“Bước chân di sản” do đạo diễn Hoàng Công Cường và người mẫu Hạ Vy sáng lập. Ảnh: TL.

 
Thái Tuệ Thứ Sáu | 25/10/2024 08:00

Nhà thiết kế quảng bá di sản Việt

Ngày càng có nhiều nhà thiết kế Việt Nam tích cực đưa câu chuyện di sản bản địa vào những sáng tạo của mình.

Tiếp nối xu hướng vài năm gần đây, chuỗi hoạt động thời trang gắn với tôn vinh di sản và quảng bá du lịch đang trở lại trong năm 2024 với những sắc màu độc đáo, hấp dẫn hơn. Bộ ảnh Hoa hậu Đại dương 2023 Thu Uyên trong các thiết kế của nhà thiết kế Võ Việt Chung, Hoàng Minh Hà là bộ ảnh đầu tiên trong dự án “Đường chữ S trong tôi” do Pio Đoàn thực hiện với sự đồng hành của nhiều nhà thiết kế. Dự án không chỉ tôn vinh thời trang mà còn dùng thời trang để làm bật lên vẻ đẹp Đà Lạt - Lâm Đồng. 

Trước đó, “Bước chân di sản” do đạo diễn Hoàng Công Cường và người mẫu Hạ Vy sáng lập, được tổ chức lần lượt tại nhiều điểm đến di sản, thắng cảnh du lịch của Việt Nam như làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội), thác Bản Giốc (Cao Bằng), ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái), phố cổ Hội An (Quảng Nam)... 4 nhà thiết kế trẻ Thạch Linh, Dũng Nguyễn, Hùng Bảo, Nguyễn Minh Công đã thực hiện thành công show diễn “Ký họa quê hương” với hình ảnh đặc trưng vùng quê Hải Dương được đưa lên các bộ sưu tập áo dài, trang phục ứng dụng, được tổ chức ngay tại thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương), địa danh có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, quê hương của nhiều danh nhân. 

Giữa tháng 8, tại Ga Sài Gòn (TP.HCM), Fashion Show Thanh xuân - Cruise 2024 của Vũ Ngọc & Son (bộ đôi Vũ Ngọc Tú - Đinh Trường Tùng) trình làng những thiết kế rực rỡ đậm chất “joie de vivre” (Niềm vui thích với cuộc sống). Show diễn là gạch nối của chuỗi Childhood Memory - Ký ức tuổi thơ, dự án dài hơi với các show diễn tại các địa điểm du lịch TP.HCM và các tỉnh, thành như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bưu điện TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An - Quảng Nam, Huế… 

Ngày 20/9 vừa qua, bộ sưu tập Le Thanh Hoa Fall-Winter 2024 của Lê Thanh Hòa đã được trình diễn tại Khê Cốc (Ninh Bình) trong đêm diễn Fashion Show Hello Cosmo from Vietnam. Các thiết kế được lấy cảm hứng từ những di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống như họa tiết hoa sen, lá tre, trúc, hình ảnh núi non được sử dụng xuyên suốt, tạo nên sự kết nối giữa di sản văn hóa và ngôn ngữ thời trang hiện đại. 

Các nhà thiết kế Việt Nam cũng liên tục đưa dấu ấn văn hóa Việt vào các bộ sưu tập khi mang đến sự kiện thời trang quốc tế như Peter Do đưa tiếng Việt lên sàn diễn New York 2024, Phan Huy đem các thiết kế được lấy cảm hứng sáng tạo từ hang Sơn Đoòng, Thiên Đường, Phong Nha… trình diễn tại Tuần lễ thời trang Paris 2024. “Tất cả được tôi ấp ủ để giới thiệu đến thế giới một Việt Nam với cảnh quan kỳ vĩ”, Phan Huy nói. 

Hay vào cuối tháng 9 năm nay, nhà thiết kế trẻ Phan Ðăng Hoàng đem bộ sưu tập mới Ceramics lấy cảm hứng từ tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh đến Tuần lễ thời trang Milan. Năm ngoái anh cũng đã mang đến đây sắc màu thổ cẩm Tây Bắc. Phan Đăng Hoàng cho biết: “Bản thân thuộc Gen Z, tôi không chỉ sáng tạo những cái mới, mà luôn muốn tiếp nối những điều tốt đẹp của thế hệ đi trước. Đó là ý thức phải bảo tồn và lan tỏa tinh hoa văn hóa của người Việt Nam ra thế giới. Vì thế, trong thời trang, tôi luôn muốn những sản phẩm của mình vừa phải hòa nhập dòng chảy xu hướng, vừa phảng phất tinh hoa Việt”. 

Bà Bùi Ngọc Thùy Trang, Thạc sĩ Quản lý Thời trang Trường ESMOS Paris, giảng viên ngành thiết kế thời trang, khoa thiết kế nghệ thuật Trường Đại học Hoa Sen, nhận định: “Thời trang góp sức quảng bá di sản Việt Nam không phải là câu chuyện của một vài cá nhân hay chỉ có thời điểm nhất định mà là xu hướng sẽ còn tiếp tục được lan tỏa. Xu hướng này phù hợp với một trong các chiến lược để thời trang Việt Nam có thể bước ra thế giới và thành công lâu dài”. 

Tương xứng với tâm huyết cùng sự đầu tư công phu và tốn kém, nói riêng ở hiệu ứng quảng bá kéo theo lợi nhuận đầu tư, các nhà thiết kế đã nhận về xứng đáng. Bộ đôi nhà thiết kế Vũ Ngọc & Son cho hay: “Để làm show ở những vị trí đắc địa như vậy, chúng tôi tốn nhiều thời gian, công sức chuẩn bị và xin các giấy phép liên quan. Bù lại, với ấn tượng tươi vui, tích cực mà các show diễn của chúng tôi đem lại, đã có nhiều khách tham dự yêu thích và chốt mua mẫu mới ngay trong lúc họ đang xem show”. 

Ở phạm vi toàn cầu, các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới luôn chú trọng gắn sứ mệnh tôn vinh di sản của các quốc gia, những nền văn minh, văn hóa với mục tiêu quảng bá sản phẩm, đặc biệt là di sản kiến trúc. Sau 4 năm được tu sửa toàn diện, năm 2024 chứng kiến bảo tàng Grand Palais trở lại vị trí vườn địa đàng của thời trang quốc tế. Chanel đánh dấu bảo tàng mang tính biểu tượng của kiến trúc Pháp mở cửa trở lại bằng show thời trang Xuân/Hè 2025 Ready-to-Wear của nhà mốt này diễn ra tại đây vào tháng 10 năm nay. 

Năm ngoái, Christian Dior bằng tầm ảnh hưởng của mình đã tổ chức tour triển lãm tại hàng loạt điểm đến kiến trúc nổi tiếng ở London, Paris, New York, Thượng Hải, Tokyo… Christian Dior thắng lớn bởi họ không chỉ thu hút lượng khách hàng là các tín đồ thời trang tại các nước bản địa mà còn giành thị phần từ giới yêu nghệ thuật kiến trúc và du khách. 

Tại thị trường châu Á, chiến lược kết nối với di sản, văn hóa bản địa của các thương hiệu thời trang xa xỉ được các nhà kinh tế đánh giá cũng là chiến lược tăng trưởng, là “con đường tơ lụa hiện đại” cho các nhà mốt phương Tây. Họ đang tiếp cận với người tiêu dùng ở những quốc gia châu Á bằng nhiều cách, từ việc hợp tác với các nghệ sĩ, diễn viên, người có tầm ảnh hưởng tại thị trường địa phương, cho đến việc đưa họ vào một phần chiến dịch toàn cầu, như gương mặt của trưởng nhóm BTS trong chiến dịch của Bottega Veneta là một ví dụ. 

Nhiều yếu tố di sản, văn hóa như đồ gốm Trung Quốc, phim hoạt hình anime Nhật, họa tiết thủ công Ấn Độ… cũng đang được lồng ghép tích cực vào các phiên bản thiết kế trong nhiều bộ sưu tập mới của các nhà mốt trên thế giới.