Thứ Bảy | 03/08/2013 17:16

Chuyện anh Việt kiều Đức bỏ nước Mỹ về làm ở Đà Nẵng

Trợ lý giám đốc ẩm thực của khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Đà Nẵng, một người thích ăn rau muống xào tỏi hơn đồ ăn Tây, chia sẻ về chuyện của anh.
Tháng 5 vừa qua, khu nghỉ dưỡng hạng sang Hyatt Regency Đà Nẵng bổ nhiệm một vị trí chủ chốt mới - Trợ lý giám đốc ẩm thực. Một Việt kiều Đức tên Phạm Quốc Hùng đảm nhiệm vị trí này. Hùng nói sõi giọng miền Nam nhưng nghe không hiểu giọng miền Bắc. Thoát ly Việt Nam khi mới 6 tuổi; 30 năm sau, Hùng chọn về làm việc ở Đà Nẵng.

Đón chúng tôi trong một buổi trưa nắng mát và đặc mùi biển của vùng ngoại ô Đà Nẵng, Quốc Hùng xuất hiện trong đồng phục dành cho nhân viên tại khu nghỉ mát. Anh nói ở đây từ nhân viên cho đến quản lý cao cấp hay giám đốc, đều mặc đồng phục áo đũi trắng và quần tối màu như vậy.

Quốc Hùng nói anh muốn làm cho chuỗi khách sạn danh tiếng Hyatt, một trong top 3 thương hiệu hàng đầu trong ngành khách sạn (gồm chuỗi khách sạn Four Season, Hyatt và Shangri-la). Nhưng đây không là lý do khiến anh rời cả nước Mỹ lẫn nước Đức để về làm việc tại Hyatt Đà Nẵng.

Phạm Hùng, Trợ lý Giám đốc Ẩm thực của khu nghỉ mát hạng sang Hyatt Regency Đà Nẵng. Phạm Hùng, Trợ lý Giám đốc Ẩm thực của khu nghỉ mát hạng sang Hyatt Regency Đà Nẵng.
Phạm Quốc Hùng, Trợ lý Giám đốc Ẩm thực của khu nghỉ mát hạng sang Hyatt Regency Đà Nẵng.

Điều gì đưa anh tới với Hyatt Regency Đà Nẵng giữa nhiều khu nghỉ mát danh tiếng ở đây và sau chuỗi thời gian anh công tác tại những cái tên nổi tiếng như W Hotel, Sheraton Crytal City () và Grand Hyatt Berlin?
Quốc Hùng: Hùng muốn làm việc cho top 3 ông lớn trong ngành khách sạn thế giới, gồm Hyatt, Four Seasons và Shangri-la. Thực ra một phần lý do Hùng chọn công tác ở đây vì trước đó từng làm cho Hyatt. Thêm nữa, Hùng muốn về học hỏi và mở mang thêm kiến thức ở quê hương Việt Nam. Làm trong ngành công nghiệp khách sạn, ẩm thực nên mình hiểu tình hình chung của toàn thế giới và nhất là ở Á châu. Riêng tại Việt Nam, chỉ trong vài năm nữa thôi, công nghiệp du lịch sẽ là một trong những ngành hàng đầu.

Anh được biết đến là một trợ lý giám đốc ẩm thực (Assitant Director of Food & Beverage) tại Hyatt Regency Đà Nẵng. Công việc cụ thể của một trợ lý giám đốc ẩm thực là gì?

Quốc Hùng: Nhúng tay vào mọi việc liên quan tới ngành ẩm thực và nhà hàng, từ chuyện nhỏ tới lớn: từ nấu món ăn, tạo thực đơn, quản lý dịch vụ hay việc thay chiếc bóng đèn trong nhà hàng. Nếu mình ghi danh sách công việc ra, chắc dài hơn cả cuốn sách hơn 200 trang này (Cười và chỉ cuốn sách trên mặt bàn cafe anh ngồi). Vì muốn toàn bộ khu vực này hoàn hảo ở mức tốt nhất có thể nên Hùng giám sát hầu như mọi việc ở đây. Số lượng công việc và trách nhiệm như là của một phó giám đốc hơn là một trợ lý thuần túy như chức danh "Assistant (Trợ lý)" ghi trong name card.

Vậy anh báo cáo công việc của mình với ai?

Quốc Hùng: Hùng báo cáo trực tiếp cho Giám Đốc Ẩm Thực của khách sạn (hiện nay là ông Niklas Wagner).

Ở Việt Nam, chức danh "Trợ lý giám đốc ẩm thực" không được nhiều người biết đến như "CEO", "trợ lý" hay "quản lý nhà hàng". Theo Hùng thì trên thế giới, người ta hiểu về chức danh và công việc này cụ thể như thế nào?

Nhiệm vụ của Hùng là giám sát toàn bộ các nhà hàng, phụ trách về ẩm thực cho các sự kiện của khách hàng tổ chức tại khách sạn và thay mặt Giám Đốc Ẩm Thực quản lý nhân viên và điều hành các hoạt động của Bộ Phận Ẩm Thực.

Trên thế giới chức danh này rất phổ biến trong ngành khách sạn. Và tôi nghĩ khi Việt Nam phát triển hơn, những công việc như vậy cũng sẽ trở nên phổ biến hơn.

Trong công việc của mình, điều gì Hùng coi là thử thách lớn nhất? Anh nói mình chưa có ý định mở nhà hàng riêng trong những năm tới, muốn tiếp tục làm cho Hyatt. Vậy ngoài ra, những mục tiêu sắp tới trong công việc của Hùng là gì?

Thách thức lớn nhất trong công việc của Hùng là đảm bảo dịch vụ đạt đúng tiêu chuẩn của thương hiệu Hyatt và phải nhất quán. Cụ thể nhân viên trong bộ phận không chỉ làm hài lòng khách trong hôm nay mà phải đảm bảo khi khách quay lại họ cũng được hài lòng như các lần trước.

Hùng yêu thích thương hiệu Hyatt và muốn gắn bó lâu dài với tập đoàn. Ở Hyatt, Hùng có nhiều cơ hội để học hỏi. Không chỉ từ va chạm thực tế khi làm việc mà tập đoàn có kế hoạch phát triển nhân lực rất tốt.

Hai mục tiêu lớn mình muốn làm được trước mắt là thứ nhất đào tạo một đội ngũ nhân viên tốt nhất cho bộ phận ẩm thực; thứ hai đa dạng và tạo sự đặc sắc riêng cho sản phẩm của bộ phận mình.

Thành tựu nào trong công việc khiến Quốc Hùng tự hào nhất? Điều gì khiến anh thấy thất vọng nhất?

Gần đây nhất, khi còn công tác ở W Hotel Washington DC, nhà hàng của mình nổi tiếng với loại thức uống riêng của nhà hàng và đạt mức doanh thu hàng đầu trong các khách sạn của tập đoàn Starwood.

Trong công việc Hùng luôn biến những thất bại thành bài học và mọi khó khăn là thách thức để mình rèn luyện và trưởng thành. Hùng không cảm thấy thất vọng bao giờ vì theo mình bao giờ cũng có một điều gì đó hay để học từ đó.

Công việc đầu tiên liên quan tới ngành ẩm thực anh làm là gì? Anh có câu chuyện nào về nó không?

Quốc Hùng: Hồi nhỏ còn đi học, mình làm bồi bàn và bartender bán thời gian. Lúc đó đi làm để kiếm thêm tiền, sau đó làm ở đủ các loại nhà hàng: nhà hàng Ý, Tàu, Âu và nhiều các loại bar, bar nhảy hay bar nhà hàng đều có. Sau này biết mình muốn làm nghề ẩm thực "ra trò", mình bắt đầu đi học nghề vì ở Đức, bạn phải đi học nghề 3 năm trước khi xác định làm nghề gì nghiêm túc.

Anh có thể chia sẻ chút thông tin cá nhân. Anh học ở đâu? Học những gì và đã làm gì?
Quốc Hùng: Hùng học phổ thông bình thường ở Đức 13 năm. Sau đó đi học nghề khách sạn 3 năm, rồi bắt đầu đi làm. Tiếp đó mình đi học cử nhân chuyên về Hospitality Management (Quản lý khách sạn). Lúc học cử nhân xong, mình đi làm ở Grand Hyatt Berlin, rồi bắt đầu qua Mỹ làm cho W Hotel và Sheraton Crytal City.

Để mô tả khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Đà Nẵng, anh sẽ dùng những từ nào?

Quốc Hùng: Đẹp, thư giãn, lý tưởng để nghỉ dưỡng.

Khi còn là một cậu bé, anh muốn sẽ trở thành người như thế nào?

Quốc Hùng: Phi công. Hồi nhỏ mình mơ lớn làm phi công. Tên tiếng Anh của mình là Jet Phạm có chữ Jet (nghĩa tiếng Việt: máy bay) và mình đã dùng tên này từ lâu rồi (cười).

Anh rời Việt Nam từ năm 6 tuổi. Nếu so món cà muối, rau muống với ẩm thực Tây phương, anh thích bên nào hơn?

Quốc Hùng: Thích món rau muống xào tỏi. Tuy từ nhỏ qua nước ngoài nhưng mẹ hay nấu đồ ăn Việt cho cả nhà ăn và mình cũng hay ăn cơm bình dân. Ở bên Đức nguyên liệu nấu ăn gì cũng có, tuy không nhiều như bên Mỹ. Thành ra cứ đi chợ có đủ hết và hầu như là mình tự nấu.

Nếu làm nghề này, anh sẽ làm nghề gì?

Quốc Hùng: Sống từ nhỏ tới lớn ở Đức, sau theo công việc mình đi làm ở Tây Ban Nha, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập và hiện tại Việt Nam là nước thứ 5. Nếu không làm nghề này chắc làm phi công, vì từ nhỏ muốn thế.

Anh làm gì vào thời gian rảnh rỗi?

Quốc Hùng: Hùng hay đọc Kinh thánh, hồi nhỏ thì cứ rảnh là đọc tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer. Hiện tại, nếu rảnh thì mình chơi bóng rổ hoặc đi dạo biển. Ngoài ra thích lang thang tìm hiểu các món Việt Nam đặc trưng và đậm tính bản địa vì muốn hiểu thêm về ẩm thực Việt. Nếu không ăn trưa tại nơi mình làm việc (Hyatt) thì sẽ ra ngoài ăn để tìm hiểu ẩm thực Đà Nẵng và Việt Nam.

Cảm ơn anh!.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện