Ảnh: Dantri.vn

 
Quỳnh Anh Thứ Hai | 19/08/2019 12:00

Nhân lực ngành tài chính – ngân hàng: Thừa nhân sự, thiếu kinh nghiệm

Đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm chỉ đạt yêu cầu 20-25% tại các ngân hàng còn “hổng” cả về kỹ năng và kiến thức.

Theo thống kê cho thấy trong năm 2018, số lượng tuyển dụng mới tại các ngân hàng đạt con số trên 20.000 nhân sự và con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019. Tại các ngân hàng, không khó để thấy thông báo tuyển dụng nhân sự liên tục trên các website cho nhiều vị trí khác nhau như chuyên viên kinh doanh, thanh toán thẻ quản lý nợ, quản lý bán vùng, phát triển kinh doanh ngân hàng điện tử... với số lượng từ hàng chục đến hàng trăm nhân viên cho từng vị trí. Đơn cử như Nam A Bank tuyển dụng 2.000 nhân sự trên toàn quốc từ giữa năm 2018 đến nay. Hay như Vietcombank cũng đăng tuyển nhân sự liên tục theo từng đợt trên website ngân hàng từ nhân sự cao cấp cho đến nhân viên thông thường.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết hiện TP. Hồ Chí Minh có hơn 2.000 điểm giao dịch của các ngân hàng (gồm: 52 hội sở, 452 chi nhánh, hơn 1.400 phòng giao dịch) với tổng số nhân sự khoảng 9.800 người, theo thống kê tính đến hết tháng 6/2019. Bên cạnh đó, thành phố cũng có khoảng 97.000 lao động, trong đó có 48% làm việc ở cấp quản lý nhà nước, từ 10 - 15% làm việc tại các hội sở. Công việc tại ngân hàng lâu nay vẫn được nhìn nhận là công việc hấp dẫn các lao động trẻ, sinh viên vì danh tiếng công việc, môi trường làm việc và thu nhập tốt. Điều này lý giải vì sao các bạn trẻ, sinh viên hiện nay ưu tiên lựa chọn ngành tài chính ngân hàng là ngành nổi trội và theo học nhiều nhất.

Dự báo đến năm 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm.Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính - ngân hàng đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 5% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hàng năm (khoảng 15.000 lao động) từ trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng. 

Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, số lượng tuyển dụng rất nhiều, sinh viên chuyên ngành cũng rất đông nhưng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu công việc lại rất ít, đặc biệt là nhân lực cấp cao. Khảo sát tại các ngân hàng Việt Nam cho thấy, có 3 vị trí rất khó tuyển dụng hiện nay là quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư. Nguồn nhân lực ngành ngân hàng hiện nay vẫn có một thực tế là vừa thiếu vừa yếu. Đặc biệt, khối kiến thức bổ trợ (công nghệ thông tin, ngoại ngữ) yếu; kiến thức ngành, giao tiếp còn nhiều hạn chế. Hầu hết các Ngân hàng Thương mại cổ phần quy mô trung bình trở xuống thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo cấp chi nhánh, phòng giao dịch.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực cho biết đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm chỉ đạt yêu cầu 20-25% tại các ngân hàng còn “hổng” cả về kỹ năng (thái độ làm việc, kỹ năng làm việc với mọi người, trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp) và kiến thức (các kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung). Do đó, hầu như các ngân hàng đều phải mất thời gian đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều nhân lực và các ngân hàng phải mất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, thực hiện.

Đế có thể đáp ứng được nguồn nhân lực ngành tài chính ngân hàng một cách hiệu qua hơn thì áp lực hiện nay cũng đè nặng lên các trường đại học. Việc này đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng tốt công nghệ trong đào tạo sinh viên, và kết nối tốt hơn với các ngân hàng để sinh viên có chỗ thực tập sớm khi còn đi học. Bên cạnh đó bản thân sinh viên cũng phải biết trau dồi các kĩ năng mềm để bắt kịp nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng hiện tại.

►Hàng chục nghìn nhân viên ngân hàng Trung Quốc mất việc

►Ngân hàng đang phân hóa mạnh!

►Năm biến động nhân sự ngành ngân hàng