Việt Nam bất ngờ trở thành thị trường nóng nhất của Apple
Doanh số bán hàng hàng quý của iPhone tăng gấp đôi. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Apple có khả năng tiếp tục tác động tới thế hệ người Việt trẻ am hiểu công nghệ, và khả năng tăng trưởng nhanh chóng của internet lẫn điện thoại trong giới trung lưu cho tới năm 2020.
Các công ty công nghệ tại Việt Nam cũng đang phất mạnh, họ chú ý tung ra các ứng dụng dễ có khả năng trở thành trò chơi được tải về nhiều nhất trên thế giới như Flappy Bird.
Thế hệ người Việt trẻ sẵn sàng mua điện thoại iPhones có giá tương đương một nửa thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2012 (khoảng 1.540 USD/người/năm - số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư 2013).
"Điện thoại này bằng cả 2 tháng lương của mình đấy", chị Phạm Mỹ Linh, 23 tuổi, nhân viên văn phòng, nói sau khi mua một chiếc iPhone 5 và ký thỏa thuận trả góp hàng tháng. "Nhưng mình cần nó, cảm thấy tự tin hơn khi cà phê tán gẫu với bạn bè và đồng nghiệp".
Mức tăng đột biến này xảy ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm chạp, càng làm tăng mức độ trầm trọng của các khoản nợ xấu và nguy cơ đóng cửa kinh doanh.
Theo một chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng 5,4% của nền kinh tế Việt Nam trong năm ngoái không hề ấn tượng khi xem xét trong tình hình dân số Việt tăng nhanh chóng mặt và những tiềm năng về bán lẻ và sản xuất của nước này.
Tuy vậy, những ai kinh doanh điện thoại ở Việt Nam đều thừa nhận rằng cơn khát điện thoại iPhone đồng nghĩa với việc để chứng tỏ địa vị xã hội của người mua. Những chính sách về giảm giá và chi trả lâu dài cho chiếc điện thoại có giá cao hơn cả thu nhập của thị dân cũng khiến doanh số bán hàng của Apple tăng mạnh.
Thời của điện thoại thông minh
Cơn thèm khát công nghệ không chỉ làm lợi riêng cho Apple mà cả các hãng cung cấp điện thoại thông minh và tablet khác như Samsung vả HTC. Các chuyên gia nhận định về tốc độ tăng trưởng chậm lại của các loại điện thoại bình thường cho thấy nhu cầu ngày càng tăng về việc "lên đời" các dòng điện thoại đang mốt của người tiêu dùng.
Tại Hà Nội, một quản lý của FPT, công ty kinh doanh đồ công nghệ lớn nhất Việt Nam, cho hay "Tôi không thấy tín hiệu suy thoái kinh tế nào trong cửa hàng của FPT cả. Khách hàng mua món đồ 1.000 USD với thái độ điềm nhiên như không. Một gia đình mua 3 chiếc iPad cũng là chuyện bình thường".
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường GfK công bố tháng 1 năm nay, doanh thu từ điện thoại thông minh chiếm 77% trong tổng doanh số điện thoại tại Việt Nam năm 2013; con số sản phẩm bán ra cũng tăng gần 135% so với năm trước đó. Riêng doanh số bán hàng của tablet tăng vọt đến 250% trong năm 2013 khi giá của những sản phẩm này giảm xuống gần 27%.
Nhiều công ty đang để ý đặc biệt đến Việt Nam, đất nước có 15 triệu dân đô thị tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, 30 triệu dân sử dụng mạng internet trong tổng số 90 triệu dân toàn quốc và 2/3 trong số đó ở độ tuổi dưới 30.
Khi thương hiệu Apple khá phổ biến với người Việt, Apple không phải là phía duy nhất thu lời từ lợi thế đó. Người tiêu dùng có thể mua một chiếc iPhone giả, không xước xát với giá 2 triệu đồng.
"Có nhiều người không đủ tiền mua iPhone, nhưng họ thích trông mình có vẻ giàu có nên cửa hàng tôi làm ăn được lắm", anh Nguyễn Đức Hải, chủ một cửa hàng điện thoại cho biết. "Tại sao phải trả tiền cao gấp 10 lần mua một chiếc iPhone xịn, chỉ để chứng tỏ đẳng cấp và khoe khoang chứ"?
Nguồn GAFIN/Reuters