Chủ Nhật | 08/06/2014 13:36

Đừng tưởng vang đỏ không thể dùng với thịt gà!

Thịt gà xơi kèm vang đỏ cũng chẳng sao, miễn là món sốt đi kèm làm từ tương cà hay vang đỏ.

Bắt đầu xuất hiện từ năm 1994, Hội chợ vang và rượu mạnh Montreal (Canada) là một trong những hội chợ về rượu lớn nhất trên thế giới. Đây là nơi mà những tín đồ rượu vang có thể tìm hiểu và thưởng thức gần 2000 dòng sản phẩm, một nửa trong số đó tuyệt nhiên không phải thứ rượu được nhập khẩu hàng loạt. Người ta phải rất tinh ý và bỏ nhiều công sức để tìm được những món vang hàng hiếm này.

Người phát ngôn cho sự kiện đặc biệt này là Elyse Lambert, một chuyên gia uy tín hàng đầu trong lĩnh vực về rượu tại Canada. Ngoài vai trò của mình trong sự kiện, bà Elyse còn là một chuyên viên hầu rượu (sommelier) tại nhà hàng XO nằm trong khách sạn St. James tại Montreal, đồng thời được biết tới như một nhà tư vấn toàn thời gian về rượu.

Cùng lắng nghe những chia sẻ của Elyse về rượu, về nghề hầu rượu, cũng những bí quyết đắt giá trong việc lựa chọn và thưởng thức rượu ngon.
 

winesfordummies


Lựa chọn vang, dễ và khó

Điều đầu tiên khi muốn mua vang, bạn phải rõ là mình muốn vang đỏ hay vang trắng. Nếu mua tặng rượu cho người khác, bạn nên hỏi rõ về ý thích của người được tặng.

Tiếp theo, hãy cân nhắc đến hầu bao. Trên thực tế, khách hàng định mức tiền chi cho vang sẽ tương ứng tỉ lệ với mức tiền họ chi cho các món ăn. Ví dụ, nếu khách sẵn sàng chi ra 60 USD (khoảng 1,2 triệu đồng) cho các món ngon, thì khả năng là họ cũng hoàn toàn vui vẻ chi từng đó cho món vang uống kèm.

Lẽ dĩ nhiên, mỗi khách hàng có những nhu cầu và khả năng tài chính khác nhau, và cũng hoàn toàn bình thường khi nhiều người có xu hướng tiêu xài mạnh tay cho một trải nghiệm rượu khác biệt. Cách tốt nhất là cung cấp chính xác thông tin cho những người hầu rượu tại nhà hàng, và lắng nghe ý kiến của họ để được thưởng thức ly vang hợp ý nhất, vừa túi tiền nhất.

Thế còn những “chuẩn” khi dùng rượu vang thì sao?

Thật khó nói về từ “chuẩn” khi bàn về vang và cách thức thưởng thức vang. Dầu vậy, người ta đẻ ra đủ thứ “chuẩn”, từ việc bạn không được dùng tính từ “khan” cho vang đỏ, cho tới việc bạn không được uống vang trắng sau vang đỏ.

Đặc biệt là những chuẩn liên quan tới việc kết hợp một số loại thức ăn với vang đỏ và một số loại khác với vang trắng: chỉ được là như vậy mà không phải là ngược lại.

Thực tế là, khi kết hợp đồ ăn và rượu uống, bạn chỉ cần chú ý tới thành phần nước sốt hay các thứ gia vị đi kèm theo món ăn, chứ không phải bản chất món ăn đó làm từ thịt hay cá. Thịt gà xơi kèm vang đỏ cũng chẳng sao, miễn là món sốt đi kèm làm từ tương cà hay vang đỏ. Tương tự với cá, nếu bạn ăn cá bơn mà nước sốt của bạn có thành phần rượu vang đỏ, đừng ngại ngần rót một ly vang đỏ để thưởng thức cùng món ăn.

Và nếu không vừa ý, đừng ngại “trả lại”

Trong trường hợp bạn thấy không “vừa miệng” với món vang được phục vụ, đừng ngại ngùng bày tỏ thẳng thắn cảm nhận của mình. Tất nhiên, bạn không nên quá gay gắt hay quyết liệt.

Tìm kiếm thông tin về rượu ở đâu? Đâu là cách hay để tích lũy tri thức về rượu?

Bạn có thể tìm đọc cuốn Wine for Dummies, một cuốn sách hay và xứng đáng là sách nhập môn cho những ai muốn học về rượu.

Sách rất dễ đọc, dễ nắm bắt, và bạn sẽ được làm quen với những thuật ngữ về rượu cũng như những vùng trồng vang có tiếng. Bạn cũng có thể tìm mua các sách hướng dẫn về vang như Francois Chartier, trong đó có nêu chi tiết cách kết hợp vang với từng loại thực phẩm.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm đến một nhà bán lẻ rượu vang. Hãy nói chuyện với chuyên viên bán hàng, chia sẻ những cảm nhận, sở thích của mình về rượu. Những chuyên gia này sẽ luôn cho bạn những gợi ý tuyệt vời, bởi họ là những người trong nghề và thường xuyên được thử vị nhiều loại rượu vang.

Vang nước nào là ngon nhất?

Câu hỏi này chẳng khác gì hỏi một người “Bà yêu đứa nào nhất trong số các con của mình?”. Nhưng có lẽ để đưa ra một ý kiến chủ quan, thì đa số các chuyên gia rượu cho rằng Pháp vẫn là quốc gia số một trong việc cung cấp cho thế giới những chai rượu tuyệt hảo.

Vang Pháp cũng hết sức đa dạng, và mỗi vùng sản xuất lại có những đặc trưng riêng. Ví dụ như ngày đầu hè, nhấm nháp chút phô mai với ly champagne thì thật là hết ý. Hoặc giữa tháng 11 lạnh buốt mà có một tô súp thịt đậu nóng hổi, kèm theo chút rượu Madiran đến từ vùng Tây Nam nước Pháp thì sẽ thấy ấm lòng.

Riêng thứ vang Bordeaux sẽ mang lại cho nhiều người trải nghiệm vị giác nhớ đến cả đời.

Ly dùng rượu: Chi tiền cho một bộ ly đúng chuẩn, có nên hay không?

Cái gì cũng nên đi thành bộ với nhau, và ly cũng sẽ thêm vào những giá trị nhất định cho rượu. Nếu bạn không cho rượu một không gian để thể hiện mình, bạn sẽ không tận hưởng được “phong độ” cao nhất của nó.

Bên cạnh đó, một bộ ly phù hợp cũng không nhất thiết phải là hàng đắt đỏ. Hãy tìm mua ly Riedel Ouverture, vừa túi tiền, mà bạn hoàn toàn có thể cho chúng vào máy rửa chén bát.

Phải làm sao để trở thành một chuyên gia hầu rượu (Sommerlier)?

Để làm được nghề này, bạn phải có một bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) về quản lý khách sạn. Sau đó, bạn mới có thể đăng ký tham dự một khóa đào tạo Sommelier chuyên nghiệp kéo dài trong sáu tháng.

Ngành công nghiệp rượu rất đồ sộ, đôi khi bạn không biết phải bắt đầu từ đâu, và vì thế, hướng dẫn của những người đi trước luôn rất thiết thực và quý giá. Sau vài năm làm nghề, những kinh nghiệm bạn tích lũy được về rượu sẽ nhiều thêm, khiến cho trải nghiệm của bạn với nghề càng thêm đa dạng, phong phú.

Vậy chính xác thì Sommerlier phải làm những gì?

Chuyên viên hầu rượu là người làm việc tại các nhà hạng và chuyên trách về việc mua cũng như xây dựng một bộ sưu tập rượu đặc trưng cho nhà hàng đó. Hàng tuần, một Sommerlier phải tạo lập một danh sách rượu mới, tùy theo yêu cầu cũng như nhu cầu riêng của mỗi nhà hàng hay khách sạn.

Nghề hầu rượu đem đến cho con người ta cơ hội được khám phá những điều mới mẻ. Khi menu rượu của bạn chẳng bao giờ thay đổi, khách sẽ nhàm chán vì lần nào đến cũng chỉ được chào mời những ly rượu giống nhau. Còn nếu danh sách rượu ngon của nhà hàng thường xuyên được cập nhật, khách sẽ rất hứng thú được thưởng thức đồ ăn ngon cùng những ly vang ngon, mới lạ.

Và hẳn nhiên, kĩ năng kết hợp hoàn hảo từng loại rượu với từng món ăn là khía cạnh quan trọng nhất của nghề hầu rượu.

Năng lực thưởng rượu là bẩm sinh hay có thể học hỏi?

Có rất nhiều câu hỏi mà những người tò mò hay hứng thú với nghề Sommelier có thể đặt ra. Bạn có thể học để trở thành một Sommerlier, hay đây là năng lực bẩm sinh? Liệu làm nghề này có yêu cầu một năng lực cảm nhận hương vị siêu phàm?

Câu trả lời là: Bạn có thể học để trở thành một người hầu rượu, nhưng nếu bạn mắc các vấn đề về vị giác hay khứu giác, lẽ dĩ nhiên con đường đến với nghề của bạn sẽ khó khăn hơn.

Dẫu vậy, năng lực cảm nhận hương và vị là những kĩ năng mà cá nhân chúng ta có thể tập trung phát triển. Nó cũng giống như việc bạn rèn luyện trí nhớ của mình vậy. Với nghề hầu rượu, bạn cần nhận biết được những làn hương khác nhau, vậy nên hãy dành thời gian để khám phá mùi hương của mọi thứ xung quanh. Giả dụ, bạn hãy cầm một trái cam lên, hít hà mùi hương bao bọc trái quả, và cố gắng ghi nhớ nó trong đầu.

Nguồn GAFIN/DVO