Thứ Hai | 29/06/2015 10:35

Vĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Khê

Tính đến ngày tạ thế, cố Giáo sư Trần Văn Khê đã có hơn 200 bài đăng trên các tạp chí chuyên môn trên thế giới.

Nền âm nhạc Việt Nam đã mất đi một cây đại thụ khi Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê qua đời vào ngày 24.6.2015. Nhìn lại cuộc đời của một người say mê nghiên cứu âm nhạc danh tiếng này, người ta không khỏi chạnh lòng khi nền âm nhạc dân tộc có xu hướng thoái trào trước những thay đổi lớn của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay.

Cố Giáo sư Trần Văn Khê sinh ra tại Tiền Giang vào thời Pháp thuộc (1921). Điều may mắn của ông là được làm quen với âm nhạc từ rất sớm nhờ cả hai bên nội ngoại đều say mê âm nhạc, thậm chí âm nhạc còn đến với ông trước khi được... sinh ra.

“Khi mẹ tôi mang thai tôi, anh ruột của mẹ tôi là cậu Năm đã tới nhà ông nội để xin phép cho mẹ tôi về dưỡng thai tại làng Đông Hòa. Vì hiện tại nhà ông nội ở gần lò heo, sáng nào cũng nghe thấy tiếng heo la khi bị thọc huyết nên cậu Năm sợ sẽ ảnh hưởng không tốt đến bào thai. Từ đó, mỗi ngày tôi có được một giờ nghe nhạc, khi đàn tranh, đàn kìm, lúc đàn cò, thổi sáo, cậu Năm tôi đã nuôi tôi lớn lên bằng âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đúng một tuổi tôi trở về Vĩnh Kim sống với ông nội. Hằng ngày, ông nội tôi đàn tỳ bà, cha tôi đàn nguyệt, đàn bầu với bạn hay với khách. Tôi được nghe nhạc suốt ngày”, ông Khê từng kể lại như thế.

Ít ai biết rằng cụ cố ngoại của ông Khê chính là Nguyễn Tri Phương, Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn, người đã tuyệt thực đến chết khi Pháp chiếm thành Hà Nội.

Dù vậy, cuộc đời của cố Giáo sư Trần Văn Khê cũng chịu nhiều cú sốc khá lớn. Ba tuổi, ông ngoại qua đời, 5 tuổi đến phiên ông nội. Mẹ ông mất năm 9 tuổi và năm sau thì cha từ trần. Ông được người cô thứ ba là nữ nghệ sĩ Trần Ngọc Viện bảo bọc từ đó.

Tài năng âm nhạc của ông được chứng thực khi còn rất trẻ. Một tuổi đã biết nhún nhảy theo tiếng đàn, 6 tuổi biến chơi đàn nguyệt, 8 tuổi biết đàn nhị, 12 tuổi sử dụng đàn tranh, 14 tuổi học đánh trống nhạc. Khi 18 tuổi, ông đã là người chỉ huy dàn nhạc của Trường Trung học Trương Vĩnh Ký, cùng chơi nhạc với Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan. Năm 20 tuổi, ông trở thành người chỉ huy dàn nhạc Trường Đại học Hà Nội.

Năm 1949, ông sang Pháp học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ môn nhạc học vào năm 1958 tại Đại học Sorbonne. Kể từ đó, ông bắt đầu dành thời gian nghiên cứu sâu về nền âm nhạc dân tộc cũng như cất công tìm hiểu, so sánh với các nền âm nhạc của thế giới, đặc biệt là Ấn Độ, Ả rập, Trung Hoa, Nhật. Ông là thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của tổ chức UNESCO. Tính đến ngày tạ thế, ông đã cho xuất bản hơn 200 bài đăng trên các tạp chí chuyên môn cũng như giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới.

Vinh biet Giao su Tran Van Khe

Sau hơn nửa thế kỷ làm việc và sinh sống ở nước ngoài, cố Giáo sư Trần Văn Khê quay về nước định cư từ năm 2003 ở tuổi 82. Năm 2004, ông chuyển về nước hàng ngàn cuốn sách, những công trình nghiên cứu, băng video. Khối lượng tư liệu này đang được lưu trữ tại Viện Bảo tàng TP.HCM.

Có thể nói, ông là “của hiếm” trong làng âm nhạc từ xưa đến nay vì thông hiểu nhiều loại nhạc cụ, biết được hầu hết các thể loại từ Bắc chí Nam như cải lương ở miền Nam, ca trù ở miền Bắc, nhã nhạc cung đình ở Huế. Năm 2005, ông được UNESCO giao trọng trách đánh giá, thẩm định hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, góp phần đưa văn hóa đặc sắc này được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại.

Dù vậy, ông từng bày tỏ nỗi buồn khi chứng kiến vị thế của âm nhạc dân tộc không được tương xứng trong nhịp điệu sống ngày càng nhanh của con người, dù rằng nếu so sánh với các nền âm nhạc khác trên thế giới, âm nhạc Việt Nam không có gì kém cạnh.

“Nhịp sống xã hội là nhịp sống của kỹ nghệ, của công nghiệp, còn tiết tấu của âm nhạc là tiết tấu của nghệ thuật, là tiết tấu của con tim thưởng thức nghệ thuật. Nếu bắt con tim phải theo nhịp sống quay cuồng của xã hội công nghiệp, con người sẽ đi ngược lại nhịp sống sinh lý. Đổi mới không phải là làm cho ồn ào và nhộn nhịp hơn xưa. Chúng ta không nên vì cái hào nhoáng bề mặt của nghệ thuật phương Tây mà chạy theo bắt chước để tạo thành một loại nhạc ngoại lai, không còn bản sắc của dân tộc và quên đi nét thâm trầm, tế nhị và kín đáo bề trong của nghệ thuật”, ông từng nói.

Thậm chí, ông nhận xét rằng ở những nước kỹ thuật tiên tiến ở Âu Mỹ, nhịp sống nhanh hơn nhịp sống ở Việt Nam nhiều. Và ngày càng nhiều thanh niên các nước Âu Mỹ quay về nhạc châu Á để tìm chút yên tĩnh, hầu chống lại nếp sống quay cuồng, lôi cuốn con người vào guồng máy của nó.

Một trong những điểm hạn chế lớn nhất cho sự phát triển của âm nhạc dân tộc được cố Giáo sư chỉ ra là tính tự ti của người Việt sau bao nhiêu năm chịu ách đô hộ và xã hội kém giàu mạnh hơn so với các quốc gia khác. “Thấy cây đàn piano bóng bẩy, cả mấy chục dây, nhìn lại cây đàn bầu, thùng tre thùng gỗ trông nó nghèo nàn làm sao. Và nó lại nằm trong tay những người ăn mày, mà quên đi cái giá trị của nó trong chỗ chỉ một dây mà tạo ra bao nhiêu âm thanh”, ông từng bày tỏ như thế.

Vinh biet Giao su Tran Van Khe
Nguồn: vietnamnet.vn

Chính ông đã là người đề xuất với Chính phủ về các biện pháp bảo tồn và phát triển nền âm nhạc dân tộc nhưng có lẽ đến khi chết, nguyện vọng của ông vẫn chưa thể trở thành sự thật. “Tôi đã thường mơ màng rằng nếu một bộ môn nghệ thuật nào mà được chính quyền trung ương và địa phương quan tâm, được nghệ nhân, nghệ sĩ chắt chiu gìn giữ và hãnh diện với di sản của cha ông để lại, được quần chúng hoan hô đón nhận, nhất là được thế hệ trẻ sẵn sàng tiếp thu nghệ thuật ấy, tìm hiểu thương yêu, học hỏi và luyện tập thì bộ môn nghệ thuật đó có được một sức sống mãnh liệt và sẽ không bao giờ bị chìm trong quên lãng”, cố Giáo sư Trần Văn Khê trăn trở.

Ngọc Sơn