Người nghèo tại Ấn Độ nhận trợ giúp. Ảnh: INT
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới: Sụp đổ kinh tế vì đại dịch có thể kéo dài trong một thập niên
Vào tháng 5, ông Malpass cảnh báo rằng 60 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng "nghèo cùng cực" do ảnh hưởng của virus corona. Ngân hàng Thế giới định nghĩa "nghèo cùng cực" là sống dưới mức 2,4 USD một người mỗi ngày. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Malpass nói rằng hơn 60 triệu người có thể có ít hơn 1,25 USD mỗi ngày để sống. Ông Malpass nói: "Sự kết hợp của đại dịch và phong tỏa có nghĩa là kế sinh nhai của hàng tỷ người bị gián đoạn. Cả hậu quả trực tiếp, nghĩa là mất thu nhập, và sau đó là hậu quả về sức khỏe, hậu quả xã hội, đều rất khắc nghiệt."
Ông Malpass cảnh báo rằng những người nghèo khổ nhất là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. "Chúng ta có thể thấy thị trường chứng khoán ở Mỹ tương đối cao, nhưng người dân ở các nước nghèo không chỉ thất nghiệp, mà còn không thể tìm được bất kỳ công việc nào ngay cả trong khu vực phi chính thức. Và điều đó sẽ có hậu quả trong một thập niên”.
Ngân hàng Thế giới lập luận rằng, hỗ trợ của chính phủ và các biện pháp nhằm củng cố khu vực tư nhân cũng rất quan trọng để xây dựng lại các nền kinh tế. Đầu tư và hỗ trợ sẽ tạo ra việc làm trong các lĩnh vực như sản xuất, để thay thế những công việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng xấu nhất, như du lịch, có thể đã bị mất vĩnh viễn.
Ông Malpass thừa nhận thiệt hại cho thương mại toàn cầu, và khuynh hướng đưa chuỗi cung ứng đến gần hơn hoặc dựng lên các rào cản thương mại, là một thách thức. "Khi thương mại sụt giảm, điều đó tạo ra một loạt căng thẳng và bất bình đẳng riêng... Tôi chắc chắn nền kinh tế toàn cầu sẽ được kết nối với nhau trong tương lai, có thể ít hơn so với trước COVID."
Trong khi đó, WHO đưa ra khuyến cao kể cả đại dịch COVID-19 dường như đã được kiểm soát ở một số nơi thì mối đe dọa của nó vẫn tồn tại. Ngày càng nhiều quốc gia đang dỡ bỏ các giới hạn, và có một mối đe dọa rõ ràng rằng sự lây lan của Covid-19 sẽ tái diễn. Nếu các ổ dịch không bị cô lập thì làn sóng thứ 2 có thể xuất hiện và vô cùng hủy diệt.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 7/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 6.946.991 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó số ca tử vong đã vượt 400.000. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại châu Mỹ và một số nước Nam Á.
Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố gói hỗ trợ khẩn cấp lên tới 12 tỉ USD nhằm hỗ trợ các quốc gia đối phó với các tác động về y tế và kinh tế của dịch bệnh toàn cầu COVID-19,trong bối cảnh dịch bệnh này đã lan tới hơn 60 quốc gia.