Ăn trưa cùng Samantha Power: Nữ đại sứ Liên Hợp Quốc trẻ tuổi nhất của Hoa Kỳ
Có lẽ, Samantha thừa hưởng cái khí chất nồng hậu từ gốc gác Ailen của mình, bên cạnh sự hoạt ngôn và cả nét vui tươi, dí dỏm. “Chạy khỏi văn phòng một lúc thật là hay quá”, cô vui vẻ nói và thân thiện gọi người bồi bàn.
“Tôi đói quá”, cô nói. “Chồng tôi khoái quán này lắm bởi vì anh ấy ghét chỗ nào dùng khăn trải bàn trắng” (quán Crave Fishbar không phủ khăn trên mặt bàn!).
Bữa trưa đó, Samantha quyết định gọi món súp súp-lơ và cá amberjack ướp kiểu Carolina. Khi tôi hỏi rằng liệu tôi có thể gọi cô là “Bà đại sứ” trong suốt buổi trò chuyện, cô khẳng định: “Hãy gọi tôi là Samantha!”.
Samantha Power sinh tại Castleknock, Ailen và đã cùng mẹ mình – một bác sỹ - di cư đến Mỹ từ năm 9 tuổi. Cô vẫn còn giữ được đôi chút thổ âm Ailen trong giọng nói của mình.
“Chắc chắn vùng ngôn ngữ có nhiều chỗ phức tạp. Hồi học tiếng Tây Ban Nha, chút gì còn sót lại của ngôn ngữ Ailen đã bị xóa sạch trong đầu tôi. Sau đó tôi chuyển qua học tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha phần nào bị quên lãng. Đến lúc học tiếng Croatia, tiếng Đức lại bị ảnh hưởng. Thành ra năng lực ngôn ngữ của tôi cũng hơi bị lộn xộn”, cô giải thích một cách dí dỏm.
Thế nhưng, với tấm bằng giáo sư Harvard cùng một giải thưởng danh giá của Pulitzer, nữ đại sứ của chúng ta hẳn không “lộn xộn” chút nào. Trước mắt tôi lúc đó, là một phụ nữ với đôi mắt sáng ngời, vững vàng với sứ mệnh cô đã mang trong tim kể từ ngày làm phóng viên chiến trường ở những vùng đất đẫm máu của Bosnia và Rwanda – đó là bảo vệ quyền con người. Cuốn sách đầy ám ảnh của cô, mang tên “Vấn đề của Địa ngục: Nước Mỹ và kỷ nguyên của nạn diệt chủng” đã trở thành bản cam kết hùng hồn nhất cho sứ mệnh thiêng liêng này.
Hiện Samantha sinh sống và làm việc tại New York cùng chồng và hai con, tại một tư dinh chuyên biệt dành cho đại sứ Liên Hợp Quốc (LHQ) tại khách sạn Waldorf-Astoria. Đến đây, Samantha kể cho tôi nghe một chuyện khá ngộ.
Số là sau khi đảm nhận vị trí đại sứ được vài tháng, chồng của cô – vốn là một giáo sư luật tại Harvard và có tên “cúng cơm” là Cass Sunstein – than phiền về việc cứ bị nhân viên khách sạn gọi là “Ông Power” (gọi theo tên vợ). “Thật ra chuyện này cũng khó tránh mà, bạn biết đấy, với phụ nữ làm đến cái chức này thì…” Samantha than thở. Vậy nên một buổi sáng, “ông Power” đã nói thẳng với chàng nhân viên: “Này cậu, tên tôi là Cass, nhưng nếu muốn cậu cứ gọi tôi là ông Sunstein, thế là được rồi!”Anh nhân viên khách sạn, trái với kỳ vọng, đã lắc đầu và tỏ ra kinh ngạc: “Thật không thể tin được! Ông giống ông Power thật đấy!”
Và rồi, xen giữa những tiếng cười sảng khoái trong suốt bữa trưa, là những câu chuyện về công việc của một Đại sứ LHQ. Thường thì Samantha phải làm việc đến đêm và luôn sẵn sàng bắt máy 24/24.
“Tôi có thể ngủ đến chết nếu có cơ hội ấy chứ, nhưng đúng là công việc bận bịu quá.” Tôi nói với cô: hẳn các cuộc đụng độ ở Ukraina đã lấy đi rất nhiều thời gian bên con cái của chị, và Samantha thành thực thừa nhận “Đúng vậy đấy. Đôi khi có những thứ rất quý giá mà ta phải hi sinh”.
Bằng chất giọng thân thương trìu mến, cô nhắc đến cậu con trai 5 tuổi Declan và cậu út 2 tuổi Rian, cùng nỗ lực của bản thân trong việc cân bằng thời gian dành cho công việc và gia đình. Hiện tại, Samantha cũng có đôi chút lo lắng cho hai cậu con trai bé bỏng, sợ rằng chúng sẽ khó thích ứng với việc sống tại khách sạn hạng sang dài ngày và di chuyển trong thành phố với chiếc SUV bọc thép. “Dù sao thì, bạn biết đấy, ngày còn bé tôi cũng phải quen với việc mẹ mình bận rộn với các cuộc điện thoại công chuyện suốt, chỉ là giờ các cuộc điện thoại của tôi bây giờ hơi khác của mẹ tôi.”
Trong buổi trò chuyện, Samantha cũng cho biết là ngay sáng hôm đó, cô vừa phải cố gắng thương lượng một giải pháp hòa bình mới cho các cuộc xung đột và tàn sát ở Nam Sudan.
Sau bữa trưa, cô sẽ phải quay lại trụ sở LHQ để tham gia một cuộc họp chính sách liên quan đến các phiến quân ở Afghanistan. Nhưng liệu những kiến giải của LHQ có thực sự mang đến những đổi thay tích cực cho cái thế giới đang ngày càng chia rẽ và bất ổn mà chúng ta đang sống? Tôi hỏi cô: có phải chúng ta đang trên bờ vực của khủng hoảng, khi Assad đang không ngừng những cơn tàn sát chính đồng bào Syri của mình, khi Putin chẳng ngại ngần phô bày sức mạnh cường quốc, khi Iran trở nên khó đoán với tiềm lực hạt nhân, khi những cuộc đối thoại hòa bình giữa Israel-Palestin còn chưa ngã ngũ, và khi bóng đen của chủ nghĩa khủng bố al-Qaeda vẫn bao trùm khắp hành tinh.
Rất nhẹ nhàng, Samantha nói với tôi: “Vậy để trả lời cho câu hỏi của bạn, xin hãy trả lời một câu hỏi của tôi. Nếu chúng ta không làm những việc chúng ta đang làm, theo bạn chúng sẽ phải làm gì thay thế?”
Và rồi, nữ đại sứ kết thúc câu chuyện bằng một niềm tin không thể nào lay chuyển: “Đối với tôi, tuyệt vọng không bao giờ là một lựa chọn. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là: chúng ta có thể làm gì để khiến cuộc đời của một người khác trở nên tốt đẹp hơn? Hãy hình dung đến những con đường kinh hoàng mà tôi đã bước đi ở Bosnia hay Rwanda trước đây, và những cải thiện tốt đẹp đang diễn ra tại hai quốc gia này. Có thể những cải thiện đó còn quá bé nhỏ, nhưng đó đã là những điều trước đây tôi chưa từng dám mơ tới.
Còn nếu những nỗ lực mà ta bỏ ra không đem lại kết quả ư? Ít ra, chúng là động lực giúp ta thức dậy mỗi sáng và nhủ lòng: Được rồi, hôm nay mình sẽ cố tìm cách khác.”
Nguồn GAFIN, Vanity Fair/DVO