Thứ Sáu | 10/10/2014 11:24

Hồn piano cổ

Mỗi cây piano cổ là tác phẩm nghệ thuật mang cảm xúc của người thợ thủ công.
Những nét chạm trổ khéo léo, sự tinh tế của người cân chỉnh thanh âm... đã làm nên những nốt nhạc thanh tao, bay bổng.

Sáng 30/9, triển lãm "Những cây piano cổ đến từ châu Âu" khai mạc tại Sonata Café, số 52 Đặng Dung, Q.1, TP. HCM. Lần đầu tiên, giới mộ điệu được nhìn ngắm tận mắt 9 cây đàn piano cổ với những thanh âm đặc trưng của thời đại chúng được sinh ra. Đó là tác phẩm của G. Klingmann & Co. Berlin danh giá, được sản xuất từ năm 1890 tại Đức.

Dù là thương hiệu chuyên cung cấp đàn cho Vương quốc Anh nhưng công ty này đã dừng sản xuất và làm thủ tục phá sản vào năm 1929. Do vậy, những cổ cầm còn sót lại của G. Klingmann & Co. Berlin khá khó kiếm.

Đó là cây đàn có năm sinh 1906 của J. Gunther Brevete Bruxelles, Bỉ. Cổ cầm hơn trăm tuổi này được làm bằng gỗ hồng mộc và được trưng bày tại triển lãm quốc gia tại Bỉ. Cây Gunther này đã được nhận giải thưởng năm 1867 tại cuộc triển lãm nhạc cụ thế giới ở Paris. Mỗi cây đàn một lịch sử, nó khiến người xem không chỉ thấy cổ cầm mà còn đọc được cả những câu chuyện của quá khứ.

Thực tế, piano là nhạc cụ rất phổ dụng hơn 100 năm qua tại châu Âu. Trong thế kỷ XIX, việc giải trí thông thường là những hoạt động ca múa nhạc với cây đàn piano là nhạc cụ trung tâm, nó đã đi đến từng gia đình, tô điểm thêm không gian sống của họ và thể hiện phong cách của chủ nhân. Trải qua hai thế kỷ, dù có chịu biến động lớn bởi chiến tranh nhưng rất mừng là những cây piano trăm tuổi vẫn còn hiện diện và gần như nguyên vẹn, tạo điều kiện cho người chơi có thể tiếp xúc với các cổ cầm và đưa chúng về Việt Nam.

Theo ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty CP Mỹ thuật Gia Long, văn hóa piano đã lan truyền đến Việt Nam vào thế kỷ XX. Nhưng do điều kiện kinh tế, cuộc sống của người dân Việt Nam còn khó khăn nên việc chơi đàn piano là một thú vui xa xỉ thời đó.

Vào thập niên 1990 bắt đầu xuất hiện các cây đàn piano đến từ Nhật Bản - đây là dòng đàn theo phong cách hiện đại, được sản xuất công nghiệp đại trà với chất lượng ngày một cải thiện, đặc biệt giá cả phù hợp với người chơi đàn nên dần dìm chết nhiều thương hiệu đàn piano xuất xứ từ châu Âu.

Và hơn 10 năm trở lại đây, khi đời sống của người dân Việt Nam khá giả hơn, cây đàn piano có điều kiện gần gũi với họ và đàn piano đến từ Nhật Bản đã dần thống trị thị trường Việt Nam.

Có thể nói đi đâu cũng thấy đàn Yamaha, Kawai, Apolo... "Do vậy, đàn piano xuất xứ từ châu Âu vẫn đắt đỏ với người dân Việt Nam. Đàn piano cổ lại càng quý bởi nó đại diện cho lịch sử âm nhạc thời đại nó ra đời", ông Tiến chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất của "cuộc chơi" này là quá trình vận chuyển và tìm từng chi tiết phù hợp để phục chế đàn. May mắn là ở Việt Nam, trình độ phục chế đàn khá cao nên piano dù đã "bạc đầu" nhưng vẫn có thể cất cao thanh âm.

G.Klingmann chế tác năm 1870.
G.Klingmann chế tác năm 1870.

Mỗi cây đàn piano châu Âu lùi vào quá vãng như muốn ẩn mình và cất giữ trong nó những câu chuyện vàng son của một thời. Và câu chuyện đó sẽ bị lớp bụi thời gian phủ mờ nếu không có những người đam mê đàn cổ.

Trần Như Vĩnh Lạc, nghệ sĩ dượt vở của nhà hát danh tiếng, đến từ Houston, Mỹ, chia sẻ, mỗi cây piano gắn liền với mỹ học của từng thời đại. Do vậy, chơi piano cổ cho người chơi cái thú thưởng lãm cái đẹp từ chế tác lẫn thanh âm.

Với những người học nhạc, piano cổ lại có một tác dụng khác là lột tả được chính xác thanh âm của thời đại. Người học Mozar, Beethoven, Bach... đều muốn được nghe thanh âm của đúng thời đại đó để thẩm thấu hơn sáng tác của những bậc thầy này.

Hiểu được điều này nên chủ nhân của triển lãm sẵn lòng đón nhận những sinh viên trường nhạc đang nghiên cứu về piano đến thử đàn. Đây là một quyết định không dễ dàng bởi gắn liền với một số rủi ro nhất định. Tuy nhiên, người chơi đàn vẫn hào phóng, bởi cái đẹp mỹ học cũng gắn liền với sự sẻ chia.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 15/10.

Nguồn Doanh nhân Sài Gòn


Sự kiện