Thái Bình Thứ Hai | 05/02/2018 07:51

Người giàu thế giới đang di cư đến đâu?

New York (Mỹ), Auckland (New Zealand), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), Montreal và Toronto (Canada) là những thành phố đáng sống nhất đối với người giàu có.

Những người giàu trên thế giới hiện tại đang rời khỏi trung tâm tài chính London, Anh và thành phố Lagos, Thổ Nhĩ Kỳ khi mà những thắt chặt về thuế khiến cho việc thừa kế và đầu tư trở nên đắt đỏ.

Thống kê cũng cho thấy, những quốc gia có nhiều người di cư ra nước ngoài nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, với tổng cộng gần 20.000 người ra nước ngoài định cư trong năm vừa qua.

Theo báo cáo mới Global Wealth Migration Review được công bố cuối tháng 1, nhiều cá nhân có giá trị tài sản ròng cao đang rời khỏi trung tâm tài chính Anh London và thành phố Lagos, Istanbul.

Cụ thể, khoảng 5.000 người giàu rời Anh trong năm 2017, trong khi chỉ có 1.000 người đến đây sinh sống. Người giàu rời London để tránh thuế mới khiến việc thừa kế và đầu tư trở nên đắt đỏ hơn. Nhiều người giàu châu Âu cũng rời thủ đô tài chính Anh vì nước này sắp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

“Hơn 30 năm qua, Vương quốc Anh là một trong các nước đón nhiều cá nhân giàu có nhập cư nhất. Dù vậy, xu hướng này thay đổi vào năm 2017, đất nước trải qua đợt di cư ròng đầu tiên của các cá nhân giàu có”.

Việc nhiều người giàu di cư thường là dấu hiệu rắc rối trong nền kinh tế chính trị của một nước. Người giàu thường là những người đầu tiên rời đi vì họ đủ khả năng tài chính, không như tầng lớp trung lưu hay người nghèo.

Các thành phố đón nhiều người giàu nhập cư trong năm qua là Auckland, Dubai, Montreal, New York, Tel Aviv và Toronto. Tổ chức New World Wealth cho hay họ chỉ tập trung vào những người giàu thật sự đã di cư, tức những người sống ở đất nước mới hơn nửa năm.

Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là hai nước có số người giàu di cư nhiều nhất, song một khi mức sống cải thiện, nhiều người có lẽ sẽ quay về. Mumbai, trung tâm tài chính Ấn Độ, được dự báo là thành phố có mức độ giàu có tăng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tiếp theo.

Tài sản của người dân cả nước Ấn Độ sẽ tăng gấp ba trong thập niên tới, lên đến 25.000 tỉ USD. Tài sản ở trung Quốc thì tăng 180% lên 69.000 tỉ USD. Tổng tài sản người giàu Mỹ chỉ tăng 20% song vẫn sẽ đứng đầu danh sách với 75.000 tỉ USD giá trị tài sản.

Tổng tài sản của người dân toàn cầu vào khoảng 215.000 tỉ USD. Tài sản ròng trung bình của một cá nhân là 28.400 USD, song có 15,2 triệu người giàu trên thế giới với tài sản được định nghĩa là 1 triệu USD trở lên.

Nga là nước “bất bình đẳng nhất” khi 24% số tài sản nằm trong tay nhóm tỉ phú. Nhật Bản là nước bình đẳng nhất khi chỉ 3% tổng tài sản nằm trong tay tỉ phú. Một số nước có nhiều người giàu bỏ đi nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Nigeria, Anh, Nga, Pháp và Brazil. Người giàu thường di cư đến Canada, Mỹ, đảo Síp.
 


 

Nguồn Bloomberg