Báo Anh: Bản tin Rap News Plus và sức mạnh lay chuyển giới trẻ Việt
Dù bạn có quan tâm hay không, đây là bản tin Rap News Plus đưa tin về những vấn đề văn hóa nóng hổi và tình hình quốc tế đáng quan tâm, đang thu hút được nhiều chú ý và hưởng ứng từ giới trẻ Việt Nam và cộng đồng mạng, nhật báo Guardian (Anh quốc) đánh giá.
"Vẫn có nhiều người trẻ không dành sự chú ý cho tin tức", anh Trần Minh Phương, 27 tuổi, một trong ba người dẫn chương trình (MC) của Rap News, nhận xét. "Họ quan tâm nhiều hơn tới tin lá cải và những thứ vớ vẩn về người nổi tiếng".
Phương không phải là một nhà báo. Ban ngày, anh là kiến trúc sư công trình xây dựng. Phương cùng hai bạn thác của anh là Võ Việt Phương (nghệ sĩ tự do, 25 tuổi) và Nguyễn Trọng Đức (nhân viên bán hàng, 27 tuổi) làm MC cho bản tin Rap News Plus lúc rảnh rỗi. Cả 3 người này là thành viên của nhóm hip-hop có tên Da Lab.
Tháng 11 năm ngoái, bộ ba được báo điện tử VietnamPlus mời tham gia một chương trình đưa tin nhằm vào giới trẻ - đây là bước đi đầu tiên của Rap News Plus (tên chính thức của bản tin Rap News). Chương trình này đến với độc giải thông qua kênh Youtube chính thức và một số nền tảng online khác. Cho tới hiện tại, bản tin Rap News thu hút hàng nghìn lượt xem, bản thân một số bản tin Rap News đạt hơn 500,000 lượt xem.
"Chúng tôi nghĩ âm nhạc là cách tốt nhất để chuyển tải các thông điệp", ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus cho hay. "Nếu chúng tôi đưa bản tin lên báo giấy, độc giả chẳng mấy quan tâm. Nếu đưa lên TV, họ thậm chí còn phớt lờ. Nhưng nếu mang tới điều gì thú vị hơn cho độc giả, họ có thể sẽ thích thú hơn".
Nhà báo Trần Lệ Thùy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển MDI cho hay "Truyền thông Việt Nam đang chịu áp lực từ việc thu hút độc giả và quảng cáo, kiểu áp lực chung như báo chí toàn cầu".
Trong khi thị trường điện thoại thông minh đang tăng trưởng không ngừng, Việt Nam là thị trường tiêu thụ video lớn thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan, giám đốc điều hành của công ty Phong phú sắc Việt Pops WorldWide, bà Esther Nguyen, cho hay. Hiện tại, POPS Worldwide là đối tác duy nhất ký hợp tác bản quyền với YouTube (thuộc tập đoàn Google).
Khách hàng chính của thị trường này thuộc độ tuổi từ 13 đến 25.
"Họ luôn kiếm tìm cái gì đó mới mẻ, cái gì đó khác biệt thu hút họ", bà Esther nói. Đây chính là nguyên nhân khiến VietnamPlus sản xuất bản tin Rap News 2 tuần một lần - nhịp độ vừa đủ để giữ chương trình tươi mới và hấp dẫn. Ông Minh thường được cô con gái 15 tuổi "tham vấn" về mỗi số ra của Rap News.
Trung bình, mất khoảng 4 ngày để hoàn thành một bản tin Rap News. Ban biên tập của chương trình chọn các chủ đề nhất định và 3 người dẫn chương trình trong vai trò rapper sẽ thể hiện các nội dung được biên tập viên của VietnamPlus ấn định và thông qua.
"Quy tắc là không được chửi thề, không được dùng tiếng lóng trong bản tin", ông Minh nói.
Rap vốn là một hình thức thể hiện âm nhạc do thị dân người da đen ở New York sáng tạo nên. "Thật không dễ để thuyết phục các sếp ở VietnamPlus. Họ không thực sự hiểu nó lắm", theo ông Minh.
Tại Việt Nam, nhạc rap chính thức hình thành khi rapper (người biểu diễn nhạc rap) Thái Việt G ra mắt ablum nhạc rap có tên Vietnamese Gangs năm 1997. Đây có thể được xem là album nhạc rap đầu tiên tại Việt Nam. Kể từ đó, nhạc rap dần trở nên thịnh hành, nhưng chịu nhiều giám sát và kiểm duyệt do bị xem là "chuyển tại các nội dung thô tục, bạo lực, giới tính và các vấn đề chính trị nhạy cảm".
"Bản thân hip-hop không được nhìn nhận một cách tích cực ở Việt Nam", nhà nghiên cứu âm nhạc Barley Norton, thuộc Đại học Goldsmiths London cho hay. "Thêm vào đó, thế hệ rapper trẻ luôn muốn khẳng định sự khác biệt, họ không muốn có chút gì giống các thế hệ đi trước".
Một quan chức cấp cap thuộc bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam nói "Dù người ta có thích hay ghét nhạc rap thì vẫn không có lý do để cấm loại nhạc này phát triển ở Việt Nam. Nhạc rap quá ồn ào và lời lẽ vô cùng khó hiểu, thế nên đa phần người Việt không thích nó". Ông này khẳng định chắc nịch rằng người già như ông nghe nhạc rap "không nổi, không vào đầu được".
Tờ Guardian dẫn lời rapper Nguyễn Sơn (nghệ danh Nah, sống tại TPHCM): "Hơn tất cả, nhạc rap nói lên sự thật. Người ta nói đủ thứ hư hỏng trên phố. Tôi không hiểu tại sao họ lại giấu nhẹm đi những chuyện đó mà không mang chúng vào âm nhạc. Hiện thực mới là nghệ thuật đích thực".
Các rapper kiêm người dẫn chương trình của bản tin Rap News Plus đồng ý với quan điểm này ở một mức độ nhất định.
"Nhiều rapper có thói quen kể đủ thứ chuyện vô nghĩa ngoài phố. Nhưng với chúng tôi, chúng tôi có công việc, gia đình, những vấn đề trong cuộc sống thường nhật. Chúng tôi chỉ kể những thứ trong khuôn khổ đó", anh Trần Minh Phương cho hay.
Tuy vậy, nhiều người làm nhạc chỉ trích bộ ba thể hiện bản tin Rap News "không phải là những rapper thực sự". Lý do chính là vì lời lẽ trong bản tin rap được viết và chỉnh sửa đến mức đơn giản nhất để giúp bất kỳ ai nghe cũng hiểu được đoạn rap đang nói về vấn đề gì.
"Chúng tôi phải giữ cho mỗi bản rap đơn giản, dễ hiểu, để ai cũng có thể theo dõi được", Võ Việt Phương nói.
Hiện tại, bản tin Rap News đang ở giai đoạn vận hành đầu tiên và chưa đặt mục tiêu thu hồi lợi nhuận. VietnamPlus đang là đơn vị chi tiền sản xuất chương trình này, trong đó, bộ ba người dẫn chương trình làm việc "miễn phí". Thử thách ở đây là tuổi thọ của bản tin Rap News kéo dài bao lâu. "Tôi hi vọng tương lai, bản tin Rap News sẽ có một khoản dành riêng cho các người dẫn chương trình", ông Minh nói.
Phương, một trong ba người dẫn chương trình của Rap News tâm sự "Người ta thường mang nhạc rap đi kể chuyện tiêu cực trong quá khứ. Tôi thì nghĩ khác, nếu chúng ta có thể làm thứ gì đó tốt đẹp hơn, thì hãy nói về những thứ tích cực và tốt đẹp. Có như thế thì người khác mới thay đổi được định kiến về nhạc rap".
Xem bản tin Rap News Plus 16 - số mới nhất kể về vụ máy bay nhầm địa chỉ, vụ chụp sen và World Cup:
Nguồn GAFIN, Guardian/DVO