Chủ Nhật | 06/10/2013 15:41

Kỳ cuối: Và một mối tình đẹp nhất

Thời kỳ đầu trở lại Hà Nội, hiện nay tôi không sao nhớ lại cảm giác của mình. Ba tôi đau dạ dày và nằm điều trị tại bệnh viện, lúc ấy gọi là Đồn Thuỷ, nay là bệnh viện 108.

Hai chị em tôi thường mang cơm tới cho ba tôi và đi vào bằng cửa sau, lúc đi và lúc về đều tránh thật xa một đoạn đường ở đấy những người lính mà chúng tôi gọi là Tàu Tưởng, họ ngồi la liệt tay cầm một cành lá và xua ruồi. Không hiểu sao họ bị sâu quảng rất nhiều và được điều trị trong một khu vực riêng của bệnh viện. Rồi mẹ tôi và các em ra Hà Nội. Chúng tôi được ở một biệt thự rất đẹp: biệt thự Les Saules. Anh Văn đã trở về và Bác Hồ cùng các anh khác trong Trung ương thỉnh thoảng vẫn xuống họp, có khi ngồi ngay ngoài vườn, bên cạnh một bên là cái đình tạ mái bằng, có hoa tigôn phủ đầy trên nóc, và bên kia là một cái ao, ven ao là những cây lệ liễu. Tôi và chị tôi khám phá ra nhà kho của chủ nhân cũ: bác sĩ De Massias, bố của Nicole, bạn của chị tôi ở Sầm Sơn. Tôi lại tiếp tục có nhiều sách để đọc và khi ba tôi làm bộ trưởng bộ Giáo dục thì hai chị em tôi thường đi xe tay lên ngôi nhà ở phố Hàng Bài để dự các cuộc họp cho tiện. Lúc đi và lúc về đều đi qua phố Khâm Thiên, một đường phố bình thường mà sao Văn Cao có thể biến thành hư ảo một cách khủng khiếp đến thế trong bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc. Nhưng đấy là để nói về một thời đen tối đã qua. Còn bây giờ đối với một người ngưỡng mộ lý tưởng như tôi, cuộc sống bên ngoài rạng rỡ chưa từng thấy.

Cũng rất êm ả là tình yêu giữa anh Văn và chị tôi. Từ êm ả là một cái gì sáo mòn nhưng tôi thấy đúng như vậy. Bởi vì tình yêu lúc ban đầu thường rất sôi nổi, nhưng chị tôi vẫn thế, vẫn có thì giờ chia sẻ mọi điều với tôi. Chị tôi vẫn dành thời gian cho mọi người và cho mọi hoạt động xã hội. Vả chăng anh Văn cũng rất bận và cũng ít khi có thể về nhà. Còn tôi, tôi cũng rất bận và mối quan tâm lớn nhất của tôi là tham gia các hoạt động của Đội Thiếu nữ Tiền Phong. Nhưng những ngày rất đẹp rồi cũng qua. Những ngày cuối cùng trước kháng chiến, tôi chỉ quan tâm đến việc liệu có được ở lại Hà Nội cùng với các bạn trong Đội Thiếu nữ hay không, tới mức tôi không hề biết rằng đám cưới của chị tôi đã được quyết định, vì anh Văn sẽ lên Việt Bắc, còn gia đình chúng tôi sẽ về Khu Bốn. Hôn lễ đã được tổ chức rất đơn giản ở ngay phòng ngoài của ngôi nhà phố Hàng Bài, chỉ có ông Trần Duy Hưng(1) và bà Thục Viên(2) tham dự. Thật kỳ lạ, tôi đã không nhớ tôi đã chia tay với chị tôi như thế nào, mà chỉ còn nhớ lại ngày cuối cùng tôi ở lại một mình trên gác của ngôi nhà Hàng Bài, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy có một biến cố lớn sắp xảy ra mà tôi không thể làm gì trước biến cố ấy. Tôi sẽ phải ra đi trong khi các bạn tôi ở lại Hà Nội.

Sáng hôm sau, tôi cùng ba mẹ tôi và các em rời Hà Nội, tôi chỉ còn rất ít thì giờ để cảm thấy một chút bâng khuâng. Tôi rời Hà Nội mà không có chị tôi bên cạnh, rời bỏ thành phố và cả thời thơ ấu của tôi nữa. Tôi đã 16 tuổi.

Thực ra tôi chỉ xa chị tôi khoảng bốn năm. Đầu năm 1951, cả gia đình tôi đi bộ ra Việt Bắc, chúng tôi đến Quẵng, đầu tiên ở ngay gần nhà chị tôi, sau chuyển đi cách một đoạn đường. Tôi đã học xong dự bị đại học ở Thanh Hoá và lần đầu tiên xa nhà, tôi đến dạy ở trường Tân Trào gần thị xã Tuyên Quang. Sau ít tháng, ba mẹ tôi lại chuyển trở về Khu Bốn, lần này là về quê nội. Chị tôi đã thống nhất với ba mẹ tôi là sẽ giữ tôi lại ở Việt Bắc. Tôi đã 21 tuổi, cũng đã đến lúc không thể bám theo mẹ tôi mãi. Tôi phải theo nghề nghiệp và cũng như mọi người sẽ phải thành lập gia đình. Tôi di chuyển theo các ngôi trường có thể gần nhất với nơi ở của chị tôi. Mỗi lần có thể, chị tôi đều cho người đến đón tôi về nhà. Chị tôi ở những lán cao và thoáng. Lúc ấy chị tôi đã có hai cháu, cháu thứ hai mới được mấy tháng, tôi thường nằm cạnh nó trông cho nó ngủ và đôi khi nếu có chiến lợi phẩm, tôi lại gặm sôcôla, một thứ thật hiếm hoi thời ấy. Chị tôi rất bận vì vừa phải làm việc ở văn phòng với phải chăm sóc gia đình. Tôi thật khó hình dung cô con gái xưa kia ở Hà Nội là chị tôi lúc bấy giờ đã thành người phụ nữ bận rộn và chịu khó. Chị tôi vẫn chăm sóc tôi và có thể nói chị đã có ý kiến quyết định trong vấn đề hôn nhân của tôi. Anh Văn rất bận nhưng có lúc, anh vẫn đưa cho tôi đọc quyển Trường kỳ kháng chiến của anh Trường Chinh và còn giảng giải cho tôi nữa. Đầu óc lông bông của tôi cách xa những điều ấy hàng trăm dặm. Chỉ có một đêm thức giấc, lúc chừng ba giờ sáng, tôi thấy lán bên cạnh vẫn đang sáng đèn, tôi thấy anh Văn ngồi thức trên bàn làm việc, đôi mắt nâu rất trong của anh vẫn sáng rực. Chắc anh đang đọc một mệnh lệnh rất quan trọng, còn anh thư ký trẻ mắt nhắm nghiền, tay vẫn đánh lia lịa trên máy chữ. Tôi không hề biết là những trận đánh lớn sắp bắt đầu.

Hai vợ chồng tướng Giáp trong một lần đến lớp học tình thương dành cho trẻ lang thang, cơ nhỡ của nghệ sĩ nhân dân Tường Vy. Ảnh: Trần Hồng/SGTT
Hai vợ chồng tướng Giáp trong một lần đến lớp học tình thương dành cho trẻ lang thang, cơ nhỡ của nghệ sĩ nhân dân Tường Vy. Ảnh: Trần Hồng/SGTT
Đến nay đã rất nhiều năm trôi qua. Cuộc đời của mỗi chị em chúng tôi đã trải qua những thăng trầm, những vui buồn như nó vẫn thường có trong cuộc đời mỗi người. Cách đây không lâu, tôi đến chơi với chị tôi. Chị tôi bây giờ ít nói hơn trước nhiều. Chị đang soạn lại những sách báo cũ (như xưa kia chị soạn lại thư và ảnh). Chị dừng lại và nói với tôi: "Chị thương Hồng Anh lắm"(3). Tôi hiểu điều đó, nhưng tôi vẫn nói: "Dù sao Hồng Anh cũng đã ngoài bảy mươi". Chị nói: "Nhưng ba nó vẫn còn sống mà nó đã mất, đó là một điều đau lòng". Trước khi về tôi hỏi: "Cuối cùng thì ý nghĩa cuộc đời là thế nào hả chị?" Chị tôi đáp: "Ý nghĩa cuộc đời của chị là đã có anh Văn". Trên đường về, tôi nhớ lại ước nguyện của chị tôi vào một buổi chiều sau cơn bão ở Sầm Sơn, đã từ lâu lắm. Tôi nghĩ chị tôi vẫn đã đạt tới ước nguyện đó, bởi sự nghiệp không chỉ là phần rực rỡ đầy hào quang, mà có thể chỉ là rất khiêm nhường âm thầm, miễn là có ích; đó vẫn là sự nghiệp cao quý. Tôi nhớ có lần chị tôi đã nói với anh Văn rằng: "Chúng ta vẫn có thể về dạy Sử và tiếng Pháp mà".

Tôi gặp anh Văn ít lâu trước khi anh vào bệnh viện. Anh ngồi trong phòng, anh vừa tập thiền xong, mặt anh thanh thản một cách lạ thường, đôi mắt nâu và to vẫn trong suốt. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt ấy tất cả những gì mà anh đã trải qua trong cuộc đời: những trận đánh, những quyết định khó khăn, nỗi thương xót đồng đội...; còn vinh quang, tôi có cảm giác là anh đã đặt nó ở đâu đấy trong phòng, tôi không biết nữa. Một tâm hồn đủ rộng để dành tất cả cho dân cho nước; (cho đến gần đây, anh cũng đã làm mọi điều anh có thể); nhưng trong tình cảm lại không bỏ sót một ai, anh không bao giờ quên một đứa cháu nhỏ ở xa trong một ngôi làng hẻo lánh. Còn đối với chị tôi, đó là mối tình đẹp nhất mà tôi được biết. Hôm vừa rồi, đứa cháu gái của tôi nói với tôi: cách đây dăm bảy năm, có một lần mẹ nó đến dẫn bà Hà đi cắt tóc. Lúc bà ra đi, ông hỏi: "Mấy giờ Hà về?" Bà Hà trả lời: "Hà sẽ về muộn, anh ăn cơm trước đi". Ông đặt tay lên tay bà và nói rằng: "Anh sẽ đợi". Một mối tình qua bao năm tháng vẫn nguyên vẹn như thời ở Liễu trang.

Tháng 12.2006, chị em chúng tôi mang hoa đến chúc mừng ngày hôn lễ kim cương của anh chị. Anh Văn nói: "Đối với anh, ngày nào cũng là ngày hôn lễ kim cương".

Đặng Thị Hạnh

(1): Ông Trần Duy Hưng (1912 - 1988), thị trưởng Hà Nội đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và là chủ tịch lâu nhất của UBND TP. Hà Nội.
(2): Bà Thục Viên (1903 - 1984), đại biểu quốc hội đầu tiên của Việt Nam, bầu ngày 6.1.1946.
(3): GS.TS khoa học toán - lý Võ Hồng Anh, con gái duy nhất của đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu tiên, nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái, hy sinh ở nhà tù Hoả Lò năm 1944. Võ Hồng Anh sinh năm 1941, mất năm 2009.

Nguồn Sài Gòn tiếp thị


Sự kiện