Hằng Nguyễn Thứ Hai | 17/09/2018 09:15

Người Pháp làm kịch về Sài Gòn

Ông Vincent Floreani, Tổng Lãnh sự Pháp, đánh giá: “Vở kịch là hiện tượng Pháp thành công trên toàn cầu”.

Rộn ràng kịch Tết

Kịch nói đang vắng bóng mỹ nhân?


Gây tiếng vang lớn tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Avignon năm 2017, sau đó, vở kịch Sài Gòn được khán giả chào đón nồng nhiệt tại rất nhiều quốc gia.

Sài Gòn 1956 - Paris 1996

Năm 1950, chuyến bay đầu tiên kết nối nước Pháp với Việt Nam được điều hành bởi Hãng hàng không Air France. Qua hơn 80 năm hoạt động, hãng hàng không đã chuyên chở hàng triệu con người đi qua những mốc lịch sử, năm 1956, những người Pháp cuối cùng rời Việt Nam sau khi Hiệp định Paris được ký kết và năm 1996 khi những người Pháp gốc Việt được phép hồi hương. 

Cuộc chia cắt 40 năm gây ra những thương nhớ, hoài niệm với những người Việt xa xứ. Nỗi nhớ quê hương của những con người đã đi xa nửa vòng Trái đất, sự xa lạ đối với quê hương của những đứa con thế hệ thứ nhất sinh ra trên đất khách quê người, sự xa cách về ngôn ngữ và không chia sẻ cùng kỷ niệm giữa các thế hệ trong gia đình đã tạo nguồn cảm hứng để nữ đạo diễn 36 tuổi Caroline Guiela Nguyen tạo nên vở kịch Sài Gòn.

Caroline Guiela Nguyen là Việt kiều Pháp, có mẹ là người Việt Nam. Cô là một đạo diễn sân khấu còn trẻ nhưng rất tài năng. Sau khi học về xã hội học và nghệ thuật biểu diễn, Caroline Guiela Nguyen theo học ngành đạo diễn sân khấu Trường Sân khấu Quốc gia Strasbourg. Năm 2016, cô đã được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn Chương và được đề cử giải thưởng Molière năm 2015 cho tác phẩm Elle brûle và năm 2018 cho tác phẩm Sài Gòn.

Sài Gòn chọn bối cảnh là một nhà hàng mang tên Sài Gòn, vì quán ăn thường là nơi những người Việt xa xứ gặp gỡ nhau. Chỉ riêng bối cảnh sân khấu đã thu hút người xem, một sự pha trộn giữa màu sắc châu Á và sự trống rỗng cách điệu. Cảnh trí được chuyển một cách khéo léo giữa một nhà hàng tại Sài Gòn của năm 1956, sau đó chuyển thành một nhà hàng khác ở Paris năm 1996.

Giữa hai thời điểm đó, những hoài niệm, nhớ nhung và tiếc nuối được dồn nén trong quãng thời gian gần nửa thế kỷ và chỉ được nguôi ngoai phần nào sau khi những người xa quê sẽ được gặp lại những hương vị, những âm thanh thân thuộc từ quê nhà.

Cầu nối quá khứ hiện tại

Kịch bản Sài Gòn được sáng tác theo phương pháp ứng tác bởi Caroline và 11 diễn viên từ chuyên nghiệp đến không chuyên có xuất thân là người Pháp, người Việt ở Pháp và người Việt Nam. Điều này hoàn toàn mới lạ với các diễn viên đến từ Việt Nam, nơi thường diễn với những kịch bản sẵn có, mang tính chất rất “sân khấu” với mọi thứ được cường điệu và đóng khung, nói bằng thứ ngôn ngữ trau chuốt.

Chọn cách ứng diễn, Caroline muốn lột tả những cảm xúc gần gũi và sát thực tế, xuất phát từ những tình cảm cá nhân và chân thực. “Tôi thực sự sống với thời điểm ấy”, Huỳnh Thị Trúc Ly, cô diễn viên sinh năm 1995, vừa tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh chia sẻ. “Suất diễn nào cũng là suất đầu tiên” là điều mà Trúc Ly cảm nhận trong quá trình tham gia Sài Gòn.

“Vở diễn mang tính xã hội, nhân văn và hiện thực cao”, nhạc sĩ Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM, nhận xét. Theo nhạc sĩ, sự hiện đại trong biểu hiện cảm xúc đã gây ấn tượng mạnh với người xem, ví như cảnh tranh cãi giữa hai mẹ con, trong lúc người con nói tiếng Pháp thì người mẹ nói tiếng Việt. Khi một thế hệ mất đi rồi, chuyện đời nay sẽ thành chuyện đời xưa.

Nguoi Phap lam kich ve Sai Gon
 

Caroline Guiela Nguyen, khi đó 15 tuổi, đã cùng mẹ và bà ngoại trở về Sài Gòn. Lần đầu tiên đến Việt Nam, cô cảm thấy mọi thứ “hoàn toàn xa lạ”. Cảm giác này choáng ngợp đến mức cô ở trong nhà suốt hai tuần và không dám bước ra ngoài. Tuy có mẹ là người Việt Nam, Sài Gòn không phải là một cuốn tự truyện của Caroline Guiela Nguyen. Không kể về cuộc đời của mẹ cô, Caroline xây dựng vở kịch dựa trên những câu chuyện ít khi được nhắc đến, câu chuyện về những người Việt Nam sang Pháp những năm 1950 và chỉ trở về quê hương sau năm 1996.

Caroline không đặt mình vào vị trí của những người Việt Nam trong vở kịch này mà hoàn toàn nhìn từ góc độ của người Pháp. “Người Việt tại Pháp dường như muốn khẳng định bản sắc Việt Nam hơi quá mức. Tôi thấy nỗi nhớ quê hương được nuôi dưỡng trong một quán ăn như thế nào, người ta tái hiện ở đó một mảng Việt Nam như thế nào, đó là nơi làm người ta có thể quên rằng mình đang ở Pháp”, Alice Duchamp, chuyên gia phối cảnh của đoàn kịch Les Hommes Approximatifs, cho biết.

Được mang đến Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp, vào 2 đêm 21 và 22.9.2018, Sài Gòn sẽ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, tái hiện bức tranh giàu cảm xúc của cuộc đời những con người xa xứ.