Ảnh: QH
Người lớn tuổi trong thế giới ảo
Khu nghỉ dưỡng Vietsopetro, Hồ Tràm, Việt Nam những ngày hè nhộn nhịp hơn với lượng khách gia đình. Cùng với trẻ em, những người lớn tuổi thường cùng con cháu du lịch dịp này. Nhưng thay vì lặn ngụp trong sóng biển, hay ngâm mình ở hồ bơi, hầu hết các cụ ở trên bờ, tay cầm điện thoại di dộng, chụp hình con cháu, “selfie”, thực hiện “video call” hoặc “livestream” chia sẻ cảnh quan mình đang tận hưởng lên mạng xã hội. Mỗi phản hồi tích cực từ phía cộng đồng, bất kể thân sơ đều khiến họ cười rôm rả. “Giờ cả nhà tôi ai cũng có điện thoại thông minh, anh em họ hàng gọi nhau mỗi ngày nói chuyện miễn phí, vui lắm!”, bà Huệ Từ, quê ở Ninh Hòa, hiện sống tại TP.HCM chia sẻ.
Kết nối với Zalo, Facebook từ năm 2017, đến nay, hầu như mỗi ngày, bà đều cập nhật trạng thái lên mạng xã hội. Sống với con gái, nhà có người giúp việc theo giờ, nhiệm vụ của bà mỗi ngày chỉ là trông nhà, đưa đón cháu ngoại đi học. Thế nên, chiếc điện thoại thông minh, màn hình lớn trở thành công cụ giúp bà kết nối với thế giới. Ngoài việc liên lạc với bà con, bạn bè, bà còn lướt web để nắm tình hình. Những thông tin bà thường đọc chủ yếu là hình sự, người nổi tiếng và sức khỏe. Chị Nguyễn Mai Hương, con gái bà, cho biết: “Nếu như ngày trước, mẹ tôi nói với con cháu chuyện trên tivi, các nghệ sĩ nói gì, chơi gameshow gì thì bây giờ bà chỉ nói về những vụ “cướp - giết” rúng động. Thi thoảng đọc được tin ăn uống gây hại, bà lại gọi nhắn nhủ cả họ hàng thân sơ biết để đề phòng”.
Bà Huệ Từ là một trong những điển hình của những người già đang bị internet tác động làm thay đổi hành vi. Số liệu từ We are social cho thấy, năm 2018, Việt Nam có hơn 96 triệu dân nhưng số lượng người dùng internet lên đến 64 triệu người, chiếm đến 67% dân số cả nước, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, độ tuổi từ 55-64 chiếm 8,24% và trên 65 tuổi chiếm 6,01%.
Theo Vinaresearch, trung bình 1 ngày người Việt Nam dành 2,12 giờ để truy cập mạng xã hội, riêng đối với Facebook thời gian truy cập mạng xã hội này là nhiều nhất (3,55 giờ), cao hơn so với mức trung bình 1,42 giờ. Theo báo cáo này, 55 triệu là số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam tính đến đầu năm 2018. Trên Facebook, số người dùng trên 65 tuổi tăng gần 20% trong năm qua. Tương tự, với Zalo, mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam, tỉ lệ người dùng trên 41 tuổi chiếm đến 7% và con số này đang không ngừng tăng lên.
Người già đang say sưa với thế giới mà internet tốc độ cao mở ra cho họ. “Tôi không còn thấy mình quá nhàn rỗi và có nhiều thông tin để đọc. Việc liên lạc, theo dõi đời sống của bạn bè thời xưa cũng giúp chúng tôi vui hơn, bớt cô đơn hơn khi con cháu đi làm, đi học...”, bà Trần Thị Ngọc Diệp, 65 tuổi, hiện sống tại quận 7, TP.HCM chia sẻ.
Tác động của internet lên hành vi của người lớn tuổi không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà là câu chuyện chung của thế giới. Nghiên cứu từ Kaspersky Lab và B2B International cho thấy, trên toàn cầu, số lượng người già truy cập internet đang tăng khá nhanh. 84% người dùng ở tuổi 55 trở lên thường truy cập internet tại nhà nhiều lần trong ngày và 44% dành ít nhất 20 tiếng mỗi tuần cho internet. Tại Anh, tỉ lệ người từ 65-74 tuổi sử dụng internet đã tăng từ 52% vào năm 2011 lên 80% vào năm 2018.
Với YouTube, lượng người dùng trên 55 tuổi đã tăng tới 75% mỗi tháng trong năm 2018, từ đó nội dung dành cho độ tuổi này cũng tăng theo. Sự nhiệt tình của người lớn tuổi trong việc kết nối internet mang đến thế giới ảo rất nhiều bất ngờ. Những cụ ông, cụ bà làm cư dân mạng “dậy sóng” thời gian qua, như trường hợp bà Tân Vlog ở Việt Nam khoe các món ăn khổng lồ, cụ bà Mastanamma 106 tuổi người Ấn Độ hướng dẫn nấu các món Ấn truyền thống trên YouTube ngày càng nhiều hơn.
Kéo theo thực tế, những “nút vàng”, “nút bạc”, danh hiệu cho những kênh nội dung thu hút lượng người xem lớn, không còn dành riêng cho các kênh nội dung được đầu tư bài bản hay kênh riêng của các ngôi sao trong làng giải trí.
Nghiên cứu từ Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy, 95% người cao tuổi cảm thấy từ hài lòng đến rất hài lòng với việc công nghệ giúp cuộc sống của họ bớt cô đơn hơn vào lúc xế chiều. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu của Tiến sĩ Bruce Hardy tại Đại học Temple (Mỹ) cho thấy, những người từ 30 tuổi trở lên nếu có sử dụng mạng xã hội thì dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý. Dù chưa có những nghiên cứu cụ thể nhưng mạng xã hội chắc chắn có những tác động tới những người lớn tuổi tại Việt Nam. Từ những người già cô đơn khi bị con cháu bỏ rơi trong cuộc sống, những người già thêm một lần cô đơn trên chính mạng xã hội.
“Điều đáng ngại là bên cạnh việc kết nối, nắm bắt thông tin, các cụ không được chuẩn bị để hiểu được mặt trái của mạng xã hội”, chị Nguyễn Mai Hương nhận xét. Chị kể, từ khi kết nối mạng xã hội, dù họ hàng liên lạc với nhau dễ dàng hơn nhưng những thị phi trong gia đình cũng nhiều hơn. Xích mích cũng nảy sinh từ những lời nhận xét vô thưởng vô phạt. Chưa kể, việc liên tục xem những thông tin tiêu cực, hình sự mà các trang tự động đề xuất các thông tin tương tự còn khiến các cụ bi quan, có cái nhìn lệch lạc với cuộc sống.
Đáng ngại hơn là lừa đảo qua mạng. Nghiên cứu của Kaspersky cho thấy, 86% người già kết nối internet không nghĩ mình là mục tiêu của tội phạm mạng và không tự bảo vệ mình đúng cách. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science, những người lớn tuổi có khả năng chia sẻ tin tức giả trên Facebook gấp gần 7 lần so với thế hệ trẻ. Ngoài ra, trí nhớ suy giảm theo tuổi tác có thể làm suy yếu khả năng chống lại ảo tưởng về sự thật.
Thực tế này đòi hỏi người già phải có những hướng dẫn, chuẩn bị và cảnh báo cần thiết trước khi họ gia nhập thế giới ảo. Đừng bỏ rơi họ một lần nữa. Lần này là trong thế giới ảo!