Thầy giáo tiếng Anh và thu nhập 4 triệu đôla
Ở xứ sở kim chi, Kim Ki-hoon là một giảng viên "đình đám" hơn cả ngôi sao nhạc rock. Ông Kim kiếm được 4 triệu đôla một năm và đã giảng dạy hơn 20 năm qua. Kim chủ yếu dạy tại các trường tư, các học viện sư phạm. Không giống như các giáo viên khác trên thế giới, thu nhập của thầy Kim càng tăng khi nhu cầu học lên cao. Và học viên thì luôn luôn tìm đến vị thầy này.
Thầy Kim dạy tiếng Anh và làm việc khoảng 60 giờ một tuần. Trong số 60 giờ đó, Kim chỉ lên lớp giảng bài trong vòng 3 giờ đồng hồ. Các lớp học của thầy Kim được quay lại thành các video khác nhau. Mạng Internet chính là công cụ biến những video này ra tiền, giá 1 giờ học là 4 USD (khoảng 85 nghìn đồng). Hầu hết thời gian trong tuần, thầy Kim trả lời câu hỏi của sinh viên trên mạng, phát triển kế hoạch học và viết sách học/luyện tiếng Anh (cho tới nay những cuốn sách này đã lên tới con số 200).
"Càng làm việc chăm chỉ thì tôi càng kiếm được nhiều tiền. Và tôi thích thế", Kim nói.
Các dịch vụ dạy thêm, học thêm phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Đôi khi người ta coi chúng là cái bóng của hệ thống giáo dục, phản ánh hệ thống giáo dục chính thống. Dạy thêm và học thêm cũng cấp nhiều lớp học/giờ học ngoài giờ cho mọi môn học, miễn là người tham gia học đóng phí. Không ở đâu, dịch vụ này phát triển và thành công đến đỉnh điểm như ở Hàn Quốc - nơi các giáo viên dạy tư đông hơn hẳn giáo viên các loại trường học.
Xét ở phạm vi rộng thì "cái bóng" của hệ thống giáo dục này khá thú vị nhưng cũng có nhiều rắc rối. Nó giúp đẩy mạnh khả năng và sức sáng tạo của học viên lẫn giảng viên, khiến Hàn Quốc trở thành siêu cường về giáo dục.
Tuy vậy, nó tạo nên cuộc chiến ngay trong ngành này khi phục vụ "nhiệt tình" con cháu của các gia đình giàu có đến mức sinh viên phải trả thêm một khoản phí "tâm lý". Chuyện học hành nhiều khi trở thành áp lực khi những sinh viên nhà giàu phải học cả ban ngày ở trường lẫn ban tối ở nhà hoặc cơ sở tư nhân.
Mỗi năm, ông Kim kiếm được cả gia tài từ 150.000 đứa trẻ tham dự các lớp học online của ông. Hầu hết các học sinh trung học Hàn Quốc đều nuôi hi vọng đạt điểm cao trong các kỳ thi chuẩn hoá xét vào đại học (SAT) Hàn Quốc. Tên của ông Kim đã trở thành thương hiệu nổi danh và có uy tín trong thị trường giáo dục. Kim thuê 30 người để quản lý toàn bộ hệ thống dạy và học của mình, đồng thời điều hành một công ty để xuất bản sách do ông viết.
"Đế chế" dạy học online của ông Kim hiện được liệt kê trong thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Hầu như cứ 4 trẻ thì có 3 trẻ đi học thêm. Năm 2012, các bố mẹ ở Hàn Quốc chi 17 triệu đôla cho chuyện học thêm của con cái họ (con số này ở Mỹ là 15 tỉ đôla, theo tập đoàn khảo sát NPD Group). Thị trường dạy thêm học thêm Hàn Quốc màu mỡ tới mức thu hút đầu tư từ nhiều nguồn lớn như tập đoàn Goldman Sachs, Carlyle Group và A.I.G.
Mức thu nhập của thầy Kim tương đương với khoản tiền một vận động viên chuyên nghiệp kiếm được ở Mỹ. Để giàu có, một người Mỹ có tham vọng và khả năng có thể kiếm nhiều tiền nếu trở thành luật sư hoặc người làm trong ngành ngân hàng; trong khi đó ở Hàn Quốc, làm nghề giáo có rất nhiều cơ may hái ra tiền.
Điểm đối chọi giữa các trường học truyền thống ở Hàn Quốc và các trường tư dạy ngoài giờ học (còn được gọi là haqwon) là sinh viên được phép chọn giáo viên dạy môn học của mình. Vì vậy, những giáo viên tốt nhất sẽ có đông sinh viên nhất. Tại mỗi lớp học thầy Kim đứng lớp, có khoảng 120 sinh viên/bài giảng; trong khi đó, con số này tại các lớp học hagwon khác là nhỏ hơn rất nhiều. Giáo viên/giảng viên đang trở thành vấn đề quan trọng nhất trong thị trường giáo dục Hàn Quốc.
Ở các cơ sở hagwon, giảng viên là những người làm công tự do, họ không cần phải đạt chứng nhận này kia hay phải có một mức lương tối thiểu. Thu nhập của các giảng viên phụ thuộc vào những giờ lên lớp của họ và chất lượng dạy học. Đa số họ làm việc trong nhiều giờ và kiếm được ít tiền hơn giáo viên ở các trường công.
Chất lượng lớp học được đánh giá dự trên số lượng sinh viên đăng ký học trong mỗi lớp, điểm số của sinh viên và mức độ hài lòng của sinh viên lẫn phụ huynh qua các bản khảo sát.
Một chuyên gia giáo dục cho hay "Học viên chính là khách hàng". Để chiêu mộ học viên, các hagwon quảng cáo thành tựu của họ liên tục và mạnh mẽ. Họ đăng tải điểm số của các học viên trên mạng internet, trên các tờ poster khổ lớn. Điều này khá cởi mở và khác hẳn hệ thống giáo dục Hoa Kỳ - nơi các kết quả học tập khá rối rắm và ít được tiết lộ.
Khi các học viên trẻ được nhận vào học, các hagwon liên kết rất chặt chẽ với cha mẹ chúng. Hagwon nhắn tin cho các phụ huynh khi con cái họ đến chỗ học vào mỗi buổi chiều. Hoặc phụ huynh cũng nhận được các tin nhắn khác về tiến trình học của con cái họ. Hai hoặc ba lần một tháng, giáo viên ở hagwon gọi điện về cho phụ huynh của học viên. Cứ mỗi tháng một lần, trưởng hagwon đó lại gọi điện thêm một lần nữa để thông báo tình hình của học viên. Ở Hàn Quốc, nếu phụ huynh không hợp tác trong quá trình giáo dục con cái, đây sẽ được xem là thất bại lớn của những người/cơ sở giáo dục chứ không riêng gì gia đình học viên.
Khi các giảng viên có quá ít người theo học hoặc có được các kết quả thấp từ các bản khảo sát, họ thường bị đình chỉ việc. Mỗi năm, Học viện Myungin Academy (Seoul) của bà Lee Chae-yun sa thải khoảng 10% giảng viên (trong khi ở nước Mỹ, chỉ có 2% giảng viên các trường công bị sa thải hàng năm).
Áp lực này tác động mạnh tới các giáo viên lẫn học viên của các hagwon. Trong một khảo sát năm 2010 do Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc tiến hành với sự tham gia của 6.600 sinh viên tại 116 trường trung học trên toàn quốc, các em học sinh dành cho giáo viên dạy ở hagwon điểm số cao hơn giáo viên dạy trong trường bình thường: Các giáo viên hagwon chuẩn bị bài vở chu đáo, cần mẫn làm việc và được đa số sinh viên quý trọng, đánh giá cao.
Các giáo viên dạy tư cũng có nhiều cơ hội thử nghiệm với các công nghệ kỹ thuật mới trong nghề dạy học. Tuy vậy, liệu rằng học viên có thực sự học hiệu quả hơn tại các hagwon? Hóa ra câu hỏi này khá khó để trả lời.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chất lượng tại các cơ sở dạy học ngoài trường học quan trọng hơn số lượng bài vở. Chất lượng này cũng liên quan mật thiết tới số học phí phải nộp - vấn đề rất quan trọng với nhiều học viên. Cứ 10 phụ huynh Hàn Quốc thì có 8 người cho biết họ cảm thấy bị áp lực tài chính từ học phí tại hagwon. Tuy vậy, nhiều người tự thuyết phục rằng chuyện học tại các hagwon là đáng tiền và họ cứ thế nộp tiền. Số tiền này thường nhiều hơn cả cái con cái họ học được.
Trong nhiều thập niên, chính phủ Hàn Quốc cố gắng giám sát và điều chỉnh thị trường giáo dục tư nhân trong nước. Họ từng cấm chuyện dạy và học thêm trong những năm 1980, khi đất nước bị đặt trong luật pháp quân đội. Tuy vậy, cứ sau mỗi đợt như thế, các hagwon càng trở lại hoạt động mạnh mẽ hơn.
"Giải pháp duy nhất là nâng cao giáo dục cộng đồng", ông Kim, vị giáo viên triệu phú cho hay. "Nếu phụ huynh tin tưởng vào hệ thống giáo dục nước mình, thì cứ thế, họ sẽ chẳng còn lăn tăn với chuyện phải trả nhiều học phí".
Để tạo được lòng tin đó, thầy Kim "triệu đô" gợi ý nên trả cho giáo viên nhiều hơn - như cách mà các hagwon thường làm. Các giáo viên càng giỏi càng có thu nhập cao, từ đó họ sẽ có nhiều sinh viên hơn. Cũng từ đó, phụ huynh biết được những giáo viên hàng đầu dạy trong trường học của con cái họ, chứ không phải là ở một trung tâm dạy học chủi lủi nào đó.
Các trường học cũng có thể tạo dựng lòng tin bằng cách tập trung liên lạc với cha mẹ học sinh (ở Mỹ, hoạt động này có tác dụng vô cùng tích cực). Cha mẹ có thể liên tục hỏi học sinh về giáo viên của chúng - một phương pháp hữu dụng để giúp giáo viên nâng cao trình độ thay vì khiến họ nản lòng. Các hiệu trưởng có thể công bố kết quả dạy học của trường rộng rãi, minh bạch hơn, như cách mà các hagwon thường làm.
Không đất nước nào có toàn bộ câu trả lời cho một loạt các vấn đề đặt ra. Thế nhưng, trong một nền kinh tế toàn cầu đa thông tin, một số sự thật sẽ trở thành hiển nhiên: Trẻ em phải học cách nghĩ logic từ toán học, đọc và khoa học; chúng phải học để thích nghi bởi chúng sẽ phải làm như thế suốt cả đời. Những yêu cầu này đòi hỏi các trường học phải thay đổi hoặc nếu không, thị trường tự do sẽ đảm nhận trách nhiệm này.
Nguồn WSJ/Gafin/Dân Việt