Nhiều gia đình tại TP.HCM đang có thú vui mới là thuê du thuyền đi các vùng biển như Cần Giờ, Vũng Tàu trong một ngày, chi phí khoảng 75 triệu đồng. Ảnh: Qúy Hòa.
Người Việt mê du thuyền
Gần đây, trên sông Sài Gòn thường xuất hiện King Yacht - chiếc du thuyền composite lớn nhất được đóng tại Việt Nam, hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và chế tạo. Nhận ra tiềm năng từ chiếc du thuyền phù hợp để chạy trên sông này, giám đốc một công ty du lịch đã mua bản quyền thiết kế và kiểu dáng công nghiệp chiếc King Yacht. Một năm qua, công ty này khá thành công trong việc tổ chức tiệc, sự kiện trên du thuyền, kết hợp khai thác du lịch trên tuyến sông Sài Gòn - Cần Giờ.
Thị trường du thuyền có nhiều phân khúc, sau làn sóng du thuyền triệu USD dành cho giới siêu giàu, nhiều đơn vị đang nhắm đến phân khúc tầm trung. Công ty Yachting Vietnam cũng vừa nhập về dạng thuyền cano dành cho gia đình, giá dao động từ 100.000-500.000 USD. Bà Chu Thị Hồng Anh, CEO Yachting Vietnam, nhận định: “Tại Việt Nam, ngoài hệ thống bờ biển thì sông ngòi cũng là một tài nguyên quý giá. Trong tương lai, việc sở hữu du thuyền để đi chơi, tận hưởng sẽ phổ biến”.
Người trong ngành ước tính, Việt Nam đã có hàng trăm dự án xây dựng bến du thuyền gắn liền với các khu du lịch, resort, các dự án bất động sản ven biển, ven sông. Nếu như 3 năm trước, chỉ có 3-4 công ty chuyên cung cấp du thuyền ngoại nhập, thì nay con số đã tăng lên hơn 15. Các công ty cho thuê du thuyền ước tính trong năm qua, số lượng người thuê tăng khoảng 300-400% so với thời điểm hơn 3 năm trước. Giá cho thuê du thuyền hiện có từ mức 10-50 triệu đồng/giờ.
Thị trường du thuyền có nhiều phân khúc, sau làn sóng du thuyền triệu USD dành cho giới siêu giàu, nhiều đơn vị đang nhắm đến phân khúc tầm trung. Ảnh: Qúy Hòa. |
Nhiều gia đình tại TP.HCM đang có thú vui mới là thuê du thuyền đi các vùng biển như Cần Giờ, Vũng Tàu trong một ngày, chi phí khoảng 75 triệu đồng. Trên đường đi, khách có thể ghé chợ để mua hải sản, sau đó tự chế biến trên du thuyền. Trong thời điểm cuối năm, các công ty thường thuê du thuyền cỡ lớn để tổ chức tiệc VIP, họp mặt. Đây cũng là mùa làm ăn khá tốt của những đơn vị cho thuê du thuyền trong bối cảnh kinh tế ổn định.
Đại diện 2 hãng đóng thuyền buồm Seawind và Corsair Marine của Úc có trụ sở tại TP.HCM cho biết đại dịch đã làm tăng nhu cầu du thuyền cá nhân thay cho các siêu du thuyền khổng lồ. Trong năm qua, 2 hãng này nhận đặt hàng cả trăm chiếc thay vì vài chục chiếc/năm như trước đây. Đơn hàng chủ yếu từ Mỹ, Úc và châu Âu. “Nếu có chiến lược phát triển tốt, Việt Nam sẽ trở thành điểm sản xuất, gia công cho các nước để thu ngoại tệ”, đại diện một hãng nhận định.
Một chuyên gia ngành đóng tàu Việt Nam cũng đánh giá: “Tàu du lịch - du thuyền có giá trị cao, đóng nhanh hơn những tàu vận tải hạng nặng, lại thể hiện được đẳng cấp, tên tuổi nơi đóng tàu, quảng bá cho hình ảnh Việt Nam. Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, nhiều bãi biển đẹp. Nếu có chính sách phù hợp cho đóng, thử nghiệm và du lịch, thể thao bằng du thuyền - thuyền buồm sẽ hình thành những cộng đồng chơi thuyền buồm và giải đua du thuyền hấp dẫn”.
Tại vịnh Hạ Long và Bến thuyền Tuần Châu, mỗi nơi, Công ty Vietyacht đã trang bị cả chục du thuyền cá nhân để cho thuê. Khoảng 90% lượng đặt chỗ tại Vietyacht là thuê thuyền 6 giờ trong ngày với dịch vụ ăn uống, hệ thống âm nhạc và các loại hình giải trí dưới nước. Ông Ngô Viết Đại Từ, CEO Tam Sơn, cho biết doanh thu từ ngành công nghiệp du thuyền là 200 tỉ USD mỗi năm trên thế giới. Tại Phuket (Thái Lan), nơi thị trường du thuyền phát triển mạnh, du khách chỉ cần bỏ ra 30 USD đã có thể trải nghiệm du thuyền theo tour.
Làm cho du thuyền bớt đắt đỏ là bài toán mà nhiều doanh nghiệp đang cố gắng giải quyết. Mới đây, Wolf Brothers của diễn viên Huỳnh Anh ra ý tưởng đưa du thuyền vào mô hình kinh doanh time share (chia sẻ thời gian, hay còn gọi là đồng sở hữu). Theo đó, Wolf Brothers sẽ tạo một cộng đồng 25 chủ sở hữu cho 5 chiếc du thuyền, đồng nghĩa với việc chỉ cần bỏ ra 1/5 chi phí, một người đã có thể đồng sở hữu 5 chiếc du thuyền cùng lúc.
Mỗi người chủ sở hữu sẽ có quyền sử dụng du thuyền vào 1 trong 5 kỳ nghỉ lớn nhất hằng năm ở Việt Nam và tất cả những ngày còn lại là “floating day”, tức sử dụng tùy theo nhu cầu và thời gian đặt trước. Tuy là đồng sở hữu, nhưng mỗi người chủ sở hữu đều có toàn quyền xử lý tài sản này theo ý muốn: cho người thân sử dụng, bán hoặc bán một nửa, cho mượn, cho thuê. Bên cạnh đó, một người chủ cũng có thể huy động sử dụng cả 5 chiếc du thuyền cùng lúc trong những dịp đặc biệt.
Theo diễn viên Huỳnh Anh, nhờ công nghệ, những khó khăn trong việc quản lý thời gian của mô hình time share được giảm đi rất nhiều. Wolf Brothers phát triển một ứng dụng riêng trên điện thoại và máy tính sử dụng Signet Ring để ký tên và đóng dấu niêm phong cho các loại giấy tờ. Ứng dụng này sẽ sử dụng thuật toán để phân chia quyền lợi sử dụng cho 25 chủ sở hữu, như mỗi người không được đặt quá 14 ngày trên một chiếc du thuyền và tổng số ngày đặt không quá 2 tháng trong một năm. Các chi phí hằng tháng và hằng năm chi trả cho du thuyền, số lượng xăng tiêu thụ, độ dài hành trình... tất cả đều được hiển thị rõ ràng trên ứng dụng.
Bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi, ngành du thuyền Việt Nam còn nhiều rào cản lớn cần vượt qua để có thể lớn mạnh như ở Thái Lan. Ngoài sự thiếu thốn về hạ tầng, chính sách, ngành này cũng chưa thành lập được hiệp hội du thuyền như ở các nước để thống nhất lộ trình và chiến lược phát triển chung, đồng thời tham vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước khung pháp lý và tiêu chuẩn chung cho ngành. Người trong nghề cũng cho rằng thị trường chưa hình thành được một hệ sinh thái hoàn hảo theo đúng tiêu chuẩn của ngành du thuyền.