Thứ Hai | 14/10/2013 11:52

Báo chí quốc tế xúc động trước dòng người 50 km tiễn Đại tướng

Hàng chục nghìn người Hà Nội đã đổ ra các tuyến phố cho đến tận sân bay Nội Bài để tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Quảng Bình.
Hàng chục nghìn người dân thủ đô Hà Nội đổ ra đường để tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy các chiến dịch lịch sử đánh bại quân đội Pháp, Mỹ và trở thành một trong những nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc nhất của thế kỷ 20, Reuters viết.

Đám đông xếp hàng nhiều giờ đồng hồ, trên khắp các con phố Hà Nội, đem theo di ảnh và hoa, tạo thành dòng người dài suốt 30-40 km trên đường ra đến sân bay Nội Bài. Quan tài của Đại tướng được phủ quốc kỳ, đặt trên chiếc xe quân sự, đi qua trong sự thương tiếc của dòng người đưa tiễn. Thi hài ông sau đó được an táng tại quê nhà Quảng Bình.

Đài truyền hình và phát thanh của nhà nước phát đi bản nhạc đau thương để đưa tiễn người mà nhân dân gọi là "người anh cả" của quân đội và là huyền thoại của đất nước.

Dòng người xếp hàng dọc theo chặng đường mà linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua. Ảnh: AFP
Dòng người xếp hàng dọc theo chặng đường mà linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua. Ảnh: AFP

Hãng tin lớn khác của Anh, BBC, cũng đưa tin trang trọng về lễ Quốc tang của Việt Nam và Đại tướng đã an nghỉ ở quê hương Quảng Bình. Tại Quảng Bình, các binh sĩ và công nhân đã gấp rút hoàn thành con đường đi vào ngôi chùa bên núi, nơi an táng Đại tướng.

Phóng viên BBC mô tả, sau khi đoàn xe đi qua, nhiều người lớn tuổi vẫn ở lại, lần lượt chia sẻ những bức ảnh đã nhạt màu của họ thời trẻ chụp chung với vị tướng huyền thoại trong những năm tháng chiến đấu hoặc trong những nơi người tới thăm. "Rất nhiều người Việt Nam kính trọng Tướng Giáp, chỉ sau vị cha già lập quốc Hồ Chí Minh", BBC viết.

AFP đăng hình ảnh nhiều người dân quỳ xuống và hô vang "Đại tướng sống mãi" trong đoàn người xếp hàng dọc hai bên đường kéo dài suốt 50 km từ nhà tang lễ Quốc gia ở trung tâm Hà Nội kéo dài đến sân bay Nội Bài. Hãng tin nói đây là một cảnh tượng chưa từng thấy kể từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời bốn thập kỷ trước.

"Đại tướng là nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc, đóng góp vô cùng to lớn vào sự thành công của cách mạng Việt Nam", AFP dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết trong sổ tang. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ký tên trong sổ tang Đại tướng.

Người thân trong gia đình Đại tướng mặc đồ đen, đứng gần đó trong khi cả nhà tang lễ chìm trong không khí tiếc thương và khói hương nghi ngút. Phía bên ngoài, những cựu chiến binh gắn huân chương đầy ngực cho đến những thanh thiếu niên mặc chiếc áo in hình Đại tướng đều mong được tiễn biệt Đại tướng lần cuối.

"Tôi không thể ngủ được, tôi đã đến đây từ sớm để nhìn thấy ông lần cuối cùng. Đại tướng là một người vĩ đại, tài giỏi và có tâm hồn cao cả. Tôi đã khóc khi Bác Hồ mất, và bây giờ tôi khóc vì Đại tướng", bà Nguyễn Thị Bảy, 68 tuổi, nói với AFP.

Các hãng tin lớn khác như Xinhua, AP, Wall Street Journal, Ifeng... cũng đều có bài đưa tin và hình ảnh về lễ Quốc tang của Việt Nam với các tiêu đề "Việt Nam tổ chức Quốc tang vị khai quốc công thần Võ Nguyên Giáp" (Ifeng), "Việt Nam để tang vị danh tướng chống Mỹ" (Xinhua), "Hàng nghìn người tiễn đưa vị anh hùng Việt Nam" (AP)...

Phóng viên ảnh của AP cũng ghi lại được những hình ảnh người dân xúc động gục khóc khi tiễn biệt Đại tướng lần cuối, hay khoảnh khắc linh cữu Đại tướng đi qua Lăng Hồ Chủ tịch, được coi là lời chào từ biệt của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi về an nghỉ tại địa điểm bên bờ Biển Đông, Vũng Chùa - Đảo Yến, tỉnh Quảng Bình.

Nguồn VnExpress


Sự kiện