Starbucks mang văn hóa của mình đến Việt Nam
Starbucks mở một cửa hiệu cà phê 2 tầng tại Sài Gòn trong tháng Hai vừa qua. Giám đốc điều hành Howard Schultz của Starbucks cho hay doanh thu từ cửa hiệu này đến nay đã vượt kỳ vọng, dù ông này không đưa ra những con số bán hàng cụ thể.
Không giống như bất kì quốc gia nào ở châu Á, Việt Nam từ lâu đã có văn hóa cà phê riêng.
Tuy vậy, vẫn có một số ý kiến cho rằng Starbucks cần phải bổ sung nhiều hơn. Một khách hàng tên Nguyễn Văn Minh Khánh, 24 tuổi, cho rằng Starbucks nên dùng phin cà phê đặt trên cốc như cách người Việt thường uống cà phê. "Nếu Starbucks muốn thành công ở Việt Nam, họ phải thay đổi cách thức phục vụ", Khánh nói.
Các doanh nghiệp cà phê nội địa như ông chủ cà phê Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ, khá tự tin rằng người Việt vẫn ưa chuộng loại cà phê sánh, đặc kiểu Việt Nam hơn. Không chỉ có khoảng 1.000 quán cà phê Trung Nguyên, mà còn có rất nhiều các cửa hiệu cà phê ở khắp nơi, từ quán vỉa hè, hàng rong trong các công viên, cho tới các quán sang trọng ở nội đô.
Ông Schultz phát biểu tại một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu tại Bangkok, rằng Starbucks không chỉ bán mỗi cà phê. "Không gian cà phê, cách bài trí cửa hiệu, trải nghiệm cà phê của người uống...là vài trong số những yếu tố khiến Starbucks chiếm vị thế khác biệt tuyệt đối so với bất kì đối thủ nào tại thị trường cà phê Việt Nam", ông nói.
Starbucks đã vượt qua nhiều thử thách để xâm nhập những thị trường tưởng như "khó nhằn" kể từ khi hãng mở cửa hiệu đầu tiên ở nước ngoài tại Nhật Bản năm 1996. Việc bước chân vào Việt Nam phản ánh nỗ lực duy trì hoạt động mở rộng khu vực kinh doanh của hãng này khi các thị trường như Mỹ và châu Âu tiếp tục tình trạng tăng trưởng yếu.
Tuy vậy, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi Starbucks đóng cửa một loạt cửa hiệu kinh doanh kém hiệu quả và giảm tốc quá trình khai trương các cửa hiệu mới ở Mỹ, Starbucks đang trở lại tiến trình mở rộng hoạt động tại chính quê hương mình. Hãng này dự định mở mới 1.500 cửa hiệu tại Mỹ trong vòng 5 năm tới, bổ sung thêm vào con số 11.100 cửa hiệu đã có tại thị trường này tính đến năm ngoái.
Có vẻ như Starbucks không bao giờ nhấc chân khỏi thị trường châu Á. Hãng này dự định tăng con số cửa hiệu tại thị trường Trung Quốc lên đến 1.500 cho tới năm 2015 và xác lập thêm 4.000 cửa hiệu khác trong khu vực châu Á. Các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á ngày càng đóng vai trò quan trọng với tư cách là khu vực tăng trưởng cho Starbucks. Hãng dự định tăng gấp đôi số cửa hiệu tại Thái Lan lên 320 và có thể sẽ tiến vào thị trường Myanmar trong một hai năm tới.
"10 năm trước, kế hoạch kinh doanh của chúng tôi dành cho những thị trường này có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế ngày nay", ông Schultz cho hay.
Tuy vậy, thị trường Việt Nam vẫn có thể là một thị trường khó chinh phục đối với Starbucks.
Starbucks mở cửa hiệu đầu tiên tại Sài Gòn trong năm nay, nhưng có vẻ như Starbucks sẽ khó cạnh tranh được với văn hóa cà phê có truyền thống qua hàng thập kỉ tại Việt Nam.
Văn hóa cà phê Việt Nam có từ thế kỉ 19, khi người dân thừa hưởng thói quen uống cà phê từ thực dân Pháp thời thuộc địa. Người Việt cũng trồng cà phê, thậm chí còn phát triển thêm một loại cà phê đặc biệt mang tên cà phê chồn. Một cân cà phê chồn có thể bán tại London hay New York với giá khoảng 500 USD.
Một vài khách hàng đầu tiên của cửa hiệu Starbucks tại Sài Gòn cho biết họ tò mò về không gian cà phê của Starbucks hơn là mùi vị cà phê của hãng này.
"Cảm giác đó khá mới mẻ và phấn khích", một khách hàng 22 tuổi, tên Nguyễn Ngọc Mai Hương, chia sẻ sau lần đầu tiên ghé thăm Stabucks ở Sài Gòn. "Tôi thích vị trí này, nhưng giá thì hơi cao so với những quán cà phê khác".
Hương cũng cho hay Starbucks có lẽ chỉ là một trào lưu mới của những người tiêu dùng trẻ. "Bố mẹ tôi nói họ thích uống cà phê truyền thống của Việt Nam hơn".
Nguồn WSJ