Phương Quyên Thứ Năm | 23/08/2018 07:30

Ngôi trường vinh danh hạnh phúc

Dự án Trường học Hạnh phúc ở Việt Nam hướng đến các phương pháp thực hành kỹ năng hạnh phúc cho hệ giáo dục từ bậc mầm non đến khi trưởng thành.

Buổi sáng, đến trường, cả lớp cùng nhau dành cho bản thân vài phút tĩnh lặng, tập hít thở đúng cách, tập quan sát suy nghĩ của mình. Sau đó, lại cùng nhau ngồi thành vòng tròn, chia sẻ chuyện bản thân và nghe bạn bè kể chuyện.

Cuối ngày, sau giờ học kiến thức, trẻ lại cùng nhau ra vườn, chăm cây, tưới rau, nghe thiên nhiên đang biến chuyển theo ngày. Không gian sống nơi ngôi trường ấy vẫn có những căng thẳng, vẫn có những giận hờn nhưng những năng lượng tiêu cực ấy được trẻ nhận biết và chuyển hóa chúng thành năng lượng tích cực. Trẻ hiểu bản thân, hiểu người khác và hiểu được thiên nhiên. Đó là mô hình của những ngôi trường hạnh phúc.

Hiểu bản thân, hiểu người khác và hiểu mẹ thiên nhiên

Giáo sư Hà Vĩnh Thọ (Giám đốc Eurasia Learning Institute for Happiness and Well-Being, nguyên Giám đốc Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia Bhutan), người sáng lập dự án Trường học Hạnh Phúc, cho biết, bất cứ đứa trẻ nào cũng được quyền hạnh phúc. Nhưng muốn có được hạnh phúc, chúng ta cần có kỹ năng. “Kết nối được với bản thân để hiểu mình, kết nối được với người khác để hiểu người khác và kết nối với mẹ thiên nhiên để trân trọng và gìn giữ môi trường chung chính là 3 chìa khóa để mở được cánh cửa đến với hạnh phúc”, Giáo sư Thọ nói.

Ngoi truong vinh danh hanh phuc
 

Lấy cảm hứng từ mô hình Trường học Hạnh Phúc của UNESCO, Giáo sư xây dựng và chính thức triển khai dự án Trường học Hạnh Phúc ở Việt Nam vào tháng 4.2018. Ông cho biết, chương trình là một ứng dụng mô hình Học tập Cảm xúc và Xã hội (Social and Emotional Learning). Dựa trên yếu tố lớn nhất là tình yêu thương, dự án hướng đến mục tiêu hỗ trợ phát triển một chương trình rõ ràng và các phương pháp thực hành kỹ năng hạnh phúc cho hệ giáo dục từ bậc mầm non đến khi trưởng thành.

Sau khi triển khai thành công tại Tịnh Trúc Gia, nơi sống và làm việc của thanh thiếu niên khuyết tật, do chính Giáo sư Thọ sáng lập, dự án mới chính thức được thí điểm tại 6 trường từ tiểu học đến trung học tại Huế. Bắt đầu là từ việc huấn luyện cho giáo viên hiểu được cơ chế vận hành của ngôi trường hạnh phúc. Tham gia chương trình, giáo viên phải trải nghiệm những điều sẽ áp dụng với học sinh của mình. Họ học ngồi thiền, học cách chia sẻ và học cả cách lắng nghe.

Nguồn năng lượng tuyệt vời

“Thời gian đầu, những khóa đào tạo rất khó tổ chức. Bởi vì, muốn thay đổi môi trường học tập của học sinh, phải bắt đầu từ thay đổi của giáo viên”, Giáo sư nói. Đây thực sự là thách thức với những người làm công tác giáo dục. Theo chị Chiêu Anh, giảng viên tại Đại học Hoa Sen, thành viên của nhóm nghiên cứu kỹ năng nuôi dạy Việt Nam, một dự án của Đại học Hoa Sen và Trung tâm Hỗ trợ Gia đình (Đại học Queensland), một trong những người điều hành dự án Trường học Hạnh Phúc, giáo viên khi tham gia huấn luyện phải chấp nhận thay đổi bản thân, thậm chí là thay đổi phương cách giáo dục của mình. Thời gian đầu, nhiều người đã tưởng rằng mình sẽ bỏ cuộc. May mắn, họ đã vượt qua. “Khi tất cả giáo viên 6 trường cùng cố gắng, họ tạo nên nguồn năng lượng tuyệt vời từ những thay đổi của mình”, chị Chiêu Anh nói.

Bỏ không ít thời gian di chuyển từ Thuỵ Sĩ về Việt Nam để trực tiếp đào tạo cho thế hệ hạt nhân đầu tiên của dự án, Giáo sư Thọ cho biết, ông rất hạnh phúc khi nhìn thấy những tín hiệu tích cực đầu tiên từ dự án. Giáo sư kể, có một câu chuyện khiến ông rất ấn tượng. Có một học sinh thường xuyên không làm bài tập về nhà. Việc này khiến giáo viên rất lo lắng trách mắng học trò và gọi điện để nhờ phụ huynh nhắc nhở. Biết được thông tin ấy, phụ huynh lại mắng thêm cậu học trò. Như vậy, mỗi lần không làm bài tập, cậu ấy bị mắng hai lần nhưng tình hình không hề được cải thiện.

Tuy nhiên, khi áp dụng vòng tròn hạnh phúc, cả lớp ngồi chia sẻ cùng nhau, cậu học trò ấy được dịp mở lời, rằng cậu bế tắc khi về nhà, chứng kiến bố mẹ liên tục cãi nhau. Đây chính là nguyên nhân khiến cậu không thể nào tập trung làm bài tập. Hiểu được nỗi buồn của học trò, người giáo viên kia không làm theo cách cũ. Cô dành một khung giờ riêng cho học trò của mình xử lý bài tập về nhà tại lớp. Nhờ vậy, chỉ một thời gian ngắn, thành tích học tập của cậu bé được cải thiện đáng kể.

Theo Giáo sư Thọ, khoa học đã chứng minh, việc có mặt của giáo dục cảm xúc trong nhà trường làm tăng thành tích học tập lên 10-12%. “Đó chính là điều tuyệt vời mà hạnh phúc và sự sẻ chia có thể mang lại”, Giáo sư nói.

Từ các kinh nghiệm thí điểm ban đầu, dự án sẽ liên tục được điều chỉnh trong 3 năm tới để sau đó có một chương trình Trường học Hạnh Phúc hoàn thiện. Hiện chương trình và quá trình này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức phê duyệt và sẽ trở thành chương trình toàn quốc khi hoàn thành.

Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành giáo dục Việt Nam. Để làm được điều này, nguyên Giám đốc Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia Bhutan đã phải đối diện với rất nhiều thách thức. Ông chia sẻ: “Chúng tôi mất khá nhiều thời gian để thuyết phục chương trình của mình không có yếu tố tôn giáo mà thuần là khoa học cảm xúc. Tuy nhiên, khi đã hiểu điều chúng tôi đang làm, các tổ chức cũng nhiệt tình ủng hộ”.

Đón nhận nhiệt tình hơn cả là những người sáng lập các trường tư thục. Tuy nhiên, dù sẽ khó khăn hơn nhưng mong muốn của Giáo sư và những người thực hiện dự án là triển khai Trường học Hạnh Phúc ở khối công lập trước, bởi nơi đây tập trung phần lớn trẻ em “bình dân”. Từ những điểm sáng này, khối các trường tư thục có thể tham khảo và triển khai, bộ phận điều hành dự án sẽ tham gia công tác tư vấn. “Dù đó là môi trường nào, đích đến cuối cùng của chúng tôi vẫn là hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của đứa trẻ. Như đã nói, hạnh phúc là kỹ năng mà đã là kỹ năng mọi người có thể được đào tạo để có hạnh phúc”, Giáo sư nhấn mạnh

Giáo Sư Hà Vĩnh Thọ là một diễn giả quốc tế về Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia, về hạnh phúc và an sinh nằm ngoài chỉ số GDP. Ông đứng đầu chương trình đào tạo, học tập và phát triển trong Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và nhân phẩm của nạn nhân chiến tranh. Ông sáng lập và là Chủ tịch của Eurasia Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận phát triển các chương trình giáo dục cho trẻ em và thanh niên khuyết tật, cũng như các dự án sinh thái ở Việt Nam.