Hiện có khoảng 178.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia.
Người Hàn Quốc tại Việt Nam: Hành trình kết nối từ kinh tế đến văn hóa
Tại hai "phố Hàn" ở TP.HCM, có những khu vực mà người dân có thể làm mọi việc bằng tiếng Hàn, từ chăm sóc nha khoa, chơi golf ảo đến đầu tư chứng khoán và tư vấn bất động sản.
Ngoài hai khu vực này, còn có cộng đồng người Hàn sinh sống tại Hà Nội và các cụm nhỏ hơn ở Bình Dương, Đồng Nai, nơi tập trung nhiều nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện có khoảng 178.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam, nhiều hơn 60.000 người so với tổng số người Hàn ở phần còn lại của Đông Nam Á, theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Chỉ có Mỹ, Nhật Bản, Canada và Trung Quốc là có cộng đồng người Hàn đông hơn.
Trong quý I, Hàn Quốc đã đầu tư 670 triệu USD vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành thị trường đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc, chỉ sau Mỹ và một số thiên đường thuế, theo Statista. Số liệu từ chính phủ Việt Nam cũng cho thấy Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư 88,3 tỉ USD từ năm 1988 đến cuối tháng 9.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam khá đa dạng, từ các công ty nhỏ cho đến tập đoàn chaebol như CJ Group, sở hữu chuỗi rạp chiếu phim lớn, sản xuất phim, phân phối thực phẩm và vận hành các trang trại tôm. Làn sóng đầu tư mạnh mẽ bắt đầu sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, một thập kỷ sau khi vào ASEAN. Samsung mở nhà máy đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2009 và hiện sản xuất một nửa số điện thoại của hãng tại đây. Quyết định của Samsung trở thành động lực thu hút nhiều doanh nghiệp Hàn khác.
Hiện cộng đồng người Hàn đang điều hành khoảng 10.000 doanh nghiệp tại Việt Nam, gấp đôi con số cách đây tám năm, theo Phòng Thương mại Hàn Quốc. Thương mại hai chiều đạt 86,5 tỉ USD năm 2022 và hai chính phủ đặt mục tiêu nâng con số này lên 150 tỉ USD vào năm 2030.
Bà Mindy Nguyệt, Giám đốc Nghiên cứu tại Dragon Capital, cho biết đầu tư Hàn Quốc đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, từ việc phát triển các ngành công nghiệp đa dạng hơn đến nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển.
Người Hàn tại Việt Nam không chỉ sinh sống mà còn chi tiêu nhiều, tham gia các câu lạc bộ thể thao, thuê kế toán, bác sĩ, giáo viên gia sư đến đầu bếp và thiết kế nội thất. Họ còn gắn kết tài chính cá nhân với Việt Nam qua việc mua nhà hoặc mở doanh nghiệp tại đây.
Đơn cử như Ngân hàng Woori Bank Vietnam, ông Park Jongil, CEO Woori Bank Vietnam, cho biết ngân hàng đã mở rộng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu tăng cao từ khách hàng người Hàn, đặc biệt là dịch vụ huy động vốn cá nhân. Ngân hàng đã triển khai chương trình “Two Chairs”, nơi khách hàng gặp gỡ chuyên gia tài sản để được tư vấn về thế chấp, quản lý quỹ và bảo hiểm.
“Sự gần gũi về văn hóa và truyền thống giúp người Hàn dễ dàng thích nghi khi sống và làm việc tại Việt Nam”, ông Park cho biết, đồng thời nhấn mạnh sự tương đồng văn hóa từ nền tảng Nho giáo đến ngôn ngữ. Tiếng Việt từng dùng chữ Hán và vẫn giữ nhiều từ có âm tương tự tiếng Hàn.
Dù vậy, không phải lúc nào việc hợp tác cũng diễn ra suôn sẻ. Một số thách thức vẫn tồn tại, như sự khác biệt trong chuỗi cung ứng và văn hóa làm việc căng thẳng từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. “Người Việt chăm chỉ nhưng mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống”, ông Ngô Văn Khải, quản lý tài sản tại Timensit, nói.
Mối quan hệ thương mại và văn hóa vững chắc đã phần nào lấn át những khác biệt này, nhờ vào làn sóng yêu thích văn hóa Hàn Quốc của người Việt. Hiện có khoảng 80.000 gia đình Hàn-Việt sinh sống tại Hàn Quốc, nơi văn hóa Việt Nam cũng có sức ảnh hưởng nhất định.
Thậm chí, Triều Tiên cũng duy trì mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam, một trong số ít quốc gia tiếp đón Chủ tịch Kim Jong Un và cho phép các doanh nghiệp Triều Tiên hoạt động.
Ở một góc độ nào đó, Việt Nam được xem như một “vũ trụ song song” cho người Hàn Quốc. Người Việt cũng có xu hướng ưa chuộng mô hình phát triển của Hàn Quốc, với các tập đoàn lớn như Hyundai và Lotte tạo ra những thay đổi kinh tế mạnh mẽ, đồng thời mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Ông Park, một luật sư, nhận xét người Hàn cảm thấy được chào đón tại Việt Nam nhờ sự phổ biến của văn hóa Hàn Quốc, từ thời trang đến âm nhạc. “Khi đi karaoke, đồng nghiệp người Việt còn thuộc nhiều bài K-pop hơn tôi. Đây không phải là một đất nước xa lạ, mà là nơi người Hàn cảm thấy thân quen và muốn gắn bó lâu dài”, ông chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm:
Đồng USD mạnh đẩy kinh tế toàn cầu vào vòng xoáy khó khăn?
Nguồn Nikkei Asia