Thứ Sáu | 27/06/2014 11:18

Muốn cưới vợ? Phải mua nhà trước

Thầy giáo Hoàng rất vất vả để mua được một căn hộ ở Đài Bắc trong 4 năm trời. Giá nhà đất ở đây tăng cao chóng mặt, thầy Hoàng hi vọng mua nhà sẽ giúp thầy cưới được vợ.
Ảnh 1: Một cặp đôi Đài Loan đang ngắm nhìn bức thư họa Trung Quốc trưng bày trong một triển lãm sách tại Đài Bắc, Đài Loan.
Một cặp đôi Đài Loan đang ngắm nhìn bức thư họa Trung Quốc trưng bày trong một triển lãm sách tại Đài Bắc, Đài Loan.

“Lúc trẻ đi thuê nhà thì không sao, nhưng giờ tôi đã ngoài 30 tuổi, đã có thu nhập ổn định rồi, cần phải có cái nhà của riêng mình”, thầy giáo cấp III họ Hoàng chia sẻ. Hiện anh kiếm được khoảng 2.669 USD/tháng nhờ việc viết sách giáo khoa và dạy môn giáo dục công dân ở trường. “Tôi không thể nào hiểu nổi, nhà ở cái xứ này không phải để ở, mà là để đem bán mà thôi!”

Những người dân với nguyện vọng mua nhà để ở như anh Hoàng vô hình chung đã bị gạt ra ngoài thị trường, khi giá nhà đất tại Đài Bắc đã tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm trở lại đây, thúc đẩy bởi mức lãi suất cầm cố thấp.

Khi đợt bầu cử tháng 11 đến gần, đảng cầm quyền tại Đài Loan đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ mục tiêu xã hội hóa nhà ở cho nhân dân. Tổng thống Mã Anh Cửu đã đề xuất hàng loạt chương trình giúp cắt giảm chi phí nhà ở và tăng thuế đánh vào những kẻ đầu cơ bất động sản.

Nằm ở cực Bắc của hòn đảo Đài Loan xinh đẹp, ta có thể thấy ở Đài Bắc sự tồn tại song song những mái nhà xưa cũ, lụp xụp bên cạnh những tòa cao ốc văn phòng hiện đại, đáng chú ý là tháp Đài Bắc 101, một trong ba tòa nhà cao nhất trên thế giới.

Dân số của vùng đô thị Đài Bắc, hợp thành của Đài Bắc và một số vùng phụ cận đã lên tới xấp xỉ 6,64 triệu người.

Các tòa nhà dân sinh và thương mại tại Đài Bắc.
Các tòa nhà dân sinh và thương mại tại Đài Bắc.

Về các chỉ số lãi suất

Thị trường nhà đất của Đài Loan đã tăng trưởng mạnh mẽ sau khi chính phủ nới lỏng các quy định người dân phải chuyển thu nhập từ Trung Quốc đại lục về Đài Loan càng nhanh càng tốt. Ngân hàng trung ương Đài Loan đã hạ lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế. Sau cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thị trường nhà đất Đài Loan đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 3,3%/năm kể từ khủng hoảng năm 2008. 5 năm trước đó, mức tăng trưởng chỉ là 4,6%.

Khi mức lợi tức trái phiếu và lãi suất tiền gửi ở Đài Loan có nhiều xáo trộn, dễ hiểu vì sao công dân của hòn đảo này lại đổ tiền tiết kiệm vào thị trường bất động sản, khiến giá cả của mặt hàng đặc biệt này nhanh chóng tăng cao. Bên cạnh đó, lãi suất vay thế chấp kỷ lục cũng góp phần thúc đẩy thị trường nhà đất. Lãi suất này xuống mức thấp nhất là 1,62% trong năm 2010, sau nhiều tháng trời nằm dưới mức 2% kể từ tháng 2 năm 2009.

Trong phiên họp vào ngày 26/06 vừa qua, ngân hàng Trung ương Đài Loan nhiều khả năng sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản hiện đã duy trì suốt 12 quý liên tiếp áp dụng cho các khoản vay 10 ngày, ở mức 1,875%, mức trung bình theo nghiên cứu của các nhà phân tích Bloomberg. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng con số này có thể sẽ được nâng lên 2% trong quý cuối năm 2014.

Ảnh 3: Thị trường nhà đất ở Đài Loan đã tăng giá mạnh trong vài năm trở lại đây.
Thị trường nhà đất ở Đài Loan đã tăng giá mạnh trong vài năm trở lại đây.

Ghi nhận về giá nhà

Trong ba tháng đầu năm, nền kinh tế Đài Loan chững lại do sụt giảm nhu cầu xuất khẩu, khiến thị trường nhà đất cũng có phần nguội bớt. Khối lượng giao dịch đã giảm 14% so với năm trước, và giá nhà cũng giảm khoảng 1,3%, theo thông báo của của công ty môi giới bất động sản Sinyi Realty.

Ước tính giá một ngôi nhà ở Đài Bắc rơi vào khoảng 22,2 triệu Đài tệ (tương ứng 740.617 USD), với diện tích trung bình khoảng 110 mét vuông, theo số liệu thống kê hồi tháng 3.

Vào năm 2012, ngân hàng Trung ương Đài Loan đã nỗ lực để kìm hãm đà tăng giá bất động sản. Năm ngoái, thống đốc ngân hàng Trung ương đã yêu cầu các ngân hàng siết chặt các quy định về cho vay có thế chấp, vốn ở mức rất cao. Thống kê cho thấy 5 ngân hàng lớn nhất Đài Loan đã chi ra trung bình 45 tỉ Đài tệ/tháng cho các khoản vay mua nhà trong năm 2013.

Giới lập pháp Đài Loan cũng đã đưa ra biện pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhà đất hồi tháng trước với việc nâng mức lãi suất tối đa đánh vào bất động sản sở hữu không dành cho mục đích cư trú, từ 2% lên 3,6%.

“Chính quyền đang nỗ lực kiểm soát tình hình bằng các mức thuế và chính sách cho vay ngặt nghèo hơn, nhưng vấn đề là những kẻ đầu cơ bất động sản không bận tâm đến lượng tiền mặt họ có thể cầm giữ trong tay, vậy nên các biện pháp nêu trên chưa thể ngay lập tức làm giảm chi phí mua nhà. Có lẽ các nhà chức trách đang nhắm đến mục tiêu điều chỉnh mức giá từ từ, bởi sụt giá mạnh cũng không có lợi cho thị trường bất động sản cũng như toàn bộ nền kinh tế”, ông Cliff So, giám đốc điều hành công ty môi giới REPro Knight Frank tại Đài Bắc chia sẻ.

Uy tín của ông Mã Anh Cửu

Mức tín nhiệm dành cho ông Mã Anh Cửu đã tăng vọt kể từ khi ông trúng cử nhiệm kì hai vào năm 2012. Đẩy lùi chi phí bất động sản là một trong các ưu tiên của ông Mã và ekip của mình – đảng cầm quyền Koumintang – nhất là khi đợt bỏ phiếu tháng 11 đang ở trước mắt. Trong đợt bỏ phiếu này, người ta sẽ bầu ra các thị trưởng, các thành viên hội đồng thành phố cùng nhiều viên chức khác.

Tháng trước, ông Mã đã đưa ra cam kết sẽ tạo thêm 10.800 đơn vị nhà ở cho thuê trong vòng ba năm tới và tạo ra 11.000 nhà ở mới với mức giá chào bán thấp hơn giá thị trường. Cùng với đó, bộ trưởng Tài chính Đài Loan cũng cho biết chính quyền có thể “củng cố” các mức thuế áp vào sở hữu nhà đất và mở rộng cơ sở thuế với trọng tâm đánh vào các hệ thống nhà và biệt thự sang trọng.

Trở lại với những bức xúc trong dân

Giá nhà ở Đài Bắc hiện vẫn rất cao và những người như thầy giáo Hoàng hoàn toàn không thể cạnh tranh với các đại gia khác trong cuộc chiến giành giật một căn nhà, mặc dù ngân sách của họ không hề hạn hẹp (mức lương của nhà giáo 36 tuổi này cũng lên tới hơn 2500 USD/tháng). Đơn cử là, anh đã thua trong cuộc “đấu giá” căn hộ diện tích non 50m2 và chỉ có một phòng ngủ ở quận Trung Sơn cho một người trả giá 550.000 Đài tệ (khoảng 16.656 USD), cao hơn mức giá đề xuất của anh 50.000 Đài tệ. Anh những tưởng rằng căn hộ này sẽ rẻ thôi, bởi tòa chung cư này cũng đã gần 20 năm tuổi.

Bức xúc với thực trạng này, người thầy giáo trẻ tuổi đã dẫn đầu một nhóm thanh niên – đa phần là các sinh viên – tham gia vào cuộc biểu tình kéo dài 24 ngày án ngữ trước cổng cơ quan lập pháp Đài Loan, yêu cầu một cơ chế giá nhà đất hợp lý hơn cho người dân.

“Những thanh niên trẻ Đài Loan giờ đã hiểu ra rằng: nếu chúng tôi đấu tranh, sẽ có cơ hội cho những thay đổi tích cực. Dù vậy, tôi vẫn sẽ thuyết phục bạn gái tương lai chấp nhận thực tế rằng tôi chỉ có thể thuê nhà ở chứ chưa thể nào sở hữu một ngôi nhà đứng tên mình trong tình thế hiện nay”, thầy giáo Hoàng chia sẻ.

Nguồn GAFIN/DVO


Sự kiện