thì tỉ lệ mất việc làm là 56,3%, nhóm tuổi từ 31-45 tuổi và nhóm tuổi từ 46-60 tuổi có tỉ lệ mất việc là trên 60%. 

Nhóm tuổi trên 60 trước đây được coi là nhóm tuổi ngoài lực lượng lao động, tuy nhiên nhóm tuổi này vẫn có nhu cầu tìm việc và phần lớn là lao động tự do vì họ không có các khoản lương hưu để đảm bảo cuộc sống tối thiểu khi đến tuổi 60. Nhóm này có tỷ lệ mất việc là 76%.

Đến nay, hơn 1,16 triệu công nhân và người lao động đã nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 (gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng) với tổng số tiền trên 1,68 nghìn tỉ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ công nhân, lao động khó khăn do đại dịch, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang cho biết cơ quan này sẽ gửi đề xuất lên Bộ Lao động, thương binh và xã hội về việc xem xét dùng số tiền kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Số tiền này sẽ hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Giải quyết khó khăn cho người lao động

Giải trình về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hỗ trợ người lao động, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM, cho biết có những trường hợp do thực hiện các biện pháp phong toả, cách ly nên cung cấp thiếu thông tin của người lao động, phải mất thời gian xác minh nên việc đề xuất, chăm lo cho người lao động chưa kịp thời.

Ngoài ra, việc thực hiện hỗ trợ bữa ăn cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ” còn gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp…

Do đó, ông Tâm kiến nghị, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp để được hưởng hỗ trợ bữa ăn cho người lao động “3 tại chỗ”; chi hỗ trợ cho người lao động đang duy trì “1 cung đường, 2 điểm đến” để động viên người lao động sản xuất…

Ảnh: TL.
Chính phủ đã giao Bộ Lao động, thương binh và xã hội sớm trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn để hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn. Ảnh: TL.

Đồng thời, ông Tâm kiến nghị cho phép Liên đoàn lao động TP.HCM hỗ trợ gói an sinh lần 2 là 200.000 phần quà (250.000 đồng/suất) để hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, nhất là khi họ đi làm trở lại…

Trước đó, ngày 9/9, Chính phủ đã giao Bộ Lao động, thương binh và xã hội sớm trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn để hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn, hoàn thành trong tháng 9. 

Chính phủ cũng đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét miễn nộp phí công đoàn năm 2021-2022 cho người lao động tại doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch; báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép doanh nghiệp được giảm kinh phí công đoàn cùng thời gian trên.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ: Trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Nguồn quỹ phần lớn đến từ khoản đóng góp của giới chủ doanh nghiệp và người lao động. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng lao động. 

Từ năm 2009-2020, số lao động tham gia, người thụ hưởng, nguồn thu, nguồn chi hầu hết tăng đều qua các năm. Số kết dư quỹ tính đến cuối năm 2020 khoảng 89.100 tỉ đồng.

Lộ diện 3 nhóm ngành sẽ đón sóng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới