Thứ Sáu | 31/01/2014 11:21

Bảo tàng - Cuộc chơi đời người

Mỗi bảo tàng đều là sự thể hiện chiều sâu văn hóa của chủ nhân.

Chơi bảo tàng tốn tiền núi, tốn thời gian nhưng là cuộc chơi đem lại “tấm bằng vô giá về văn hóa” cho chủ nhân, bởi mỗi bảo tàng đều là sự thể hiện chiều sâu văn hóa. Những cuộc chơi ấy đòi hỏi sự chuẩn bị mười năm, ba mươi năm, thậm chí suốt một đời người.

Nơi kể chuyện chiếc áo dài Việt

Sĩ Hoàng luôn làm người ta ngạc nhiên về những điều anh làm. Anh mê kiến trúc nhà vườn truyền thống, và anh đã xây dựng không gian kiến trúc nhà rường tuyệt đẹp trong công trình nhà vườn Long Thuận ở quận 9, TP.HCM. Địa chỉ văn hóa xanh này chuyên đón người muốn có một điểm thư giãn để sống với thiên nhiên. Cứ ngỡ anh bận rộn với nhà vườn Long Thuận, thì Sĩ Hoàng lại đang lo cho một giấc mơ mới ra đời cuối năm 2013: Bảo tàng Áo dài Việt.

Cuộc đời Sĩ Hoàng đầy ắp trải nghiệm vui buồn, thăng hoa và trăn trở với hình ảnh chiếc áo dài. Mẹ anh là một luật sư từng có trên 100 chiếc áo dài.

Tủ áo dài của bà mẹ ấy có những nét thăng trầm của một giai đoạn lịch sử sau 1975: Những chiếc áo dài bị cắt ngắn để mặc vào ngày bình thường, tà áo cắt rời để tận dụng may áo cho các con trong những năm tháng đói kém.

Nhưng lại cũng có những câu chuyện khác. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một gương mặt tiêu biểu cho nét đẹp của phụ nữ trí thức Việt Nam, đã giữ gìn chiếc áo dài cưới ba đời, từ người bà đến mẹ và con gái đều mặc chiếc áo dài quý giá ấy để về nhà chồng, như mang theo một lời dặn dò gồm bốn chữ công - dung - ngôn - hạnh.

Chiếc áo dài ấy là biểu tượng của nếp nhà mà người phụ nữ phải luôn tâm niệm, gìn giữ và truyền dạy cho con gái. Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã tặng bảo vật ấy cho Bảo tàng Áo dài Việt.

Một người phụ nữ nổi tiếng khác là bà Nguyễn Thị Bình, tặng Bảo tàng Áo dài Việt chiếc áo dài mà bà đã mặc khi còn đương nhiệm. Chiếc áo dài đã theo bà đến Paris, nơi diễn ra những sự kiện ngoại giao vô cùng căng thẳng suốt hơn 5 năm để đem lại hòa bình cho Việt Nam.

Hàng nghìn chiếc áo dài khác sẽ kể những câu chuyện riêng có về một cuộc cách tân trang phục, hay về những người con gái Huế Trường Đồng Khánh nổi tiếng, hay các cô sinh viên mặc áo dài trắng xuống đường biểu tình trước năm 1975.

baotangaodaivietnam.com
Sĩ Hoàng đã sưu tập hàng nghìn bức ảnh, bức tranh cho Bảo tàng Áo dài Việt, trong đó có những bức tranh hoặc ảnh tư liệu về tranh của những họa sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Trung đã vẽ người phụ nữ trong chiếc áo dài Việt Nam.

Là một chuyên gia về áo dài Việt, Sĩ Hoàng là người “số 1” không chỉ trong lĩnh vực thiết kế, mà cả trong nghiên cứu rất sâu về áo dài. Cuộc chơi này của anh, nó như hệ quả của nghiệp, bao năm sáng tạo làm đẹp cho người phụ nữ bằng trang phục áo dài.

Anh không làm các trang phục khác, chỉ chuyên tâm về thiết kế áo dài. Bảo tàng Áo dài Việt độc nhất này cung cấp cho người xem một cái nhìn xuyên suốt về lịch sử, có nghiên cứu, có thẩm thấu, đồng thời cũng không hiếm chất thơ từ một tạo vật đẹp luôn đi cùng người phụ nữ Việt Nam.

Chốn lưu giữ hồn nghề, nếp nhà

Mới đây, ông chủ thương hiệu gốm sứ Minh Long 1 đã thổ lộ cuộc chơi mới của ông. Con người bận rộn này chơi gì? Ông làm bảo tàng, và dĩ nhiên không thể là cái gì khác ngoài thứ ông hiểu nhất: gốm sứ - Bảo tàng Gốm sứ Minh Long trên cái nôi gốm sứ Bình Dương.

Thì ra sự yêu gốm sứ của ông Lý Ngọc Minh không chỉ ở khía cạnh sáng tạo không ngừng. Tình yêu thương, gắn bó và hiểu cái cổ truyền, chắt lọc những tinh hoa nghề gốm cổ đất Bình Dương đã tạo đà cho Minh Long 1 phát triển.

Bộ sưu tập gốm cổ, các loại bếp lò xưa, hình ảnh tư liệu và gốm sứ Minh Long gìn giữ lại. Sản phẩm của Minh Long 1 thì đã ra khắp thế giới, còn tại bảo tàng nghề gốm ở Bình Dương, du khách sẽ tìm về cái nôi của thương hiệu ấy, để hiểu mảnh đất ấy, con người sống nơi đó đã đi từ cái thô sơ của nghề đến với triết lý một sản phẩm mang đậm hồn Việt nhưng lại không biên giới, không thời gian.

Ảnh: Nguyễn Văn Khánh
Cũng từ cái nghề lâu năm trùng tu nhà cổ, hai cha con một người thợ mộc tài hoa đã trở thành những doanh nhân thành đạt. Những công trình xây dựng nhà vườn nổi tiếng nhất ở Việt Nam đều có sự đóng góp của Vina House, của ông Lê Văn Tăng và người con trai Lê Văn Vĩnh.

Trong quá trình buôn bán nhà cổ, chàng trai trẻ Lê Văn Vĩnh bỗng mê mệt kiến trúc nhà rường, cất công tìm hiểu lịch sử,văn hóa của kiến trúc Việt. Rồi nhiều lần ông chủ trẻ quyết bước qua những cám dỗ lợi nhuận để không bán đi ngôi nhà có giá trị về kiến trúc và chạm khắc.

Nhưng đâu chỉ có tiền, có nhà cổ đem về xếp đầy là có thể “chơi bảo tàng”. Những buổi nói chuyện với Lê Văn Vĩnh cho người đối diện biết rằng anh đã trở thành một chuyên gia uyên bác về kiến trúc nhà Việt cổ.

Bảo tàng Không gian kiến trúc Việt đã mở cửa vào tháng 8 năm 2013, gần Hội An. Đó là một quần thể với 18 nếp nhà cổ xưa tiêu biểu và 15 công trình kiến trúc được phục dựng.

Bảo tàng Không gian kiến trúc Việt
Cuộc chơi này là trải nghiệm với cuộc sống của người Việt từng vùng miền, với những tập quán sinh hoạt để lại nơi ngôi nhà, với bàn tay tài hoa của người thợ mộc xưa, hay những vật dụng thân thuộc của đời sống nông nghiệp nay chẳng còn mấy bóng dáng.

Những người Huế khó tính nhất có thể hài lòng với nhà vọng nguyệt tại vị trí phía Đông được bố trí như tính cách trong vườn Huế - một chỗ ngồi êm ả với cốc trà trong sương sớm hay chén rượu ngắm trăng lúc canh khuya.

Nhà tam gian tứ hạ Quảng Nam được sưu tầm từ nhà của cụ bà Trần Thị Thao ở thôn Đại Phú, Đại Lộc, là căn nhà duy nhất có kích thước lớn nhất cũng như số cột nhiều nhất - 108 cây cột.

Nhà tranh tre một gian hai chái được phục chế và có niên đại 102 năm. Trong nhà trưng bày rất nhiều nông cụ như thúng, bồ, cối xay, cối giã... Bên hông nhà vẫn còn nguyên vẹn bếp nấu củi mà người xưa vẫn dùng.

Với trải nghiệm đầy cảm xúc qua Bảo tàng Không gian kiến trúc Việt, du khách có thể thưởng lãm bao nét đẹp cổ kính, những giá trị di sản tuyệt mỹ mà bao thế hệ người Việt đã dày công tạo dựng.

Đến đây, được tận mắt thấy những ngôi nhà truyền thống của ba miền đất nước, cảm nhận được tính đa dạng, phong phú trong kiểu dáng kiến trúc thể hiện tính cách, thói quen, tư duy và văn hóa sống vùng miền của người xưa, đã thông minh sáng tạo để dựng nhà phù hợp với điều kiện sống.

Nhìn vào lối kiến trúc, cách thiết kế nội, ngoại thất và bài trí không gian sinh hoạt, ăn ở, thờ cúng..., có thể hiểu tính cách, địa vị của chủ nhân đã xây dựng được “nếp nhà” - văn hóa sống mang tính đạo đức truyền thống.

Chơi như thế, chẳng thẹn với tổ tiên!

Nguồn www.doanhnhansaigon.vn


Sự kiện