Thứ Hai | 11/08/2014 11:30

Báo Anh: Đặc biệt như xưng hô họ hàng của người Việt

Những quy tắc về ngôn ngữ xưng hô của người Việt rất dễ "đánh đố" người khác, nhất trong trong các buổi họp gia đình đa thế hệ.
Nhật báo Guardian Anh quốc đầu tháng 8 này mới đăng một bài viết của tác giả Connla Stokes về chuyện xưng hô "phức tạp" trong gia đình người Việt.

Ảnh: Một hình ảnh trong chương trình dạy xưng hô bằng tiếng Việt cho người nước ngoài Everydayviet.com.
Một hình ảnh trong chương trình dạy xưng hô tiếng Việt cho người nước ngoài Everydayviet.com.

Nhân đám giỗ bà dì của vợ tôi ở TP. HCM, cả 2 phía gia đình nội ngoại cùng tụ họp và nhiều tình huống xưng hô dở khóc dở cười xảy ra.

Khi nói chuyện, người Việt rất khắt khe trong việc xưng hô theo quan hệ họ hàng để mọi người biết bản thân họ thuộc thế hệ nào và ai sẽ là người rửa bát cuối bữa ăn (thường là người phụ nữ nhỏ tuổi nhất trong gia đình). Tuy nhiên, cách xưng hô theo quan hệ họ hàng có thể dẫn đến những tình huống phức tạp, nhất là khi một người kết hôn đến lần thứ hai.

Trong bữa giỗ bà dì, mọi người giới thiệu tôi với con gái riêng của chồng chị gái cùng mẹ khác cha của mẹ vợ tôi. Tôi 38 tuổi nên có thể gọi "bà con gái riêng" này là "bác" hoặc thậm chí là "bà", nhưng tôi phải gọi là "chị" và gọi chồng chị, người đã ngoài 70 tuổi, là "anh".

Chồng chị, người đang ngồi nhâm nhi ly vang đỏ (sản phẩm nội địa), là người đàn ông già nhất trong căn phòng, nhưng theo quan hệ họ hàng ở gia đình vợ tôi thì ông không thể ngang hàng với một số người khác trong bữa tối hôm đó. Và người này phải gọi bố vợ tôi là "chú" với thái độ thiếu tự nhiên.

Khi bữa ăn bắt đầu, những chuyện phức tạp với đại từ nhân xưng tiếp diễn khi một người đàn ông 35 tuổi, người là "cháu trai" của tôi, bế xốc cô con gái 10 tuổi đến trước mặt tôi và yêu cầu cô bé chào tôi bằng "ông" và chào cậu con trai 4 tuổi của tôi bằng "chú". Lúc đó con trai tôi không nhận lời chào vì còn bận giận dỗi. Vì vợ tôi là chị cả trong nhà nên con trai của em gái cô ấy phải gọi con trai tôi là "anh" mặc dù con trai tôi ít tuổi hơn nhiều.

Người Việt khi nói chuyện thường xưng hô ở ngôi thứ ba.

Chẳng hạn, một bà mẹ thường tự xưng là "mẹ" hoặc "má" khi nói chuyện với các con. Cách xưng hô này rất hữu ích khi bạn không gặp họ hàng sau một khoảng thời gian dài. Trước đó, cũng trong một lần tụ họp gia đình khác, vợ bảo tôi phải lễ phép với một người phụ nữ trung niên vì đó là người có cấp bậc cao nhất trong họ hàng nhà bố chồng tôi. "Thế tên cô ấy là gì?", tôi hỏi. Vợ tôi nhún vai. Cô ấy không nhớ tên và chuyện đó chẳng quan trọng. "Chỉ cần nói Chào Bác thôi!".

Ngoài quan hệ gia đình, người Việt cũng thích sử dụng lối xưng hô họ hàng. Khi hai người Việt cùng lứa tuổi và có nhiều điểm tương đồng về xuất thân gặp nhau lần đầu, họ sẽ cố gắng đoán từ ngoại hình hoặc cách nói chuyện xem ai nhiều tuổi hơn. Nhưng họ cũng có thể nhầm. Vợ tôi từng khó chịu khi phát hiện ra một người mà cô ấy gọi là "chị" trong nhiều năm thực ra lại trẻ hơn cô ấy.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn với những người không thông thạo tiếng Việt. Để thể hiện sự tôn trọng với khách hàng quen, một chủ tiệm bánh khoảng 40 tuổi mà tôi vẫn hay ghé khi ở Hà Nội chào tôi là "Chào anh"; trong khi đó, trường hợp này lẽ ra người đó phải chào tôi là "Chào em", vì tôi trẻ tuổi hơn. Thế mà lần đó tôi đã chào lại: "Chào em". Nhưng ông chủ cửa hàng liền trả lời: "Anh à, anh không thể gọi tôi là Em được, vì Anh trẻ tuổi hơn tôi nhiều lắm. Thế nên cứ gọi tôi là Anh nhé".

Thế là đủ thấy người ta cho tôi lên xuống cấp bậc cùng lúc khi dùng các đại từ nhân xưng khác nhau. Sau đó, tôi thấy chuyện gọi cà phê từ một "cô em" dễ dàng hơn nhiều.

Nguồn GAFIN, Guardian/DVO


Sự kiện