Thứ Sáu | 04/10/2013 21:03

Chuyện ít biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một huyền thoại đi qua hai thế kỷ nhưng có những điều không phải ai cũng biết về cuộc đời của ông.
Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nói về vị tướng tài ba với những chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống quân xâm lược. Thành công của chiến dịch Việt Bắc, Biên Giới, Điện Biên Phủ…dưới sự chỉ huy của anh cả lực lượng quân đội Việt Nam thì ai cũng biết, nhưng có những chuyện về đời tư, về gia đình riêng của "anh Văn" thì không phải ai cũng biết.

Tuổi thơ dữ dội mà sáng lạn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con thứ năm trong một gia đình nhà nho nghèo làm ruộng.

Võ Nguyên Giáp ra đời vào một mùa lụt, trong một cái lều cất tạm dưới gốc mít to như cổ thụ trong vườn nhà.

Gia đình Võ Nguyên Giáp thuộc diện nghèo trong làng, quanh năm phải vay nợ nặng lãi của các nhà giàu như nhà Khóa Uy, một Hoa Kiều giàu sụ ở làng Tuy Lộc kề bên. Võ Nguyên Giáp đã có lần theo mẹ chèo nock (thuyền) chở ló (thóc) đi trả nợ. Suốt buổi phải ngồi dưới nock trông ló, còn mẹ cậu phải đội ló chạy lên chạy xuống bến giữa trời nắng chang chang.

Cũng như bọn trẻ tinh nghịch trong làng, Võ Nguyên Giáp lúc bé cũng ham chơi, đi chân đất chạy khắp làng để đánh đáo, đánh bi, chơi quay, đánh lộn nhau, đi theo đàn ngỗng, đàn vịt rồi lấy sỏi ném vào chúng cho chúng chạy tán loạn rồi reo ầm lên và cười ngặt nghẽo…

Võ Nguyên Giáp học giỏi, chỉ phải học một năm lớp nhì năm thứ nhất lên thẳng lớp nhất. Bé nhỏ so với các bạn trai cùng lớp, xinh xắn trắng trẻo như con gái. Hai năm học ở trường tiểu học Đồng Hới, luôn đứng đầu lớp và vào kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học cậu đỗ đầu tỉnh. Thời ấy, việc đỗ đầu tỉnh có tiếng tăm lắm. Gia đình hoan hỉ, khi về làng được nhiều người quý trọng.

Để tiếp tục học lên bậc trung học, Võ Nguyên Giáp phải vào tận trong Huế để thi vào trường Quốc học và còn phải khai tăng thêm lên một tuổi mới đủ tuổi thi.

Võ Nguyên Giáp coi thường kỳ thi chuyển cấp này: "Mình là thủ khoa đầu tỉnh, đương nhiên có quyền vào học trường Quốc học. Cả cái xứ Trung Kỳ này có 12 tỉnh và một đạo mà nhà trường tuyển chọn những 90 học sinh cho hai lớp đệ nhất niên, làm gì mà chẳng trúng!".

Vậy mà khi vào thi tuyển, Võ Nguyên Giáp bị rớt. Vì sao? Làm sao lại có thể hỏng thi được? Võ Nguyên Giáp không rõ. Võ Nguyên Giáp đành phải trở lại quê nhà chờ đến kỳ thi sau.

Võ Nguyên Giáp bước vào cổng trường Quốc học vào lúc phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đang sôi sục.
Chuyện chưa kể về Đại tướng
Từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy TƯ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được coi là một trong những danh tướng hàng đầu thế giới nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là người rất dung dị, đời thường. Đằng sau ánh hào quang của chiến trận oai hùng, người ta vẫn gặp một "anh Văn" rất thương vợ, yêu con.

Xuất thân là một giáo viên dạy sử, nhà báo, ông trở thành một chính trị gia và tướng lĩnh quân sự nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn lần đầu với bà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai). Bà Quang Thái trở thành liệt sỹ năm 1946 và để lại một người con gái là Giáo sư Võ Hồng Anh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tái hôn với bà Đặng Bích Hà, con gái Giáo sư Đặng Thai Mai. Bà Hà sinh được 4 người con cùng Đại tướng gồm 2 trai 2 gái. Hiện cả 4 người con này đều rất thành đạt.

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Suốt hơn 40 năm làm việc cận kề Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên - trợ lý thân cận của ông chưa bao giờ thấy Đại tướng cáu bẳn hay to tiếng với vợ con. Mỗi lần có chuyện gì không hài lòng, Đại tướng thường rất nhỏ nhẹ nhắc nhở. Theo Đại tá Nguyễn Huyên, Đại tướng cũng là người hết mực yêu thương vợ con. Tuy một tay bà Hà chăm sóc các con nhưng cụ vẫn là người luôn định hướng, nhắc nhở các con.

Không chỉ ông mà rất nhiều người thân cận đều ấn tượng về tình yêu thương vô bờ bến với con cái của Đại tướng. Ngày Giáo sư Võ Hồng Anh, con gái của Đại tướng ra đi mãi mãi (năm 2009) thì Đại tướng đang nằm điều trị trong Bệnh viện 108. Ấy là do trong một lần đi họp, cụ bị vấp phải cái thảm nên bắt đầu vào nằm điều dưỡng trong Bệnh viện 108. Khi ấy cụ còn khá khỏe. Lúc cô Hồng Anh bắt đầu bị bệnh, cả nhà lo lắng nhưng giấu Đại tướng. Đến hôm cô mất, cả nhà vẫn không ai nói cho cụ biết nhưng chẳng hiểu linh tính sao, Đại tướng cứ hỏi đi hỏi lại một câu là ở gia có chuyện gì không. Có lẽ, bằng trực giác của người cha mà Đại tướng đã linh tính có việc gì đó. Cho đến hôm sau thì gia đình mới quyết định cho cụ biết vì không thể giấu mãi.

Đại tá Nguyễn Huyên cũng kể khá nhiều về sở thích của Đại tướng. Ông sống khá giản dị và có thói quen ăn uống không cầu kỳ. Món mà Đại tướng thường xuyên ăn nhất là thịt kho trứng. Ông cũng thích nhiều món ăn có xuất xứ từ quê hương Quảng Bình như bánh đa xúc hến, sò huyết nướng và bánh bèo. Đây là những món mà lần nào về quê ông cũng ăn.

Một sở thích nữa của Đại tướng là trồng phong lan nên đến giờ trong vườn nhà vẫn còn hàng trăm giò phong lan. Chỉ tiếc rằng, chủ nhân của những giò lan ấy giờ không còn có thể trực tiếp hàng ngày chăm sóc, tưới tắm và ngóng đợi từng bông hoa bừng nở nữa.

Nguồn Người Đưa Tin


Sự kiện