Thứ Năm | 08/05/2014 08:49

"Lời tự thú" của Thomas Friedman tại Việt Nam

Thomas Friedman thừa nhận quy tắc cánh cung vàng McDonald's đã bị cũ, thế giới bên ngoài còn phẳng hơn cả thế giới được nói đến trong cuốn Thế giới phẳng.
Nhà báo quốc tế và nhà bình luận thời cuộc nổi tiếng Thomas Friedman trong buổi đối thoại tại Viện Quản trị Kinh doanh FBS chiều ngày 7/5.
Nhà báo quốc tế và nhà bình luận thời cuộc nổi tiếng Thomas Friedman trong buổi đối thoại tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB chiều ngày 7/5.

Mười ngày trước, nhà báo quốc tế và nhà bình luận thời cuộc nổi tiếng Thomas L. Friedman còn ở thủ đô Kiev của Ukraine. Đây là lần thứ 2 sau 20 năm, ông quay lại thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam. "Tôi thấy khá thú vị vì mình là người duy nhất trên thế giới đi từ Ukraine, nước nằm gần cường quốc Nga, tới Việt Nam - quốc gia cũng có hàng xóm là một con rồng khổng lồ khác, chỉ trong 10 ngày chẵn", ông nói.

Chiều 7/5, tác giả "Thế giới phẳng" - Thomas L. Friedman có buổi đối thoại với học viên chương trình MBA và MiniMBA tại Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) thuộc Đại học FPT.

Tác giả cuốn sách từng gây xôn xao thế giới năm 2004 chia sẻ những điều mà theo ông, "chưa kịp chỉnh sửa và biên soạn vào cuốn sách Thế giới phẳng".
Thế giới phẳng hơn những gì Friedman viết trong cuốn "Thế giới phẳng"

Friedman đưa ra thông điệp quan trọng nhất của ông ngay trong buổi đầu giao lưu : "Điều quan trọng nhất xảy ra đầu thế kỷ 21 chính là sự hợp nhất giữa toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ thông tin, chứ không phải việc Trung Quốc trỗi dậy, đại suy thoái toàn cầu, vụ khủng bố 11/9 hay cuộc hôn nhân William - Kate".

Nhắc tới cuốn sách "Thế giới phẳng", cuốn sách nổi tiếng ở Việt Nam của tác giả, Friedman thừa nhận gần đây ông lật lại cuốn Thế giới phẳng bản đầu tiên năm 2004 và nhận ra rằng, chỉ trong 10 năm, thế giới đã thay đổi quá nhiều khiến những gì viết trong sách không còn bắt kịp. Bước ngoặt lớn nhất là sự ra đời của Facebook và các mạng xã hội tương tự thay đổi hoàn toàn diện mạo Internet.

"Thế giới ngày càng phẳng hơn so với thời tôi viết sách này. Chúng ta chuyển từ kết nối sang siêu kết nối. Quan hệ giữa chúng ta chuyển từ liên kết thành phụ thuộc lẫn nhau chỉ trong vòng 1 thập kỷ".

"Rất tiếc, thời đó tôi không đủ thật thà để viết "thế giới đang trở nên phẳng hơn", thay vì chọn "thế giới phẳng" - thế nên cuốn sách mới bán được 5 triệu bản tại 43 quốc gia đấy", Friedman cười hóm hỉnh.

Quy tắc cánh cung vàng McDonald's đã bị cũ
Hơn 15 năm trước, được Friedman viết trước cuốn Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây Ô liu là cuốn sách về Toàn cầu hóa, mô tả cặn kẽ ưu - khuyết điểm, được -mất của một quá trình tất yếu trong quy luật phát triển.

Trong cuốn sách này, quy tắc cánh cung vàng McDonald's chống xung đột là nhận định đưa ra khi "hai quốc gia cùng có tiệm McDonald's, sẽ không gây chiến chống nhau".

"Song, quy tắc liên quan tới những vòng cung vàng của tiệm McDonald's đang trở nên cũ đi. McDonald's thực ra là hình tượng hóa cho tác động của toàn cầu hóa - đó là toàn cầu hóa khiến tăng gấp bội chi phí mà các quốc gia dùng để gây hấn. Trong thế giới siêu kết nối ngày nay, quy tắc vòng cung vàng McDonald's không đơn giản chỉ như thế - toàn cầu hóa khiến quốc gia gây hấn phải trả giá rất nhanh và rất đắt cho hành động gây chiến", Friedman nói.

"Lấy ví dụ về trường hợp của Nga và bán đảo Crimea. Nga thâu tóm thành công Crimea, nhưng ngay sau đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lệnh trừng phạt với hơn 20 quan chức hàng đầu và 17 công ty của Nga có liên quan đến nhóm thân cận Tổng thống Vladimir Putin và cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngay trong quý I/2014, 60 tỷ đô-la đội nón ra đi khỏi nước Nga", ông khẳng định.

3. Thế hệ trẻ có nhiều ưu thế so với thế hệ già

Tác giả Thomas Friedman đam mê các món đồ công nghệ của Apple. Ông nói "Tôi có thể dành cả ngày để nói về Jobs".
Theo Friedman, trong thế giới siêu kết nối, điều tuyệt vời nhất là trở thành người tiêu dùng thông thái và nhà sáng tạo tài ba. Những giá trị trung bình, năng lực trung bình sẽ sớm bị mai một bởi các ông chủ dễ dàng tiếp cận được với các nguồn lực đảm nhiệm được những công việc này.

"Khi tôi làm việc ở tờ New York Times, có một bài viết về nông trại Mỹ và những con robot biết vắt sữa bò. Người nông dân không cần làm gì ngoài việc điều khiển hệ thống vận hành những chú robot này và cả trang trại sữa bò. Không ai còn ngồi vắt sữa thủ công bằng tay nữa", Friedman chia sẻ.

"Nếu thời trẻ tốt nghiệp ra trường, tôi phải lo đi kiếm việc; thì hiện tại, con gái tôi lại là người tạo ra việc làm. Các bạn trẻ cũng vậy. Các bạn đang nắm giữ những thứ liên tục phát triển: máy tính cá nhân và điện thoại thông minh, công nghệ không dây, các phần mềm xử lý công việc hay tuyệt vời hơn nữa là dữ liệu lớn (Big Data)", Friedman liên tục đưa iPhone và laptop lên để minh họa.

"Qua rồi thời tôi ở Bangalore (Ấn Độ), khi nước Mỹ đến đây để thuê 200.000 kỹ sư giải quyết sự cố Y2K. Ngày nay, Ấn Độ hay Mehico đang giải quyết những vấn đề về tài chính, giao thông, vv..với giá rẻ. Các bạn trẻ đang có phương tiện, có hoài bão và vô vàn ý tưởng - vấn đề ở đây là các bạn có dám làm hay không. Hãy nhìn trường hợp của Alibaba và ông chủ tập đoàn Jack Ma làm ví dụ. 15 năm trước, Alibaba được thành lập dựa trên cơ sở niềm tin và theo đuổi ý tưởng, lý tưởng về những trang web thương mại điện tử đầu tiên của Trung Quốc. Ngày nay, Alibaba đang sẵn sàng cho một đợt niêm yết cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử thị trường Mỹ. Công ty được định giá hơn 100 tỷ USD".

Sau buổi trò chuyện ngày 7/5 tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB, Thomas Friedman gặp gỡ và ăn tối cùng ban lãnh đạo Tập đoàn Viettel. Sáng ngày 8/5, ông có buổi đối thoại với sinh viên tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ông sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với độc giả báo Tuổi Trẻ trong chiều cùng ngày.Từ ngày 9/5 - 10/5, Thomas Friedman ra mắt bản cập nhật của cuốn Thế giới phẳng tại TP HCM, gặp gỡ các nhà kinh tế học hàng đầu và đối thoại với sinh viên tại đây.

Nguồn GAFIN/DVO


Sự kiện