Tiếng đàn của Trí Nguyễn man mác, phong nhã, kín đáo nhưng cũng rất phóng khoáng và lãng mạn, vì thế được giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao. Ảnh: TL
Nhạc sĩ Trí Nguyễn nặng lòng với đàn tranh
Dù có thể chơi được 2 nhạc cụ, đàn tranh và piano nhưng Trí Nguyễn luôn ấp ủ giấc mơ về một ngày đàn tranh Việt Nam trở nên quen thuộc trên thế giới, đứng ngang hàng với các nhạc cụ của các dân tộc khác.
Là nghệ sĩ hiếm hoi lĩnh hội được những kỹ thuật biểu diễn cao nhất của cả piano và đàn tranh cũng như hệ thống âm luật phức tạp của âm nhạc Tây phương và âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng Trí Nguyễn chưa bao giờ có ý định "bắt" đàn tranh phải "gồng mình" theo nhạc cổ điển hay những nhạc phẩm chuyển soạn.
Anh vẫn chọn lối ký âm theo kiểu cổ và cây đàn tranh gắn bó với anh như một người bạn tâm giao. Trí Nguyễn nói, khi giãi bày tâm tư với 16 dây đàn (vì thế còn gọi là đàn thập lục) thì dù có tha hương ly xứ, anh vẫn luôn tìm được nguồn đồng cảm và thấu hiểu. Nó cũng giống như cách anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam dù đã sống rất nhiều năm trên đất Pháp, vẫn nhớ món mắm tôm ăn kèm tô bún riêu thay vì nói về các loại nước hoa.
Tiếng đàn của Trí Nguyễn man mác, phong nhã, kín đáo nhưng cũng rất phóng khoáng và lãng mạn, vì thế được giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao. Tính đến thời điểm hiện tại, Trí Nguyễn phát hành 4 album hòa tấu đàn tranh kết hợp với các nhạc cụ Tây phương gồm Consonnances (Hòa Điệu, 2014), A Journey Between Worlds (Du Ngoạn Nhân Gian, 2016), Beyond Borders (Vượt Qua Mọi Biên Giới, 2017) và Làn Gió Quê Nhà (2020).
Trong đó, album Consonnances nhận được giải vàng tại Global Music Awards (GMA) 2015, Beyond borders đạt giải Vàng GMA vào năm 2017. Riêng tác phẩm Walking do anh và Graeme Drum - nhà sản xuất âm nhạc và chuyên gia bộ gõ người Canada sáng tác - đã giành chiến thắng ở hạng mục World Beat Song, giải Independent Music Awards (IMA) năm 2020.
Khẳng định âm nhạc cổ truyền Việt Nam đủ tầm để biểu diễn ở những sân khấu quốc tế lớn, trong mỗi sáng tác, Trí Nguyễn luôn dành cho đàn tranh vị trí lãnh xướng. Anh chia sẻ với NCĐT những trăn trở về đàn tranh nói riêng và nhạc cụ dân tộc nói chung.
Sau album Consonnances gây tiếng vang, album mới của anh sẽ vẫn tiếp tục kết hợp đàn tranh với nhạc cụ phương Tây?
Album Consonances là sự kết hợp giữa đàn tranh và tứ tấu đàn dây. Các album và single tiếp theo của tôi là đàn tranh kết hợp với kèn túi, đàn Oud Ả Rập, guitar Weissenborn... Tuy có tương tác với các nhạc cụ quốc tế khác, tôi luôn dành cho đàn tranh vai trò lãnh xướng. Album sắp tới của tôi có tên Duos-Alone (Song Tấu - Đơn Độc). Đây là lần đầu tiên tôi “đơn độc” trong album mới, vì chơi cùng lúc cả đàn tranh và piano, nhờ kỹ thuật hiện đại.
Điều gì thôi thúc anh trong suốt nhiều năm kết hợp nhạc cụ dân tộc, cụ thể là đàn tranh với nhạc cụ Tây phương?
Tôi có diễm phúc là am hiểu được 2 thế giới âm nhạc, Đông và Tây, đàn tranh và piano nhờ nền giáo dục vững chắc từ gia đình. Việc giao thoa giữa 2 loại nhạc cụ gần như là hiển nhiên. Trong mọi lĩnh vực, không chỉ riêng âm nhạc, tôi cho rằng, muốn kết hợp bất kỳ điều gì từ 2 thế giới khác nhau, cần nắm vững kiến thức 100% ở cả 2.
Lý do thứ 2 thôi thúc tôi bắt nguồn từ cái gọi là niềm tự hào dân tộc. Thời gian sống tại Pháp, tôi nhận thấy khi nhắc đến nhạc cụ Á Đông, người ta thường chỉ biết đến đàn Koto, đàn Gayageum hay đàn Guzheng (cổ tranh Trung Hoa) thay vì nhắc đến đàn tranh Việt Nam. Thậm chí nhiều khi thấy tôi chơi đàn tranh Việt Nam, nhiều người nhầm lẫn với những loại đàn kia.
Điều này làm tôi chạnh lòng vì cách quảng bá âm nhạc dân tộc của mình còn thua xa các nước như Hàn, Nhật hay Trung. Cho nên, sẵn có nền tảng kiến thức âm nhạc phương Đông, tôi đặt cho mình một sứ mệnh quảng bá cây đàn tranh Việt Nam theo cách của mình. Kết hợp Đông - Tây, 2 dòng nhạc cụ là cách khả thi nhất. Với cách làm nhạc đó, tôi vui mừng khi những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình giúp cây đàn tranh Việt Nam có thêm chút tiếng tăm và chỗ đứng trên thị trường âm nhạc thế giới.
Có một điều nữa tôi muốn chia sẻ là các cây đàn của Trung, Hàn, Nhật khi nhắc đến, người phương Tây sẽ dùng tên bản xứ để gọi. Trái lại, khi nhắc đến đàn tranh Việt Nam, họ gọi bằng cụm từ “Vietnamese Zither”. Cho nên trong album đầu tay, tôi đã yêu cầu các nhà sản xuất quốc tế ghi “Dan Tranh”, như một cách để thế giới chú ý hơn và quen dần với 2 chữ này.
Cái bóng của âm nhạc phương Đông, đặc biệt là nhạc cụ Trung Quốc có che mờ ảnh hưởng của nhạc cổ truyền Việt Nam?
Đúng ra, đàn tranh Việt Nam có xuất xứ từ cây đàn Guzheng Trung Quốc. Đàn tranh du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Trần. Tuy nhiên, sau hơn 1.000 năm, Việt Nam đã có những trường phái âm nhạc riêng, cách nhấn nhá, luyến láy đàn tranh đặc biệt riêng, cách lên dây riêng hoàn toàn của người Việt. Nếu so sánh cách chơi các loại đàn trong gia đình đàn tranh như Guzheng, Koto, hay cây Yatga (Mông Cổ), cây Gayageum, thì cách nhấn nhá và kỹ thuật tay trái của cây đàn tranh Việt Nam là điêu luyện, khó và uyển chuyển nhất.
Buồn thay, các bạn chơi đàn tranh bây giờ lại bắt chước cách chơi của người Trung Quốc, thậm chí còn không học đàn tranh mà học đàn Guzheng. Tôi cho rằng, không phải là nhạc cụ hay âm nhạc Trung Quốc che mờ âm nhạc cổ truyền Việt Nam, mà là chính các bạn Việt Nam đang quên đi âm nhạc của nước mình, của dân tộc mình.
Năm trước, trong chuyến đi Cần Thơ, tôi hân hạnh được gặp các thầy đàn xưa, các thầy cũng bùi ngùi và cùng nỗi niềm như tôi, trăn trở khi kỹ thuật chơi đàn tranh Việt Nam đang dần mai một. Tôi mong là còn nhiều thầy đàn khác chơi đàn tranh xưa mà tôi không có diễm phúc được biết.
Quan điểm của tôi là dù hòa hợp đến mấy cũng không nên hòa tan. Theo trường phái nhạc xưa, tôi chọn lối nhấn nhá theo âm luật cổ truyền. Và tuy là làm thể loại nhạc crossover thì cái Ta vẫn phải ra Ta, Tây phải ra Tây. Ngay cả khi sử dụng những biến thể đàn tranh để sáng tạo, nó vẫn phải luôn mang âm hưởng Việt Nam, cái hồn Việt Nam. Tôi nghĩ thế hệ tiếp theo, nếu không có cách nào lan tỏa và chỉnh đốn lại cách chơi hiện tại, tôi e những ngón đàn thuần túy Việt Nam rồi sẽ rơi vào quên lãng.
Album Duos Alone dự kiến phát hành toàn cầu vào tháng 8/2023. Album này Trí Nguyễn kết hợp với hãng đĩa Naxos, một trong những hãng đĩa hàng đầu thế giới dành cho nhạc cổ điển và World Music. Ảnh: TL |
Vậy làm thế nào để khắc phục thực trạng này?
Theo thiển ý của tôi, nên mời những thầy đàn xưa dạy các khoa âm nhạc dân tộc, để củng cố nền móng. Trong các trường nhạc dân tộc, cần mang đến những cách hòa tấu xưa từ các nhóm đàn Tứ Tuyệt, Ngũ Tuyệt để người trẻ nắm vững. Khi đã vững cái căn bản rồi thì các bạn có thể thoải mái chọn con đường và dòng nhạc mình muốn theo đuổi. Tại châu Âu, khi vào trường, người học phải học vững các trường phái cổ điển trước, sau đó muốn chọn Jazz, Pop hay nhạc đương đại... đều dễ dàng hơn nhiều. Người Việt mình thông minh, giỏi giang nên chỉ cần có một cái nền vững chắc, một căn bản dân tộc chính hiệu thì âm nhạc sẽ càng khởi sắc hơn.
Theo anh, làm thế nào để các loại hình âm nhạc dân tộc, cụ thể là những loại nhạc sử dụng khí cụ truyền thống của Việt Nam trở nên phổ biến hơn trên thế giới?
Phải có chất, phải am hiểu âm nhạc, phải có tâm, phải có hồn và cần phải có cách. Tức là, chơi thôi chưa đủ, cần biết cách quảng bá, chia sẻ cho người nghe quốc tế hiểu được mình làm gì, chơi gì, vì sao chơi như vậy. Chứ nếu chỉ lâu lâu có vài phái đoàn kèn trống hoa hòe làm một buổi nhạc múa quạt, múa chén thì khách xem xong sẽ quên.
Có chất và am hiểu âm nhạc ở đây chính là tính bản sắc phải vững. Mà muốn vững thì phải có kiến thức. Cách đây không lâu, tôi tình cờ nhìn thấy một poster quảng bá của phái đoàn Việt Nam sang châu Âu trình diễn, có bài Concerto cho đàn Nhị mà poster ghi rằng “Erhu Concerto”. Dùng tiếng Trung gọi nhạc cụ Việt Nam thì làm sao âm nhạc dân tộc Việt Nam có chỗ đứng? Muốn người nước ngoài nghe, hiểu và thích âm nhạc Việt Nam thì trước hết, các nhạc sĩ, nghệ sĩ chơi đàn, nhạc Việt phải hiểu âm nhạc của đối tác. Song song đó, cần hiểu được âm nhạc của mình, cắt nghĩa nó một cách tường tận.
Nhạc sĩ Trí Nguyễn sinh ra tại TP.HCM, học đàn tranh và piano từ 5 tuổi. Tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM), anh tiếp tục theo học chuyên ngành piano tại École Normale de Musique de Paris (Sư phạm Âm nhạc Paris - trường đào tạo âm nhạc bậc cao của Pháp) và sau đó được mời giảng dạy trong nhiều lớp học chuyên đề dành cho piano. |