Người Việt chi 4 tỉ USD mỗi năm cho bệnh COPD
Tại buổi phát động chương trình hành động hưởng ứng “Ngày bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính toàn cầu” của GOLD (Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính) sáng nay, Phó Giáo sư - Tiến Sĩ – Bác sĩ Trần Văn Ngọc, chủ tịch hội hô hấp TP HCM, trưởng khoa hô hấp bệnh Chợ Rẫy cho biết chi phí thuốc thang, chưa kể nhập viện của một người mắc bệnh COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease) hay còn gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ở cấp độ trung bình từ trở lên ( cấp độ 2) khoảng 100 USD/tháng, tương đương 1.000 USD/năm. Mức độ 3-4, chi phí thuốc tăng gấp đôi.
“Chỉ có 20% người bị COPD được phát hiện khi mới chớm bệnh. 80% là những người bệnh đã trở nặng”, ông Ngọc nói.
Điều đáng nói là kiến thức cũng như tác hại của bệnh này chưa được hiểu đúng ở Việt Nam, theo ông Ngọc đây là 1 trong 10 bệnh không có thuốc chữa trên thế giới và gây tàn phế nặng theo thời gian. Người bị bệnh COPD cấp độ cuối ngay cả việc nhai, nghiền thức ăn cũng không đủ sức.
Với khoảng 4 triệu người ở độ tuổi 40 trở lên, bị COPD, người Việt đang tốn khoảng 4 tỉ/USD năm cho việc điều trị bệnh này.
Theo thống kê của tổ chức WHO, hiện COPD là bệnh thứ tư gây tử vong ở con người, cao hơn cả ung thu. Tổ chức này ước tính vào năm 2030, căn bệnh này sẽ xếp ở vị trí thứ ba chỉ sau bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Hiện có hơn 300 triệu người mắc bệnh COPD trên toàn cầu.
Theo WHO, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra COPD. Theo thống kê của tổ chức này hồi năm ngoái, Việt Nam là nước có tỷ lệ người hút thuốc đứng thứ 15 trên thế giới.
Các triệu chứng lâm sàn của COPD là khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm…Ngoài ra, bệnh nhân COPD thường mắc phải những bệnh đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hoa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.
Những bệnh đi kèm này có thể xảy ra trên bệnh nhân ở các mức độ tắc nghẽn dòng khí khác nhau, từ nhẹ, trung bình đến nặng. Chúng có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện hay tử vong một cách độc lập.
Việc tự chữa trị rất tốn kém, trong khi bảo hiểm y tế hiện nay chỉ chú trọng các loại thuốc quan trọng nhưng cách này không đem lại kết quả điều trị tốt nhất. Tập vật lý trị liệu là một trong những liệu pháp giảm tác động của COPD với chi phí thấp, tuy nhiên hiện chưa có phòng tập dành cho bệnh này ở Việt Nam.
Hiện Đại học Y Dược TP HCM đang phối hợp với các đại học Châu Âu để đưa ra mô hình phòng tập COPD có trang thiết bị cơ bản, dễ mở rộng. Dự kiến sang năm sau sẽ có phòng tập đầu tiên về bệnh này ở TP HCM.
Đông Sang