Obama, Putin, Kim Jong-un và điện thoại di động
Báo chí Triều Tiên cho hay Kim Jong-un dùng điện thoại để gọi các thành viên trong gia đình và một số quan chức cấp cao trong Đảng Lao Động Triều Tiên. Kim là một trong khoảng 2 triệu người đang sử dụng điện thoại di động tại Triều Tiên, đất nước có 25 triệu dân.
Thị trường thiết bị di động nước này phân phối sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc và gắn mác Triều Tiên, theo ông Martyn Williams, chủ blog North Korean Tech. Người Triều Tiên có thể mua các loại điện thoại nước ngoài khác, nhưng giá sẽ rất đắt đỏ. Ở đất nước này, những người sử dụng điện thoại di động thường là quan chức nhà nước và gia đình họ, những cư dân giàu có ở thủ đô Pyongyang và đặc biệt là giới thương nhân có quan hệ buôn bán với Trung Quốc.
Người dân Triều Tiên không được phép truy cập internet trên điện thoại di động - họ chỉ được phép gọi và gửi tin nhắn trong lãnh thổ nước mình. Không hề có mạng quốc tế ở đất nước này. Riêng với người nước ngoài ở Triều Tiên, họ được phép dùng điện thoại di động để liên lạc chỉ trong cộng đồng của người ngoại quốc và gọi quốc tế, nhưng bị cấm gọi cho người bản địa Triều Tiên.
Mỹ: Obama trung thành với điện thoại BlackBerry?
Theo tờ Wall Street Journal, đội công nghệ của Nhà Trắng hiện đang thử nghiệm một số smartphone do Samsung và LG sản xuất để sử dụng nội bộ. Những điện thoại này là một nguy cơ đối với các máy BlackBerry vốn đã được Nhà Trắng và thậm chí là cả Tổng thống Barack Obama sử dụng trong thời gian dài.
Quá trình thử nghiệm còn có sự tham gia của Cơ quan Thông tin Nhà Trắng, một đơn vị quân sự chuyên đảm nhiệm việc liên lạc của tổng thống Obama. Tuy nhiên, nguồn tin tiết lộ rằng hiện việc kiểm thử mới chỉ ở trong giai đoạn đầu và chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Obama sẽ bỏ chiếc BlackBerry được tinh chỉnh của mình để xài điện thoại Samsung, LG.
Đối với một lãnh đạo tầm thế giới, một chiếc điện thoại không đơn giản chỉ cần mật khẩu, mà còn là vấn đề an ninh chung để tránh sự phá hoại của hacker, xâm nhập của gián điệp và nhiều khủng hoảng tiềm năng về thể diện. Với những tinh chỉnh đặc biệt, BlackBerry hiện đang được chọn là điện thoại tốt nhất cho vai trò "vệ sĩ" này.
Trước thông tin về việc đổi điện thoại của Obama, phát ngôn viên của Cơ quan Thông tin Nhà Trắng chỉ nói rằng họ đang thử nghiệm và sử dụng nhiều loại thiết bị di động khác nhau chứ không trực tiếp nói về các mẫu smartphone chạy Android. Người phát ngôn cho Samsung thì nói hãng nhận thấy "mối quan tâm sâu sắc của các cơ quan chính phủ" đối với sản phẩm của mình và "đang làm việc chặt chẽ với nhiều cơ quan để triển khai các chương trình thử nghiệm". Trong khi đó, LG nhấn mạnh rằng hãng không biết gì về việc thử nghiệm của Nhà Trắng. BlackBerry chỉ khẳng định lại điện thoại của mình đã được chính phủ Mỹ tin dùng trong nhiều năm qua và "chỉ có BlackBerry mới được thiết kế để đáp ứng nhu cầu bảo mật cao của Mỹ và các đồng minh".
Obama đã dùng iPad để đọc sách và tài liệu từ lâu, còn iPhone thì không nằm trong chương trình thử nghiệm của Nhà Trắng.
Tờ báo Anh quốc The Guardian đánh giá, khi các hãng đối thủ của BlackBerry tăng cường tính năng về bảo mật, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Apple hay Samsung trở thành điện thoại của các tổng thống Mỹ - có thể không trong thời của Obama, mà là thế hệ tổng thống kế tiếp.
Trong khi tổng thống Obama tiếp tục sử dụng BlackBerry thì một số cơ quan chính phủ đã cho phép nhân viên sử dụng iPhone của Apple cũng như các mẫu điện thoại Android của các hãng khác. Hồi năm ngoái, Lầu Năm Góc từng phê duyệt cho phép nhân viên sử dụng điện thoại thông minh của Apple và Samsung.
Đức: Bà Angela Merkel thích Nokia?
Tuy vậy, bà Angela Merkel thường dùng luân chuyển ít nhất 2 điện thoại: một chiếc Nokia nắp trượt 6260 được dùng khi xử lý một số vấn đề liên quan tới Đảng của bà Merkel; riêng với việc xử lý các vấn đề quốc gia, bà Merkel dùng BlackBerry Z10. Theo Bloomberg, sau khi phát hiện bị Cơ quan an ninh Mỹ NSA cài nghe lén điện thoại riêng, bà Angela Merkel đã chuyển sang sử dụng chiếc điện thoại do hãng Secusmart (Đức) chế tạo tùy biến trên nguyên mẫu BlackBerry Z10.
Bí mật công nghệ của Secusmart nằm ở chính chiếc thẻ nhớ microSD được cắm trong smartphone BlackBerry. Trên chiếc thẻ nhớ này có tích hợp một con chip bảo mật có kích thước rất nhỏ và sẽ mã hóa các thông tin khi trao đổi. Hãng bảo mật của Đức bán chiếc BlackBerry siêu bảo mật này với giá khoảng 2.700 USD, không kèm hợp đồng với nhà mạng.
Nga: Putin không bao giờ dùng điện thoại?
Năm 2006, Putin nói ông có rất nhiều điện thoại di động nhưng không mảy may dùng bất kỳ chiếc nào trong số chúng. Lý do là vì vị tổng thống nước Nga không đủ thời gian dùng điện thoại và thích dùng các phương pháp liên lạc, kết nối khác. Nhưng đến năm 2010, Putin lại phát biểu "Tôi chẳng có cái điện thoại nào hết. Nếu tôi có một chiếc điện thoại riêng, chắc là nó kêu cả ngày đấy".
Về nhiều mặt, chứng "sợ công nghệ" của Putin, cựu điệp viên KGB, là một truyền thống có từ trước khi điện thoại ra đời: nỗi sợ bị nghe lén. Trong thời đại Xô-viết, thói quen nghe lén của KGB sinh ra một câu nói phổ biến ở Nga: "Đây không phải là một cuộc nói chuyện điện thoại". "Đây là một thói quen từ thời Xô-viết. Không thứ gì có thể khiến chúng tôi thay đổi nó cả", Andrei Soldatov, một chuyên gia về tình báo tại Moscow khẳng định.
Thậm chí, Putin còn không phải là một "người của thời đại Internet", theo tuyên bố của tờ Time. Tổng thống Putin có vẻ rất ghét Internet: 2 ngày sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, ông khẳng định trong một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nền công nghiệp tại Nga khi được hỏi về các văn bản có trên mạng: "Tôi ít khi nhìn vào đó, vào nơi mà các anh có vẻ đang sống, Internet". Tuyên bố kì quặc này thực ra lại khá trùng khớp với phương thức liên lạc của Putin, khiến tình báo phương Tây khó có thể tấn công ông.
Nguồn The Guardian