Thứ Hai | 05/05/2014 16:02

5 cuốn sách nổi bật của Thomas Friedman

Cùng điểm lại 5 cuốn sách xuất sắc của Thomas Friedman, người gây xôn xao thế giới với khái niệm Thế giới phẳng.
Tác giả Thomas Loren Friedman.
Tác giả Thomas L. Friedman, người từng ba lần đoạt giải Pulitzer, là niềm tự hào của The New York Times nói riêng và của toàn nước Mỹ. Thomas Friedman chủ yếu viết về đề tài đối ngoại bao gồm thương mại toàn cầu, Trung Đông và các vấn đề môi trường.

Con số những bài viết và các cuốn sách của Friedman được phát hành lên tới hàng triệu bản trên toàn thế giới. Thường các bài viết của ông được đăng trên khoảng 700 tờ tạp chí. Thậm chí có nhiều bài còn được dịch ra tiếng Ả rập và đăng tải trên các tờ báo hàng đầu của quốc gia này.

Tên tuổi của Friedman đã trở nên rất nổi tiếng ở Trung Đông. Gail Collins, biên tập của The New York Times ví von rằng: “Đi cùng với Thomas đến Trung Đông chẳng khác nào được đi mua đồ cùng Britney Spear”. Trong khi đó, Ernesto Zedillo, cựu tổng thống Mehico ca ngợi: "Fried không chỉ là một người có tư duy thiên tài, một nhà quan sát nhạy bén mà còn là một cây viết xuất chúng”.

Dưới đây là 5 tác phẩm nổi bật của Thomas Friedman:

1. Chiếc Lexus và cây ôliu

Ảnh: Bìa sách Chiếc Lexus và cây ôliu (nguyên tác: The Lexus and the Olive Tree). Bản dịch tiếng Việt do NXB Khoa Học Xã Hội và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện - 2005.
Chiếc Lexus và cây ôliu (nguyên tác: The Lexus and the Olive Tree). Bản dịch tiếng Việt do NXB Khoa Học Xã Hội và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện - 2005.

Là một cây bút bình luận quan hệ quốc tế của tờ New York Times, Thomas Friedman có điều kiện đi khắp thế giới, tiếp xúc với đủ loại người, chứng kiến những biến cố lịch sử. Từ những kinh nghiệm ấy, Friedman đã viết cuốn Chiếc Lexus và cây ôliu, in lần đầu vào năm 1999 và ngay lập tức trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất, được bàn tán nhiều nhất về toàn cầu hóa.

Chiếc Lexus Và Cây Ôliu là cuốn sách kinh tế đậm chất học thuật về Toàn cầu hoá, nhưng xa hơn, nó còn là những mô tả cặn kẽ với đầy đủ ưu, khuyết điểm, được, mất của một quá trình tất yếu trong quy luật phát triển.

Bình luận về cuốn sách này, tờ New York Times viết "Cuốn Chiếc Lexus và cây ô liu đưa ra giải đáp hay nhất (và lý thú nhất) cho câu hỏi ‘Toàn cầu hoá là gì?'. Frieldman biết cách giải thích những điều cao siêu trong kỹ thuật và tài chính bằng những hình ảnh sinh động cùng lối so sánh rất thuyết phục... Frieldman không chấp nhận những giải đáp hiển nhiên. Ông cũng không phóng đại những nhận định của mình khi không có đủ chứng cứ - điều này đã tăng cường hơn nữa tính học thuật cho một cuốn sách vốn dĩ đã rất hay và dễ đọc".

2. Thế giới phẳng

Ảnh: Bìa sách Thế Giới Phẳng (nguyên tác: The World is Flat). Sách do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản. Người dịch: Nhiều tác giả.
Bìa sách Thế Giới Phẳng (nguyên tác: The World is Flat). Sách do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản. Người dịch: Nhiều tác giả.

Cuốn sách "Thế giới phẳng" nằm trong danh sách những quyển sách bán chạy nhất của The New York Times kể từ khi xuất bản vào tháng 4/2005 đến tháng 5/2007. Năm 2005, cuốn Thế giới phẳng được trao Giải thưởng Cuốn sách hay nhất trong năm do Financial Times và Goldman Sachs Business bình chọn.

Được xem như sự tiếp nối của cuốn sách "Chiếc Lexus và cây ôliu", cuốn sách diễn tả một hiện tượng mới về xã hội và kinh tế do cuộc cách mạng Internet và công nghệ thông tin (IT) mang lại.

Giả thuyết của Friedman là sự lan tỏa cùng khắp những thông tin và kiến thức nhanh chóng qua Internet đã san bằng mọi cách biệt về lợi thế kinh tế giữa các quốc gia, giữa các thể chế chính trị, và giữa các tầng lớp nhân dân. Kết quả là một thế giới phẵng lì, không còn rào cản vả bất cứ ai cũng có thể nắm bắt những cơ hội mới do công nghệ mới tạo dựng.

3. Nóng, Phẳng, Chật

Ảnh: Bìa sách Nóng, Phẳng, Chật (nguyên tác: Hot, Flat and Crowded). Sách do Nhà xuất bản Trẻ TP. HCM xuất bản và phát hành năm 2009. Dịch giả: Nguyễn Hằng.
Bìa sách Nóng, Phẳng, Chật (nguyên tác: Hot, Flat and Crowded). Sách do Nhà xuất bản Trẻ TP. HCM xuất bản và phát hành năm 2009. Dịch giả: Nguyễn Hằng.

Đây là tác phẩm nổi tiếng thứ ba của Thomas Friedman.

Trong cuốn sách này, Friedman đưa ra một cách nhìn mới về hai trong số những thách thức lớn nhất mà hiện nay nước Mỹ đang đối mặt: Đó là khủng hoảng môi trường toàn cầu và việc Mỹ đánh mất trọng tâm và mục tiêu quốc gia một cách đáng ngạc nhiên kể từ sau sự kiện 11/9.

Cuốn sách mô tả về vị thế hiện nay của nước Mỹ và cho thấy giải pháp của hai vấn đề này có quan hệ với nhau như thế nào: Làm sao để vừa phục hồi thế giới đồng thời lại vừa tái sinh được nước Mỹ.

Friedman lý giải sự nóng lên của trái đất, dân số tăng nhanh và tầng lớp trung lưu trên thế giới đang phát triển mạnh, vốn là hệ quả của quá trình toàn cầu hóa, đang góp phần tạo ra một hành tinh “nóng bức, bằng phẳng và chật chội” như thế nào.

4. Từ Beirut đến Jerusalem

Ảnh: Bìa sách Từ Beirut đến Jerusalem (nguyên tác: From Beirut to Jerusalem). Bản tiếng Việt do AlphaBooks và NXB Thế Giới xuất bản và phát hành.
Từ Beirut đến Jerusalem (nguyên tác: From Beirut to Jerusalem). Bản tiếng Việt do AlphaBooks và NXB Thế Giới xuất bản và phát hành.

Độc giả Việt Nam thường biết tới tên tuổi Thomas Friedman qua ba cuốn sách: Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây Olive, và cuốn Nóng, phẳng, chật. Nhưng Từ Beirut đến Jerusalem mới chính là cuốn sách đầu tiên làm nên tên tuổi Thomas Friedman và mang về cho ông giải Pulitzer. Cuốn sách ra mắt năm 1989 đã đoạt Giải sách quốc gia Mỹ, đưa cái tên của ông vào trí nhớ của bạn đọc quốc tế.

Từ Beirut tới Jerusalem có gần 900 trang, cuốn sách như cuốn hồi ký và cũng là một cuốn từ điển thời sự về Trung Đông, mở ra cho bạn đọc một cái nhìn mới và thấu đáo về một vùng đất xung đột triền miên qua cách kể chuyện sâu sắc của Thomas Friedman sau mười năm tác nghiệp ở Trung Đông trong vai trò phóng viên Hãng tin UPI và sau này là phóng viên nhật báo New York Times.

Theo Tạp chí phố Wall thì đây là “Một cuốn sách hướng dẫn lấp lánh trí tuệ… Một chuyến đi thú vị không thể bỏ lỡ”.

5. Từng là bá chủ

Ảnh: Bìa sách Từng là bá chủ (nguyên tác: That Used To Be Us). Bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản và phát hành năm 2012. Người dịch: Nhiều tác giả.
Bìa sách Từng là bá chủ (nguyên tác: That Used To Be Us). Bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản và phát hành năm 2012. Người dịch: Nhiều tác giả.

Tác giả mở đầu cuốn sách dày hơn 400 trang bằng bối cảnh Thiên Tân, Trung Quốc và bắt đầu so sánh với nước Mỹ. Friedman và Mandelbaum vẽ ra một hình ảnh Trung Quốc phát triển vượt bậc, trở thành một đối thủ đe dọa nghiêm trọng vị thế của nước Mỹ, trong khi đó, nước Mỹ ngày càng lạc hậu, thụt lùi nhưng vẫn dương dương tự đắc về vị trí số một của mình.

Quyển sách là một phiên bản đen tối hơn nhiều của Thế giới phẳng. Nước Mỹ đang thất thế, bởi nó không còn đánh giá cao giáo dục đúng mức, bởi các phương tiện truyền thông không còn muốn đối mặt với những sự thật tàn nhẫn, bởi quá nhiều công nhân, nhà quản lý và tổng giám đốc điều hành coi công việc và những gì họ được hưởng là mặc nhiên, bởi giới chính trị thiển cận, và còn nhiều lý do khác.

Tuy nhiên, hai tác giả cũng tự mô tả mình là “những người lạc quan nản chí” và đưa ra nhiều ví dụ về những trường học xoay xở để lật ngược tình thế, những nhà chính trị nhận thức được sự điên rồ của nền chính trị Mỹ. Các tác giả cố gắng tự lạc quan và làm cho độc giả lạc quan về tương lai của nước Mỹ. Họ hy vọng cuốn sách như một sự cảnh báo, một lời hiệu triệu người Mỹ đoàn kết, hy sinh cá nhân để giúp nước Mỹ tìm lại vị thế cũ.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện