Thứ Sáu | 17/05/2013 08:08

Gin - 1 xu thì say, 2 xu thì chết vì say

Nếu ngày nay những “dân hâm mộ” Gin nói “Tôi có thể chết vì Gin” thì câu nói này đúng cả về nghĩa đen.
Không như những loại đồ uống khác, Gin và Tonic có cả ý nghĩa về mặt y học ngoài ý nghĩa ẩm thực.

Người ta bắt đầu đến với Gin Tonic vì nó là thuốc lợi tiểu và vì sợ bệnh sốt rét, người ta bắt đầu uống chúng nhiều hơn vì chúng rẻ quá, cuối cùng thì “cuồng“ lên vì sự hấp dẫn kỳ lạ của chúng. Cho dù nói gì thì nước Anh vẫn có “công” (hay “tội” ?) rất lớn cho sự phát triển của Whiskey và Gin.

Thuốc lợi tiểu

Năm 1650, một sự kiện y học không quá lớn lao nhưng lại rất có ý nghĩa đối với những người hay ngồi ở quán bar. Đó là việc bác sĩ Sylvius, hay còn gọi là Franz de la Bóe - một giáo sư dược ở Leiden, Hà Lan phát minh ra một loại thuốc nhằm chữa trị bệnh lợi tiểu. Loại thuốc nay nó được trộn cồn chưng cất từ gạo (neutral grain) pha với dầu ép từ cây bách xù (junper).

Bác sĩ Sylvius gọi thuốc này là “genever” hay “jenever” theo cách gọi của người Pháp “genìevre” là cây bách xù. Rượu Gin đã ra đời một cách “khoa học”cao cả như vậy. Tuy nhiên người ta đã biết rằng việc chưng cất được áp dụng cho mục đích tìm kiếm thuốc chữa bệnh đã bắt đầu từ thế kỷ 12 tại trường Dược Salermo. Phát kiến này có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ba Tư và Arập.

Từ những năm 1655, người ta sản xuất đại trà loại “thuốc” này để bán và những người lính Anh quốc lại rất khoái nó. Đến cuối thập kỉ 1680, mỗi năm người Hà Lan xuất khẩu khoảng 10 triệu gallon Gin sang các nước khác (một gallon Anh bằng 4,54 lít).

Lính Anh "khoái" uống Gin.

Nước Anh chào đón

Trong triều đại của nữ hoàng Mary (khoảng năm 1689), chồng bà - William - không hiểu lý do gì mà lại cấm rượu brandy của Pháp và tăng thuế nhập khẩu những loại rượu từ Đức vào Anh, đảm bảo một thị trường rộng lớn cho Gin của người Hà Lan ở đây. Ông còn khuyến khích việc sản xuất Gin tại các gia đình. Gin phổ biến với cái tên “Old Tom’s Gin”.

Năm 1690, người dân thủ đô London uống hết nửa triệu gallon Gin. 1695, chính phủ Anh tăng thuế đối với bia, làm cho Gin trở thành đồ uống rẻ nhất. Tất tần tật dân nhậu thuộc mọi tầng lớp đều khoái vì ngon và rẻ. Thập kỷ 1720 “Cơn cuồng Gin” tràn ra khắp nước Anh. Người ta quảng cáo “ Một xu thì say, hai xu và một cọng rơm (tức là cái ống hút) thì chết vì say”.

1729, nghị viện Anh thất bại trong những nỗ lực đầu tiên nhằm làm cho người dân London uống ít Gin hơn. Đến năm 1750, mỗi năm người dân London uống hết 11 triệu gallon Gin khiến nghị viện Anh hết chịu nổi. Họ quyết định mạnh tay hơn trong năm 1751 và khiến con số này giảm xuống chỉ còn 2 triệu gallon trong vài năm. Chất lượng cũng được cải thiện. Có vẻ như Gin đã trở thành đồ uống của những “quý ông”.

Robert Stein người Scotland và Aeneas Coffey người Ireland phát minh ra bình chưng cất dạng cột lớn (1825-1835) dẫn đến việc các nhà sản xuất khó can thiệp vào chất lượng sản phẩm hơn nhưng bù lại có đựợc chất lượng sản phẩm rất tốt. Đây cũng là một lý do là Gin phát triển khá cạnh tranh với Vodka trên toàn thế giới. Giữa thế kỷ 19, Gin có chất lượng cao hơn và dành cho tầng lớp trên. Chúng thường xuyên xuất hiện tại các câu lạc bộ của giới lắm tiền.

Nước bồn tắm

Giữa thế kỷ 18, Gin theo trên người Anh lên tàu đi “khai hóa” Châu Mỹ. Trong suốt thời kỳ cấm rượu, Người Mỹ vẫn tìm cách làm ra Gin theo cách riêng của mình là tách chất có hại ra khỏi công thức êtylic, theo hương vị của dầu bách xù, pha loãng rồi đóng chai.

Họ gọi là bathub gin (gin bồn tắm). Có khoảng 75 công thức khác nhau để làm biến đổi cồn êtylic do đó cũng có khoảng bằng đấy mùi vị của Gin tại Hoa Kỳ. Người uống có thể chết hay bị ngộ độ vì Gin. Nếu ngày nay những “dân hâm mộ” Gin nói “Tôi có thể chết vì Gin” thì ngày đó câu nói này đúng cả về nghĩa đen.

Trong lúc dân nhậu bên kia bờ đại dương đang khốn khổ với luật cấm rượu thì buổi bình minh của cocktail cũng bắt đầu tại nước Anh với sự ra đời của “Pink Gin”- Gin pha với vài giọt Angostura bitters. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của sự ra đời Dry Gin, thành phần chính làm Pink Gin, vào những năm 1970 này.
Thuốc lợi tiểu và ký ninh

Khi người Anh đến các nước Viễn Đông, bệnh sốt rét trở thành một nguy cơ luôn rình rập cơ thể “nhạy cảm” của họ. May mắn thay, ký ninh có thể giúp họ yên tâm về chống chọi với căn bệnh nhiệt đới này.

Ai đã từng uống Tonic đóng lon chắc cũng đồng ý rằng đấy là thứ đồ uống đắng ngắt. Người Anh cũng thấy đắng nhưng họ bắt buộc phải uống. Đơn giản là Tonic (hay còn gọi một cách dân dã là “nước bổ Ấn Độ”) là nước có chứa ký ninh. Thế là anh bạn Gin được pha vào để cho dễ uống mà vẫn mang lai ý nghĩa khoa học cho việc uống rượu.

Đến nay, cho dù không bị sốt rét nhưng người ta vẫn uống Gin pha Tonic tại các quán bar. Tất nhiên là chẳng ở đâu uống Gin Tonic với muối như ở Việt Nam ta. Bạn đừng vội cười ,hãy cứ ra các quan bar mà xem, vài người trong giới ăn chơi “sành điệu” vẫn đòi muối trong lúc uống say đấy. Có khi lại là sếp mình thì sao dám cười?

Tạm bỏ qua việc uống chanh với muối. Tôi muốn nói thêm một ý nghĩa nữa về mặt sức khỏe của Gin Tonic, ấy là loại đồ uống pha này có cả vitamin C. Bartender thường cho thêm chanh vào Gin Tonic. Chanh có vitamin C. Mặc dù chỉ là một lát chanh hay vài giọt nước chanh cốt thì ý nghĩa khoa học của loại đồ uống này vẫn làm dân đi bar thêm ủng hộ cuồng nhiệt.


Tại sao Gin Tonic phổ biến?

Vào bất kỳ quán bar, pub nào chúng ta cũng có thể bắt gặp một người đang uống Gin Tonic. Thứ đồ uống này không quá đắt, dễ pha ( hay nói đúng hơn là ai cũng pha được), chỉ cần đổ Tonic vào 4 cc Gin, cho lát chanh vào là xong. Ai thích đá thì cho thêm đá, bình thường Tonic đã được để lạnh rồi. Ai thích nặng thì pha ít Tonic, cho vào ly thấp (Old-fashioned), ai tửu lượng kém thì pha nhiều Tonic, cho vào ly cao (Thai tumbler).

Phụ nữ, đàn ông, thanh niên, người già ai cũng uống được, những người uống đến cốc bia thứ ba đã thấy khó chịu thì có thể chuyển sang uống cái thứ vừa là nước giải khát kiêm thuốc bổ cocktail này. Vị hơi chua của chanh, hơi đắng của Tonic và cái mùi ngai ngái rất riêng của Gin làm ra một thứ đồ uống vừa bình dân vừa cao cấp.

Từ nay bạn có thể sẽ đến các quán bar, pub nhiều hơn, bởi lẽ ngoài bia thì chúng ta có thêm một thứ đồ uống khác khá thú vị, hơn nữa lại có cớ để tối tối lang thang tại các quán bar: “Tớ đi uống thuốc chữa bệnh!”

Nguồn Lê Tiến Đạt


Sự kiện