Chủ Nhật | 25/05/2014 10:11

Nữ tổng biên tập New York Times mất chức và câu chuyện giới nữ

Quyết định sa thải bất ngờ và không nêu rõ lý do của New York Times khiến dư luận đặt ra nhiều giả thuyết về câu chuyện thực sự phía sau.
The New York Times, tờ nhật báo lớn nhất nước Mỹ, vừa tuyên bố sa thải Jill Abramson, nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này thứ 4 tuần trước (14/5), .

Tuyên bố bất ngờ của New York Times khiến dư luận đặt ra nhiều giả thuyết về lý do thực sự của động thái thay thế bà Jill Abramson, 60 tuổi, người giữ vị trí tổng biên tập của tờ báo từ tháng 8/2011.

Quyết định bất ngờ, gây tranh cãi

Chủ tịch The New York Times, Arthur Sulzberger Jr. đầu tiên cho biết, quyết định thay thế bà Abramson được đưa ra vì "vấn đề quản lý phòng tin tức".

Trong khi đó, tuần trước, một bài báo trên website của tờ The New Yorker cho rằng bà Abramson bị sa thải bởi đòi được trả mức lương bằng với người tiền nhiệm Bill Keller, gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề bình đẳng giới. Phóng viên Ken Auletta của The New Yorker khẳng định rằng bà Abramson bị sa thải sau khi khám phá ra rằng mình được trả lương và phúc lợi thấp hơn người tiền nhiệm và yêu cầu tờ báo thay đổi điều đó.

Tin này đã bị New York Times kịch liệt bác bỏ, cho biết, bà Abramson được trả mức lương cao hơn 10% so với ông Keller tại thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của mình.

Đáp trả các bài báo và cuộc tranh luận ngày càng trở nên gay gắt về việc liệu vấn đề giới tính có đóng vai trò nào trong sự ra đi của Jill Abramson, ông Sulzberger đã phát đi hai thông báo về bà Abramson với nỗ lực nhằm dập tắt tranh cãi. Một thông báo thứ 7 tuần trước, ông Sulzberger viết: "Tôi kết luận rằng bà ấy đã mất đi sự ủng hộ từ các đồng nghiệp trụ cột của mình và không thế lấy lại được nó".

Jill Abramson - cựu tổng biên tập New York Times.
Jill Abramson - nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo danh tiếng New York Times.

Một số bài báo cho rằng bà Abramson có những vấn đề khác, như mối quan hệ mâu thuẫn với chủ báo và tổng giám đốc New York Times Mark Thompson. Dưới sự giám sát của bà Abramson, New York Times từng đưa tin về vai trò của Thompson tại BBC khi liên quan tới tranh cãi về một vụ điều tra bê bối tình dục. Jill Abramson cũng được miêu tả là một người "cộc cằn" và thậm chí "huênh hoang".

Tờ Guardian cho rằng Abramson đã cố gắng tuyển dụng tổng biên tập tại Mỹ của tờ báo này là Janine Gibson, về làm đồng thư ký tòa soạn phiên bản điện tử với Dean Baquet, 57 tuổi, cựu biên tập viên của Los Angeles Times, người giờ đây được chọn thay thế vị trí của bà Abramson. Mặc dù Gibson từ chối lời đề nghị này, nguồn tin từ New York Times cho rằng ông Baquet không hài lòng về hành động đó của bà Abramson.

Theo Page Six, một phần lý do bà Abramson bị sa thải có lẽ là bởi bà đã thay thế một cách có hệ thống các biên tập viên nam bằng các biên tập viên nữ. Tờ báo này chỉ ra rằng, thời điểm tháng 8/2011 khi bà Abramson nhậm chức tổng biên tập, chỉ có 1 biên tập viên nữ trong tổng số 8 biên tập viên hàng đầu của phòng tin tức. Đến tháng 1 năm nay, số biên tập viên nữ đứng mục đã lên tới 4.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính trong nền công nghiệp báo chí, và đặc biệt là với phóng viên của tờ New York Times. Trong số 10 tờ báo lớn nhất nước Mỹ, nghiên cứu chỉ ra, New York Times có mức chênh lệch giới tính lớn nhất, với 69% nhà báo là nam. Tại Los Angeles Times, số tác giả nam là 64%.

Lựa chọn bà Abramson cho vị trí tổng biên tập từng được xem như sự khởi đầu mới cho The New York Times, một tổ chức có truyền thống lựa chọn tổng biên tập là những người đi lên từ văn phòng quốc tế hay quản lý bộ phận Quốc tế hay Đô thị.

Thời gian bà Abramson giữ vị trí lãnh đạo, trong bối cảnh khủng hoảng, New York Times vẫn có kết quả kinh doanh khá tốt. Quý I/2014, New York Times ghi nhận lợi nhuận hoạt động 22 triệu USD trong tổng số 390 triệu USD doanh thu. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của New York Times quý I tăng 2,6%, bao gồm cả mức tăng 3,4% trong doanh thu quảng cáo.

Diễn biến giá cổ phiếu NYT từ tháng 7/2011 đến 1/2014 so với diến biến chỉ số S&P 500
Diễn biến giá cổ phiếu NYT từ tháng 7/2011 đến 1/2014 so với diến biến chỉ số S&P 500

Câu chuyện của nữ tổng biên tập đầu tiên của New York Times

Bà Abramson gia nhập New York Times năm 1997 từ The Wall Street Journal, nơi bà đã là phó trưởng ban và một phóng viên điều tra trong 9 năm. Bà Abramson thăng tiến nhanh chóng tại New York Times, trở thành biên tập viên Washington năm 1999 và trưởng ban năm 2000.

Ông Keller đã chọn bà Jill Abramson cho vị trí thư ký tòa soạn năm 2003 khi ông tập hợp một đội nhằm khôi phục lòng tin với tờ báo sau scandal đạo văn của Jayson Blair. Bà Abramson là một thành viên trong nhóm những người có mâu thuẫn với Howell Raines, người tổng biên tập đã buộc phải ra đi sau khi vụ gian lận của ông Blair được tiết lộ.

Năm 2010, bà Abramson đã tạm gác nhiệm vụ hàng ngày của một thư ký tòa soạn để giúp điều hành hoạt động của tờ New York Times phiên bản trực tuyến, một hành động bà yêu cầu làm để có thể tạo dựng kinh nghiệm đầy đủ hơn và trực tiếp với sự kết hợp của đội ngũ nhân viên báo in và kỹ thuật số.

Nhiều đồng nghiệp tại phòng tin tức của New York Times nhận xét rằng, Abramson là một người có bản năng tuyệt vời với tin tức. Bà đặc biệt nhạy bén với những câu chuyện từ Washington và diễn biến những câu chuyện chính trị. Họ cũng miêu tả bà Abramson nhưng một người sắc sảo và khó đoán, một người vắng mặt ở phòng tin tức nhiều hơn mức cho phép - đặc biệt là trong cơn bão Sandy.

Trong khi các đồng nghiệp nhất trí rằng thật khó khi làm việc cùng với bà, họ cũng thừa nhận một khía cạnh khác. Họ cho rằng bà là một người cực kỳ tử tế và đặc biệt khuyến khích các cô gái trẻ trong phòng tin tức. Nói cách khác, Abramson là một người phức tạp, có lẽ phù hợp với vai trò một phóng viên điều tra hơn là lãnh đạo một phòng tin tức lớn trong thời hiện đại.

Hôm 19/5, bà Jill Abramson xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi bị sa thải tại buổi nói chuyện với các sinh viên đại học Wake Forest University, Mỹ. Bà Abramson cho biết việc làm tổng biên tập tại New York Times là niềm vinh hạnh trong cuộc đời mình và sẽ chẳng đời nào xóa đi hình xăm với biểu tượng chữ T của New York Times.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện