Lê Phan Thứ Năm | 29/03/2018 08:30

Nhạc cổ điển: Lối đi hẹp

Khán giả lớn tuổi ngày một ít đi, còn với lớp khán giả trẻ, cánh cửa cho nền âm nhạc cổ điển dường như vẫn còn thu hẹp.

Thầm lặng nhưng lan tỏa

Một trong những không gian của nhạc cổ điển tại TP.HCM là Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố (HBSO). Với điểm diễn thường trực tại Nhà hát TP.HCM, trung bình mỗi tháng, HBSO giới thiệu đến công chúng yêu thích loại hình giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch 3-4 show diễn, bao gồm các buổi hòa nhạc, chương trình vũ kịch, nhạc kịch, múa đương đại... quy tụ nhiều tên tuổi nổi tiếng trong và ngoài nước. Điểm nhấn của HBSO là Liên hoan Giai điệu mùa Thu được tổ chức vào tháng 8 hằng năm, tính đến nay, đã bước sang năm thứ 11. Đó không chỉ là cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế Á - Âu, những nghệ sĩ gốc Việt thành danh ở dòng nhạc này quay về biểu diễn, mà còn là dịp để công chúng được tiếp cận và thưởng thức những tác phẩm kinh điển.

Trước câu hỏi về kinh phí đầu tư và khả năng thu hồi vốn cho từng vở diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Vương Thạch, Giám đốc và là Chỉ huy dàn nhạc HBSO, cho biết, mỗi vở diễn sẽ có kinh phí khác nhau, chưa kể với giá vé chỉ mang tính tượng trưng, với mục tiêu trọng yếu là hướng đến việc tạo dựng một cộng đồng nghe nhạc cổ điển. Ông nhấn mạnh đến sự quan tâm của các ban ngành trong việc hỗ trợ kinh phí và tạo nhiều điều kiện nhằm đảm bảo sự thuận lợi nhất để các nghệ sĩ làm việc.

Một không gian khác của loại hình nghệ thuật này là Nhạc viện TP.HCM. Nơi đây thường xuyên diễn ra các buổi giao lưu, trình diễn giữa nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam, thu hút không chỉ sinh viên của Nhạc viện, mà còn mở rộng cửa với khán giả bên ngoài. Tương tự, tại Soul Academy, mỗi cuối tuần thường có các buổi trình diễn hoặc trò chuyện của các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới như Maciej Grzybowski (Ba Lan), Alessandro Martire (Ý), Stephanie Denizard (Canada)... với gia vé cực kỳ ưu đãi, tầm 150.000 đồng hoặc vào cửa miễn phí.

Nghệ sĩ Thanh Bùi cho biết, mong muốn của anh là có thể giới thiệu rộng rãi các chương trình này đến càng nhiều người càng tốt. Trong một buổi trò chuyện tại khuôn khổ Soul Academy, nghệ sĩ piano Bích Trà cho biết, chị cảm thấy bất ngờ và vui sướng khi hiện nay, nhiều ông bố bà mẹ bắt đầu quan tâm đến nhạc cổ điển, loại hình vốn khó tiếp cận với đại chúng và kiên trì cho con đi trên con đường này.

Những người trẻ có kiến thức cũng không đứng ngoài cuộc. Họ lập fanpage trên mạng xã hội, giới thiệu những tác phẩm kinh điển, chia sẻ thông tin, họ mang nhạc ra đường phố. Các nhãn hàng như Toyota thường xuyên tổ chức đêm nhạc cổ điển định kỳ mỗi năm, dựng quỹ hỗ trợ các tài năng trẻ. Với mong muốn tạo điều kiện để các nghệ sĩ có mức thu nhập ổn định, an tâm sống với đam mê, Tập đoàn Sun Group thành lập dàn nhạc giao hưởng mang tên Sun Symphony Orchestra. Theo ông Olivier Fabric Ochanine, nhạc trưởng người Pháp, kế hoạch dài hạn của Sun Symphony Orchestra là xây dựng một dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn quốc tế với biên chế đủ 100 nhạc công, có khả năng trình diễn mọi thể loại nhạc dành cho giao hưởng từ Bach, Stravinsky tới Beatles. Tất cả những hoạt động này, dù với mục đích nào đi chăng nữa, đều phản ánh bức tranh kiên trì, nhẫn nại của những cá nhân, tổ chức chọn một lối đi hẹp. Họ không chỉ tạo không gian nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển mà còn chú trọng bồi đắp kiến thức cho các lớp thế hệ tiếp theo.

Tạo dựng một thế hệ nghe nhạc mới

Nhac co dien: Loi di hep
 

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh

Nhịp sống nhanh hiện tại không hậu thuẫn cho nhạc cổ điển đến gần người trẻ. Đối với họ, ngồi nghe một bản nhạc vài ba phút đã khó rồi, chứ đừng nói tới việc nghe một bản Sonate của Bethoven. Ngay từ những ngày đầu thành lập, HBSO đã nhìn thấy rất rõ tầm quan trọng của việc tạo dựng một thế hệ nghe nhạc mới, tức những người trẻ tuổi và đã không ngừng nỗ lực mang nhạc cổ điển đến với đối tượng này qua các chương trình hòa nhạc, múa đương đại dành cho học sinh, sinh viên bằng cách tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội cũng như liên kết với các trường phổ thông, đại học, Nhà văn hóa Thanh niên.

Ở đó, nhạc trưởng vừa hòa nhạc vừa chủ động giới thiệu nguồn gốc ra đời của tác phẩm họ chọn trình diễn trên sân khấu, hoặc có khi thông tin vở diễn được ghi trên các tờ bướm phát kèm. Tính đến nay, chương trình này đã bước sang năm thứ 7. “Những chương trình này dù hình thức không đình đám, nổi trội nhưng tôi tin là vẫn tạo được ảnh hưởng nhất định. Tôi nghĩ, đem nhạc giao hưởng ra đường phố cũng hay và dễ thu hút sự chú ý nhưng điều tôi hướng đến là giáo dục tinh thần và tạo một lớp thính giả trẻ được định hình. Họ yêu thích rồi thì bản thân họ, con cái sẽ duy trì tình yêu ấy. Phải kiên nhẫn, xây từ từ thì mới tạo thành một thế hệ thưởng thức quen thuộc. Điều này cũng giống như mình cấy một đợt lúa mới trước nhiều hình thức giải trí hấp dẫn (kể cả những thứ lạ vô cùng mà chính mình cũng không hiểu vì sao họ thích)”, nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ.

Ở các chương trình thường niên mỗi tháng, bên cạnh duy trì đêm nhạc dành cho khán giả của dòng nhạc này, HBSO cũng dành sự quan tâm đến lứa học sinh, sinh viên bằng cách bán vé ưu đãi khoảng 150.000 đồng/vé (so với vé chính thức từ 800.000-500.000 đồng/vé). Đánh giá về khả năng lấp đầy, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Vương Thạch cho biết hơn 2/3 số vé được bán ra và lượng vé dành cho học sinh, sinh viên luôn hết từ rất sớm. Một số vở diễn, chương trình hòa nhạc lớn, ở các buổi tổng duyệt, HBSO còn kết hợp với một số trường trung học, phổ thông cho phép các em học sinh đến xem, thậm chí đưa dàn nhạc đi trình diễn tại một số thành phố miền Tây như Cần Thơ. Đây thực sự là một nỗ lực rất lớn và miệt mài của HBSO trong suốt nhiều năm qua.

Cần thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay, nhạc cổ điển nói riêng và các loại hình nghệ thuật hàn lâm tại Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn lực, sự hỗ trợ từ nhiều phía. Tuy nhiên, chính sự hỗ trợ kịp thời đó, cùng tâm huyết của nhiều nghệ sĩ, đã mở ra bức tranh sôi động, cởi mở với người trẻ và nhiều sắc màu hơn. Việc tiếp cận một tác phẩm kinh điển hay các loại hình đương đại trên thế giới tại Việt Nam đã không còn quá khan hiếm. Bức tranh này đang tiếp tục có những vận động từng ngày và sẽ khởi sắc nhiều trong tương lai.