Giải pháp làm việc tại nhà được nhiều công ty áp dụng nhằm tránh lây lan virus trong cộng đồng. Ảnh: QH

 
Hà Cúc Thứ Năm | 19/03/2020 11:25

Ngồi nhà, tránh virus

Dịch bệnh cũng là phép thử của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ trong môi trường làm việc linh hoạt.

Ngay những ngày đầu bùng phát dịch COVID-19, Công ty VNG cho phép tất cả nhân viên vừa trở về từ vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao (Trung Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang) có thể làm việc tại nhà trong vòng 2 tuần trước khi trở lại văn phòng. Kyber Network, mạng giao dịch tiền số phân quyền, cũng thông báo cho toàn bộ nhân viên tại Hà Nội làm việc từ xa từ ngày 9.3 cho tới khi có thông báo mới. 

Các hoạt động từ xa này khiến người ta nhớ đến phong trào (telework) tại Nhật - chiến dịch khuyến khích các công ty và tổ chức trên toàn quốc cho phép nhân viên không cần đến văn phòng để làm việc. Chiến dịch nhắm vào 2 mục đích: giảm tải giao thông tại các thành phố lớn và thay đổi lối làm việc quá mức của người dân. Nhưng lần này, làm việc tại nhà chỉ có 1 mục đích: tránh dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 đã biến Trung Quốc thành quốc gia làm việc tại nhà lớn nhất thế giới. Tại tâm dịch, các tập đoàn như Alibaba đã cấp miễn phí cho 10 triệu doanh nghiệp toàn bộ hệ thống văn phòng tại nhà của phần mềm công cụ văn phòng DingTalk. 

 

Xu hướng này tại Việt Nam cũng diễn ra khi các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác trước dịch cúm đã khiến hơn 5.000 người tử vong trên toàn thế giới. Truyền thông trong nước phổ biến kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân với hơn 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của COVID-19 tới hoạt động kinh doanh. Theo đó, nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. 
Sống chung với dịch bệnh và làm việc từ xa là giải pháp của nhiều doanh nghiệp. “Làm việc tại văn phòng dễ tập trung hơn, nhưng dịch đang diễn biến phức tạp thì làm việc từ xa là hợp lý, đảm bảo an toàn sức khỏe là trên hết”, bà Anh Thư, quản lý tại Công ty VAIB, cho biết. Các cuộc họp với khách hàng được VAIB thực hiện qua hội nghị truyền hình (video conference), Skype hay điện thoại từ nhiều tuần qua nhằm thực hiện kế hoạch liên tục kinh doanh (Business Continuity Plan).

“Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp  phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, hay thậm chí phương thức làm việc mới mà trước đây chưa thử nghiệm”, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc, kiêm Trưởng Ban Kế hoạch Ứng phó (BCP), thường trực cho các trường hợp khẩn cấp của ManpowerGroup Việt Nam, cho biết. Theo bà Hương, các công ty lớn trên thế giới như Microsoft, Amazon cũng đã áp dụng chính sách cho phép nhân viên làm việc tại nhà đến hết tháng 3. Chính sách làm việc tại nhà và được hưởng lương bình thường còn áp dụng tại Hàn Quốc, Nhật, Ý, Đức, Pháp, Thụy Sĩ và Anh.

Chị Hoàng Lan, nhân viên một công ty quảng cáo của Thái Lan tại TP.HCM, đã không đến văn phòng trong 2 tuần qua, vì lý do phòng dịch. “Rõ ràng điều này là khó khăn không hề nhỏ đối với những công ty đã quen với hình thức làm việc tại văn phòng. Doanh nghiệp sẽ phải thực hiện rất nhiều cuộc điện thoại cũng như các cuộc họp trực tuyến. Nhưng không còn cách nào khác”, chị Lan cho biết. 

Cho phép nhân viên làm việc tại nhà trước đây chỉ dành cho một số ngành đặc thù như thiết kế, quảng cáo, sáng tạo... Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng đã khiến nhiều công ty ở các lĩnh vực khác nhau thực hiện chính sách làm việc từ xa thường xuyên hơn thông qua các ứng dụng làm việc trực tuyến như WeChat Work chẳng hạn... 

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu hạn chế họp hành, tụ tập đông người, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, dạy qua truyền hình… để chống dịch bệnh COVID-19. Ngay khi ca nhiễm bệnh thứ 35 xuất hiện, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo cho nhân viên tại một số khu vực được phép làm việc tại nhà, chờ hướng dẫn tiếp theo. Từ ngày 9.3 Tập đoàn Vingroup cũng cho nhân viên tại Hà Nội làm việc từ xa, trừ một số bộ phận luân phiên đến văn phòng. Nhiều công ty lớn cũng lên phương án tương tự để ngăn ngừa virus lây lan trong cộng đồng.

Hiện nay, các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ làm việc online được phát triển rất đa dạng, từ các ứng dụng trao đổi nhóm thông thường qua Zalo, Telegram, Messenger, TeamViewer, Slack, Skype, đến các giải pháp cao cấp hơn như video conference, Office 365, StoreBox... Để hỗ trợ cho xu hướng làm việc từ xa, Google cho biết sẽ cấp quyền truy cập miễn phí các tính năng nâng cao Hangouts Meet dành cho khách hàng G Suite và G Suite for Education. Cisco cũng hỗ trợ miễn phí 3 tháng cho dịch vụ Webex với 3 phiên bản meeting, training và event...

 

Nhiều người lo ngại việc nhân viên không đến văn phòng làm việc sẽ làm giảm năng suất lao động. Tuy nhiên, một nghiên cứu của FlexJobs đã chỉ ra số người làm việc từ xa ở Mỹ từ năm 2005-2017 đã tăng 159%. Cũng theo ước tính của FlexJobs, 50% lực lượng lao động của Anh sẽ làm việc từ xa, ít nhất là một nửa thời gian vào năm 2020.
Dịch bệnh cũng là phép thử của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ trong môi trường làm việc linh hoạt. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp cảm thấy không cần thiết phải tăng cường làm việc từ xa và cho rằng số đông đang tưởng tượng quá lên về hậu quả của dịch bệnh. Tuy nhiên, chính sách kiểm dịch do Chính phủ đưa ra đã tạo ra tình trạng cấp bách chưa từng có. Vì vậy, những công cụ để quản lý hiệu quả công việc từ xa đang trở thành vấn đề quan trọng của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế ở thời điểm này. 

“Điều doanh nghiệp cần làm là xây dựng hệ thống đo lường hiệu quả và cân nhắc áp dụng cho nhân viên/bộ phận phù hợp. Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp cần đảm bảo sự an toàn cho tất cả mọi người và trong mọi trường hợp, cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế/WHO”, bà Thanh Hương cho biết.