Người trẻ đam mê giao hưởng
Khi Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Sài Gòn SPYO ra mắt công chúng, có đến 2 luồng dư luận xuất hiện. Một, bất ngờ. Một, nghi ngại. Được thành lập với mục tiêu trẻ hóa âm nhạc giao hưởng và đưa thể loại vốn bị gắn mác “kén tai” đến gần hơn với công chúng, Sài Gòn SPYO hướng tới lớp khán giả trẻ yêu thích trải nghiệm và luôn sẵn sàng tiếp nhận văn hóa mới. Nhưng ai sẽ nghe SPYO?
Trở về để xây dựng thế hệ kế thừa
SPYO là dàn nhạc giao hưởng có thể xem là trẻ nhất Việt Nam hiện nay. Thành viên của dàn nhạc, chỉ khoảng từ 18-25 tuổi. Cách đây 1 năm, khi nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh có ý tưởng tuyển chọn thành viên để thành lập một dàn nhạc giao hưởng trẻ, chính ông cũng không ngờ, ý định ấy được hưởng ứng nồng nhiệt đến như vậy.
Tốt nghiệp cao học Nhạc viện Hoàng gia London, Vương Quốc Anh năm 1994-1998, nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh là bè trưởng Bassoon của dàn nhạc giao hưởng thành phố Daejeon, Hàn Quốc từ năm 2005-2010. Ông từng là Giám đốc Trung tâm Âm nhạc Bauhinia Musik Haus, giảng viên Học viện nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông.
Với mục tiêu quảng bá âm nhạc giao hưởng đến đông đảo công chúng, biến giao hưởng trở thành một phần cuộc sống và văn hóa của Sài Gòn, nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh quyết định trở về Việt Nam, với hy vọng xây dựng một dàn nhạc giao hưởng trẻ Sài Gòn, trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của thành phố thông qua những buổi biểu diễn dành cho cộng đồng.
Với những thành viên nòng cốt là Dàn nhạc Giao hưởng Thành phố SPO, nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh “gõ cửa” Nhạc Viện TP. HCM, rồi kết hợp cùng Thanh Bùi, nhà sáng lập Amberstone Media, để biến ý tưởng thành hiện thực. SPYO ra đời, thông qua công tác tuyển chọn gắt gao từ phía những người hoạt động lâu năm trong nghề. Nhạc viện TP.HCM là cơ sở trực tiếp đào tạo. Với vai trò giám đốc nghệ thuật của nhóm SPYO, nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh trực tiếp tham gia công tác huấn luyện, liên tục trau dồi kinh nghiệm thực tế qua từng buổi biểu diễn.
Điều đặc biệt là SPYO sẽ không chỉ có những buổi trình diễn khép kín trong các không gian nhà hát hay sân khấu, mà tự do trình diễn trong những không gian “mở” như đại sảnh nhà hát lớn và tiếp cận rộng rãi với công chúng. Những người đỡ đầu cho SPYO hy vọng các em sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, được chú ý nhiều hơn và dần “gỡ bỏ” định kiến về một dòng nhạc “khó tiếp cận”. Do vậy, trong năm 2019, SPYO cũng sẽ có những buổi trình diễn cộng đồng trước Nhà hát Thành phố vào mỗi tuần, để giao lưu và truyền cảm hứng âm nhạc giao hưởng thính phòng đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Ông chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là tổ chức các buổi trình diễn, tiếp đón các nghệ sĩ, nhạc trưởng quốc tế đến đào tạo và giúp các em ngày một hoàn thiện hơn. Nhưng cách hiệu quả nhất để giới trẻ Việt Nam dễ dàng tiếp cận dòng nhạc giao hưởng là Thành phố nên có những chương trình âm nhạc cộng đồng để các nghệ sĩ trẻ chủ động chuyện trò, giới thiệu và truyền cảm hứng âm nhạc đến những người trẻ như các em”.
Đứng trên sân khấu là hạnh phúc
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Quang Đông, Giám đốc Nhạc viện Thành phố TP.HCM, cho biết ông đặt niềm tin vào các hoạt động tương lai của Sài Gòn SPYO: “Rất nhiều người đã bày tỏ sự lo lắng khi chúng tôi lên kế hoạch thành lập dự án và đưa nhóm SPYO vào hoạt động. Các em trẻ quá, liệu có đảm đương được những tác phẩm cần nhiều kỹ thuật trình diễn hay không? Về mặt chuyên môn, trực tiếp đào tạo các em, tôi có thể đảm bảo tính chuyên nghiệp và chất lượng âm nhạc của SPYO sẽ càng nâng cao sau mỗi buổi công diễn”, ông nhận xét.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Quang Đông, SPYO được hướng dẫn trong môi trường biểu diễn chuyên nghiệp. Qua từng đêm nhạc, các thành viên sẽ được làm quen với các kỹ năng chơi trong dàn nhạc, kỹ năng làm việc cùng nhau, kỹ năng biểu diễn, thể hiện khả năng của mình, hoàn thiện hơn kỹ năng cần thiết để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Hoàng Thảo, cô bé chơi violin của SPYO, cho biết dù đam mê nhạc hòa nhạc từ nhỏ nhưng ở Việt Nam rất ít cơ hội cho người trẻ tham gia dàn nhạc. Đăng ký dự tuyển và được chọn, Hoàng Thảo hết sức bất ngờ. Vinh dự đó giúp Thảo luôn không ngừng cố gắng. “Được đứng trên sân khấu, dù lớn hay nhỏ, chúng em đều hạnh phúc”, Thảo nói vậy.
Sau một năm luyện tập nghiêm túc, đêm hòa nhạc đầu tiên của nhóm Once Upon a Spring - The Very Best of Tchaikovsky cũng được diễn ra với sự háo hức của tất cả các thành viên. Không chỉ biểu diễn dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Fan Ting, người đã cống hiến hơn 40 năm với vị trí bè trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Hồng Kông (Hong Kong Philharmonic Orchestra), nghệ sĩ violin gốc Hungary Rodrigo Puskás...
SPYO còn được trình diễn cùng các thầy cô của mình, các thành viên kỳ cựu từ Dàn nhạc Giao hưởng Thành phố SPO trước đông đảo công chúng. Bằng lối diễn hồn nhiên, nhóm đã dẫn dắt công chúng tiếp cận những góc nhìn hiện đại về nhạc giao hưởng.
Kết thúc đêm diễn, những tràng pháo tay dành cho thế hệ nghệ sĩ trẻ đã khiến họ bật khóc. “Mọi nỗ lực của các nghệ sĩ trẻ sẽ thực sự trở nên ý nghĩa hơn khi đưa được âm nhạc vào cuộc sống người dân thành phố. Đó sẽ là sự cổ vũ tinh thần và niềm tin rất lớn đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ. Tôi tin, giấc mơ của SPYO sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực”, nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh nói.