Việc có thêm thời gian để nghỉ ngơi, cải thiện chất lượng cuộc sống tinh thần đang ngày càng được ưa chuộng. Ảnh: Pexels

 
Kim Anh Chủ Nhật | 01/09/2024 20:54

Người trẻ rủ nhau ngủ xuyên 4 ngày lễ

Sự kiện "Thử thách ngủ xuyên 4 ngày nghỉ lễ" đã nhanh chóng lan truyền và thu hút hơn 11.000 người quan tâm.

Trong dịp lễ Quốc Khánh 2/9 năm nay, một xu hướng độc đáo đã thu hút sự chú ý của giới trẻ: ngủ xuyên suốt bốn ngày nghỉ. Thay vì tận dụng kỳ nghỉ dài để đi du lịch, về quê, hay tụ tập bạn bè, nhiều người trẻ đã chọn cách nghỉ ngơi hoàn toàn bằng việc tham gia một sự kiện online mang tên "Thử thách ngủ xuyên 4 ngày nghỉ lễ" Sự kiện này đã nhanh chóng lan truyền và thu hút hơn 11.000 người quan tâm. 

Sự phổ biến của sự kiện này phần nào cho thấy, sự thay đổi trong cách tận hưởng các kỳ nghỉ lễ, từ những hoạt động sôi nổi sang việc ưu tiên chăm sóc sức khỏe và tinh thần. Nhiều bạn trẻ cho biết họ cảm thấy kiệt sức và chỉ muốn tận dụng thời gian nghỉ để phục hồi năng lượng, thay vì tham gia các hoạt động xã hội.

 

Mới đây, đề xuất giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần để người lao động có thời gian đi hẹn hò, tìm bạn đời là thông tin đang nhận về nhiều sự quan tâm. Đề xuất này nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, gia đình, và phát triển các mối quan hệ xã hội, bao gồm việc tìm kiếm bạn đời. Ngay sau đó, trên trang fanpage VTV24 thực hiện khảo sát rằng: Nếu doanh nghiệp đồng ý giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần, thì bạn ưu tiên dành thời gian rảnh rỗi để làm gì? 

Theo kết quả khảo sát, hai đáp án được lựa chọn nhiều nhất khi được hỏi về cách sử dụng thời gian rảnh rỗi trong trường hợp giảm giờ làm là "Dành thời gian cho bản thân và gia đình" (chiếm 54%) và "Dành cho việc ngủ" (chiếm 25%). Điều này phản ánh một xu hướng đáng chú ý: nhiều người lao động, đặc biệt là giới trẻ, đang ưu tiên việc chăm sóc bản thân và gia đình hơn là các hoạt động xã hội như hẹn hò. Điều thú vị là, trong khi chỉ có 8% người tham gia khảo sát chọn "Đi hẹn hò" như một hoạt động ưu tiên. 

Qua đây có thể thấy, việc có thêm thời gian để nghỉ ngơi, cải thiện chất lượng cuộc sống tinh thần đang ngày càng được ưa chuộng. 

Điểm MHQ (chỉ số sức khỏe tâm lý) trung bình của 71 quốc gia trong năm 2023 là 65/300, với 27% người gặp khó khăn về sức khỏe tâm lý và 38% có sức khỏe tâm lý tốt. Nguồn: Mentalstateoftheworld
Điểm MHQ (chỉ số sức khỏe tâm lý) trung bình của 71 quốc gia trong năm 2023 là 65/300, với 27% người gặp khó khăn về sức khỏe tâm lý và 38% có sức khỏe tâm lý tốt. Nguồn: Mentalstateoftheworld

Báo cáo thường niên về Trạng thái tinh thần của thế giới năm 2023 thu thập dữ liệu từ hơn 500.000 người trả lời bằng 13 ngôn ngữ trên 71 quốc gia trải dài 9 khu vực cho thấy, sức khỏe tinh thần vẫn ở mức thấp sau đại dịch và một lần nữa không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ quay trở lại mức trước đại dịch. Vào năm 2023, ở cả cấp độ toàn cầu và cấp độ từng quốc gia, sức khỏe tinh thần vẫn hầu như không thay đổi so với năm 2021 và 2022, sau khi giảm mạnh trong những năm đại dịch. Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng về tác động lâu dài của đại dịch và cách thức thay đổi trong cách chúng ta sống và làm việc cũng như sự gia tăng các thói quen hiện có. 

Báo cáo cũng cho thấy, các thế hệ trẻ hơn, đặc biệt là những người dưới 35 tuổi, chứng kiến ​​sự suy giảm mạnh nhất về sức khỏe tinh thần trong đại dịch COVID-19 trong khi những người trên 65 tuổi vẫn ổn định. Với sự suy giảm này vẫn tiếp diễn ở mọi nhóm tuổi, đại dịch đã khuếch đại xu hướng sức khỏe tinh thần kém hơn đã tồn tại từ trước đối với các thế hệ trẻ hiện đang thấy rõ trên toàn cầu. 

Có thể bạn quan tâm 

Thế hệ tìm việc bằng bản đồ sao