Thomas Friedman và chuyện có hay không một “thế giới phẳng”?
Quan điểm “thế giới phẳng” được thể hiện rõ trong tác phẩm cùng tên của tác giả Thomas Friedman – nhà báo của hãng New York Times và là nhà kinh tế nổi tiếng của Mỹ.
Năm 2005, “Thế giới phẳng” (The world is flat) ra đời và được coi là cuốn sách hay nhất năm theo bình chọn của Financial Times và Goldman Sachs Business. Ngày nay, "thế giới phẳng" đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển toàn cầu hóa từ những năm đầu của thế kỷ 21 khi mười nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước.
Thế giới phẳng theo quan điểm của Friedman
Theo Friedman, một thế giới được làm phẳng bởi nhiều nhân tố do con người liên tục tạo ra, đó là sản phẩm của sự hội tụ giữa máy tính cá nhân (cho phép các cá nhân trở thành tác giả của sản phẩm số) với cáp quang (cho phép các cá nhân tiếp cận với các sản phẩm số trên thế giới gần như miễn phí) và phần mềm xử lý công việc (cho phép các cá nhân trên khắp thế giới công tác trên cùng cơ sở dữ liệu số , bất kể từ nơi đâu với khoảng cách như thế nào). Nó tạo điều kiện cho hình thức cộng tác mới diễn ra trên phạm vi toàn cầu ở các cấp độ khác nhau như tải lên mạng (uploading), thuê gia công ngoài (outsourcing) , chuyển sản xuất ra nước ngoài (offshoring), chuỗi cung (supply-chaining), cung cấp thông tin (informing). Những hoạt động này đang góp phần làm phẳng thế giới một cách liên tục và đều đặn.
Friedman nêu ra ví dụ cụ thể đó là dịch vụ gia công thuê ngoài khá phát triển ở Trung Quốc và Ấn Độ. Những chuyên gia kế toán ở An Độ đang cung cấp dịch vụ khai thuế theo hình thức thuê làm bên ngoài cho các doanh nghiệp Mỹ với giá rẽ hơn và với một khối lượng công việc đang gia tăng theo cấp số nhân. Còn ở Trung Quốc, nhiều nhà máy mọc lên, chuyên sản xuất linh kiện cho các hãng công nghệ nổi tiếng như Dell, Apple nhờ lợi thế nhân công giá rẻ. Họ đang lớn mạnh và sẽ trở thành một thách thức cho các nước công nghiệp hàng đầu như Mỹ.
Thế giới là phẳng trong ý nghĩa sự bùng nổ công nghệ ở bất cứ nơi nào trên hành tinh cũng được nhanh chóng tiếp thu và ứng dụng tại một nơi xa xăm, và sự cung ứng các sản phẩm tốt hơn với giá thành rẻ hơn phát xuất từ công nghệ mới đó có thể được thực hiện tại bất cứ đâu để phục vụ nhu cầu ở những nơi xa xăm khác. Khái niệm khoảng cách không còn ý nghĩa, thế giới sẽ trở nên siêu nhỏ theo cách nhìn của Friedman, xã hội bình đẳng về cơ hội, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp lại.
Thế giới có thực sự phẳng?
Một thế giới phẳng bản thân nó cũng kéo theo những điều kiện nhất định, đặc biệt là chuyển gia và tiếp thu công nghệ thông tin và, một mặt nào đó là sự phân công lao động rộng rãi xuyên quốc gia đang xảy ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây không phải là những điều kiện dễ dàng có được.
Thực tế, khoa học công nghệ không ngừng phát triển, mức độ kết nối thế giới cũng theo đó được cải thiện nhưng đến nay, khoảng cách giàu nghèo ở nhiều nước phát triển nói riêng, thế giới nói chung vẫn không có dấu hiệu được san lấp đáng kể, thậm chí ở một khía cạnh nào đó, chính công nghệ thông tin khiến sự cách biệt giữa các tầng lớp, quốc gia giàu nghèo càng rộng.
Theo báo cáo công bố hồi đầu năm nay của tổ chức Oxfam có trụ sở ở Anh, giá trị tài sản ròng của số 1% người giàu nhất thế giới hiện lên tới 110 nghìn tỷ USD, tương đương 65 lần tổng giá trị tài sản ròng của một nửa dân số nghèo nhất hành tinh. Trong đó, riêng 85 người giàu nhất đã sở hữu khối tài sản bằng tài sản của 3,5 tỷ người nghèo nhất thế giới.
Báo cáo nhấn mạnh: “Sự tập trung mạnh mẽ của các nguồn lực kinh tế trong tay một số ít người đang tạo ra một mối đe dọa lớn đối các hệ thống chính trị và kinh tế dành cho tất cả mọi người. Thay vì tiến bộ cùng nhau, mọi người đang bị chia cách ngày càng lớn bởi quyền lực kinh tế và chính trị. Kết quả tất yếu từ tình trạng này là căng thẳng xã hội ngày càng lớn và nguy cơ chia rẽ xã hội ngày càng cao”.
Cho đến nay, cuộc tranh luận về “thế giới phẳng” vẫn rất gay gắt khi nhiều chuyên gia và học giả cho rằng thế giới không hề phẳng bất chấp tiến bộ xã hội.
Vậy bản chất thế giới phẳng mà Thomas Friedman muốn nói đến là gì? Đó phải chăng là sự "bình đẳng" nhưng bình đẳng về cơ hội cũng như rủi ro do toàn cầu hóa đưa đến. Khi mà một doanh nghiệp hình thành tại Mỹ bình đẳng với một doanh nghiệp hình thành tại Việt Nam, về điều kiện vật chất, về cơ sở hạ tầng, về công nghệ, về nhân lực, thậm trí về vốn, cả hai đều thu hút vốn từ thị trường tài chính toàn cầu...
Điều quan trọng là các quốc gia có đủ nhanh nhạy chớp lấy và tận dụng cơ hội để có thể đưa ra chiến lược phát triển phù hợp thay vì tụt hậu so với các nước khác…
Nguồn Tổng hợp