Đi ăn với đối tác: Ai nên trả tiền
Giả sử bạn đi ăn trưa hoặc ăn tối với đồng nghiệp hoặc những người bạn cộng tác. Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho tới lúc phải tính tiền. Lúc này, ai nên là người đứng ra "hứng mũi chịu sào"?
Trong trường hợp bình thường nếu bạn không chủ động, khi tính tiền sẽ khiến bạn lúng túng. Trường hợp tệ hơn, đây sẽ là "bước ngoặt" tạo ấn tượng xấu trong mối quan hệ của bạn và người dùng bữa cùng. Bạn cũng có thể nghĩ rằng "bữa ăn chẳng tốn mấy đồng, sao phải nghĩ nhiều". Khá nhiều người đồng ý như vậy, nhưng đâu là quy chuẩn chung cho điều này trong quan hệ công việc?
Bạn có thể tham khảo 5 nguyên tắc dưới đây từ chuyên gia tư vấn Steve Tobak, đối tác quản lý của công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại thung lũng Silicon, Invisor Consulting. Không ai muốn tốn thời gian vào việc suy nghĩ về những chuyện quá nhỏ nhặt, nhưng người biết rõ "luật chơi" luôn là người "đỡ phải nghĩ" nhất.
1. Sếp luôn là người "chủ chi"
Nếu bàn ăn có sự tham gia của sếp hoặc trước đây từng nắm giữ vị trí "sếp", hãy để cho vị sếp đó thanh toán. Thậm chí trong cùng một tổ chức, những người ở vị trí lãnh đạo cao hơn nên là người cầm hóa đơn trả tiền. Nếu họ không làm vậy, họ chỉ đơn giản là tự tạo hình ảnh không tốt với cấp dưới.
2. Nếu ai đó đề nghị trả tiền, nên lịch sự để họ làm vậy
Khi bạn nhận quà, bạn sẽ tỏ lòng biết ơn hoặc cảm ơn người tặng quà. Nếu ai đó trên bàn ăn đề nghị họ là người thanh toán hóa đơn, đừng phản đối hoặc "đưa qua đẩy lại" rằng "để tôi" hoặc "để anh". Trường hợp này, tốt nhất là lịch thiệp để họ làm theo ý mình.
3. Nếu không ai cầm hóa đơn thanh toán, bạn nên là người đứng dậy nhận vị trí đó
Trường hợp gây lúng túng nhất là khi bồi bàn để hóa đơn thanh toán trên mặt bàn và có vẻ như không ai có ý định cầm lấy nó. Càng để lâu càng có gây không khí không dễ chịu. Trường hợp này, bạn có hai lựa chọn: Chủ động móc ví của mình ra hoặc đề nghị cả nhóm cùng chia đều tiền hóa đơn. Trường hợp chia đều tiền là hợp lý, đừng so bì rằng bạn chỉ dùng salad trong khi ông bạn đồng nghiệp gọi rượu và một món chính.
4. Người mời là người trả tiền
Với những bữa ăn dạng "chủ-khách", người mời luôn là người trả tiền. Trường hợp này phụ thuộc chủ yếu vào "chủ". Nếu người mời chỉ có khả năng thanh toán hóa đơn dưới 1 triệu đồng, thì nên chọn nhà hàng hoặc nơi gặp gỡ có mức giá hợp lý. Đừng chọn nơi nào bắt bạn thanh toán vài triệu đồng/bữa trưa. Tuy vậy, trường hợp "chủ" là một công ty nhỏ, "khách" thuộc một tập đoàn lớn hoặc "chủ" mất công đáp chuyến bay tới gặp "khách" thì đây là câu chuyện khác.
5. Người nào được giúp đỡ trong công chuyện kinh doanh, người đó nên là người chi trả
Nếu ai đó có ý định giúp đỡ bạn hoặc giúp bạn thoát khỏi một số khó khăn trong công việc và họ nói chuyện này trong một lần dùng bữa với bạn, bạn nên trả hóa đơn (với điều kiện ví bạn đủ "dày" để làm điều này). Hành động này chỉ chứng tỏ rằng bạn bày tỏ thiện ý với "lời vàng ngọc" của đối tác.
Nguồn Dân Việt/Inc